Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019

17/04/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 16/4/2018, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 23, cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự phiên họp.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự phiên họp

Theo Tờ trình Đề nghị của Chính phủ về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, trong năm 2017, các Bộ, cơ quan ngang Bộ đã tích cực triển khai nhiệm vụ, chuẩn bị tốt một số lượng lớn dự án trình Chính phủ xem xét, cho ý kiến để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng các dự án để đề xuất đưa vào Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, các Bộ, cơ quan ngang Bộ quan tâm, đầu tư thời gian và nguồn lực nhiều hơn cho công tác xây dựng thể chế, đặc biệt là việc nghiên cứu, đề xuất các dự án luật theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và việc rà soát sửa đổi, bổ sung các luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch. Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ thường xuyên đôn đốc và chủ động, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan ngang Bộ thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương lập đề nghị xây dựng các dự án luật nêu trên.

Báo cáo Thẩm tra đề nghị Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, thời gian qua, thực hiện các quy định mới của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động lập pháp đã được cải tiến trong tất cả các khâu. Công tác lập đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh được Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan quan tâm, tích cực và chủ động hơn. Công tác soạn thảo, thẩm định được coi trọng và dành nhiều thời gian, công sức thực hiện. Chính phủ bố trí nhiều thời gian hơn và tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật để thảo luận, cho ý kiến về các dự án. Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tập trung thực hiện tốt hơn nhiệm vụ thẩm tra các dự án, tích cực thực hiện việc tiếp thu, chỉnh lý dự án sau khi được Quốc hội cho ý kiến. Mỗi lần cho ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều có kết luận cụ thể về từng dự án; với một số dự án quan trọng, nội dung phức tạp, đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận, cho ý kiến. Các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội dành nhiều thời gian hơn cho việc tổ chức góp ý xây dựng các dự án luật. Lãnh đạo Quốc hội cũng trực tiếp chủ trì nhiều cuộc họp với các cơ quan liên quan để chỉ đạo việc hoàn thiện các dự thảo trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thời gian thảo luận tại Hội trường được tăng thêm, tính đối thoại và tranh luận, phản biện trong phát biểu của đại biểu Quốc hội được tăng cường, các luật được thông qua trong năm 2017 với số phiếu rất cao. Công tác chỉnh lý kỹ thuật văn bản ngày càng đi vào nền nếp. Tình trạng nợ đọng văn bản dần được khắc phục...

Bên cạnh những kết quả đạt được việc lập và triển khai Chương trình vẫn còn những hạn chế: Hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên, năm 2017, bổ sung 6 dự án, lùi thời gian trình 5 dự án, rút khỏi Chương trình 3 dự án. Năm 2018, Chính phủ đề nghị điều chỉnh thời gian trình 3 dự án, bổ sung 10 dự án... Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình. Phát biểu của nhiều đại biểu còn trùng lặp, chưa tập trung vào những nội dung cần xin ý kiến. Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến UBTVQH, cơ quan thẩm tra, ĐBQH chậm so với quy định.

Tại phiên làm việc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các nguyên tắc lập Chương trình năm 2019, điều chỉnh Chương trình năm 2018 đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh việc điều chỉnh Chương trình năm 2018 cơ bản không làm ảnh hưởng, thay đổi Chương trình đã được Quốc hội quyết định; chỉ cho rút, lùi thời gian trình để tiếp tục chuẩn bị đối với những dự án chưa bảo đảm chất lượng, tiến độ. Các dự án đã có trong chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (cuối năm 2018) sẽ tiếp tục được đưa vào Chương trình để xem xét, thông qua trong năm 2019. 

Một số ý kiến lưu ý ưu tiên bổ sung Chương trình năm 2018, đưa vào Chương trình năm 2019 các dự án luật sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo ý kiến chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là các dự án nhằm kịp thời triển khai thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 và Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Cũng như ưu tiên các dự án luật, pháp lệnh liên quan đến đất đai, xây dựng, nhà ở, môi trường, đầu tư, kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành và quy hoạch nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; tái cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trọng tâm là tái cơ cấu lại đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tín dụng. 
 

Toàn cảnh phiên họp

Thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉ ra những hạn chế, tồn tại nhiều năm trong công tác xây dựng pháp luật, dẫn tới chất lượng chưa cao, đó là hồ sơ đề nghị xây dựng một số dự án luật chưa được chuẩn bị kỹ, tình trạng xin lùi, rút, bổ sung dự án vào Chương trình vẫn còn diễn ra thường xuyên. 

Nhiều ý kiến băn khoăn về xu hướng một luật sửa nhiều luật, lồng ghép các ưu đãi làm cho hệ thống pháp luật thiếu tính ổn định. Việc tổ chức lấy ý kiến và tham gia ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan đối với nhiều dự án còn hình thức... Cơ quan thẩm tra của Quốc hội trong một số trường hợp chưa thực sự thẳng thắn, thiếu kiên quyết trong việc bảo vệ quan điểm của mình; Nhiều trường hợp gửi hồ sơ dự án đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, đại biểu Quốc hội chậm so với quy định...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thẳng thắn cho rằng vẫn còn tình trạng chấp hành không nghiêm các quy định của pháp luật. "Tại sao những tồn tại, hạn chế trong xây dựng luật đã nhiều năm qua nhưng vẫn không khắc phục được? Chúng tôi cho rằng đó là do kỷ luật không nghiêm. Ngay cả báo cáo của Chính phủ và thẩm tra của Ủy ban Pháp luật cũng không chỉ ra Bộ, Ngành nào thiếu nghiêm túc" – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nói.

Bà Lê Thị Nga lo ngại tình trạng sửa luật liên tục khiến cho cả người dân và nhà đầu tư đều không yên tâm. “Gần đây, có hiện tượng rất nhiều dự án một luật sửa nhiều luật. Tôi nghĩ nhà đầu tư khi vào Việt Nam, người ta đầu tư theo luật A, được vài hôm chúng ta lại sửa thành luật B thì họ có hài lòng hay không?... Chưa bao giờ hệ thống pháp luật mất ổn định như giai đoạn này” - bà Lê  Thị Nga nhận xét.

Đồng quan điểm, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, do thực hiện kỷ cương hành chính không nghiêm nên tình trạng chậm tài liệu đã trở thành tình trạng “trầm kha”. “Có những dự án Luật, Chính phủ báo cáo rất quan trọng để đưa vào chương trình, sau đó lại xin rút” – ông Nguyễn Hạnh Phúc dẫn chứng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải đã chỉ ra tình trạng không thống nhất ngay bên trong Chính phủ: “Trong soạn thảo luật, quan điểm của Chính phủ và các bộ, ngành còn vênh nhau. Ví dụ chủ trương Luật Đầu tư công thì Thủ tướng rất sốt sắng sửa để thúc đẩy phát triển, nhưng khi tôi trao đổi với các bộ thì họ nói rằng nên nghiên cứu kỹ”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách cũng cho biết, về dự án Luật Kiểm toán nhà nước, UBTVQH đã thống nhất sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước hiện hành. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng khẳng định đang cố gắng hết sức để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Nhưng dự kiến chương trình năm 2019 và bổ sung chương trình năm 2018 đều không đưa dự án Luật này vào. “Đề nghị Chính phủ cho biết quan điểm chính thức về việc sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước” – ông Nguyễn Đức Hải nói.  

Tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh cho biết KTNN đã thành lập ban chỉ đạo sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước, thực hiện đúng theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. KTNN đang hoàn thiện để có thể bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị: Trong Tờ trình của Chính phủ đã nêu nguyên nhân dẫn đến những tồn tại trong thực hiện Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh cần làm rõ trách nhiệm của ai? UBTVQH đề nghị cần nêu rõ địa chỉ thực hiện chưa tốt, tránh tình trạng nêu chung chung một số nơi, một số cơ quan thực hiện chưa nghiêm. Đồng thời, cần có biện pháp cụ thể để đảm bảo sự chặt chẽ, hiệu quả công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang Bộ, việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật trong công tác xây dựng pháp luật./.

M. Thúy

Xem thêm »