KTNN tổ chức Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015” tại TP Hồ Chí Minh

24/04/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 23/4/2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức Hội thảo “Rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015”. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Đoàn Xuân Tiên đồng chủ trì Hội thảo.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đại biểu đại diện HĐND, UBND, Đoàn ĐBQH: Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh; đại diện các trường đại học, các Tổng công ty; các chuyên gia, các nhà khoa học.

Về phía KTNN có lãnh đạo các Vụ: Pháp chế, Tổng hợp, Tổ chức, Chế độ và kiểm soát chất lượng kiểm toán, Thanh tra, Hợp tác quốc tế, Văn phòng KTNN; KTNN chuyên ngành III; KTNN khu vực: I, II, III, IV, IX.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, sau gần 03 năm thi hành, một số quy định của Luật KTNN năm 2015, đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế nhất định, như: Nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN chưa tương xứng với vị trí, chức năng được giao; phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán chưa đồng bộ, thống nhất; quy định về đơn vị được kiểm toán chưa bao quát hết các cơ quan, tổ chức có quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; thiếu chế tài xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN. Bên cạnh đó, một số quy định của Luật cần phải được quy định chi tiết cụ thể hơn, như quy định đối với ý kiến của KTNN trình Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; nghĩa vụ của đơn vị được kiểm toán và tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc cung cấp thông tin, tài liệu theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước… Mặt khác, hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, nhận thức và áp dụng pháp luật chưa thống nhất nên không tránh khỏi khó khăn khi tiến hành các hoạt động thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nói chung, của KTNN nói riêng.

Từ thực tiễn trên, thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, ngày 27/11/2017 Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch 07-KH/TW, Đảng Đoàn Quốc hội ban hành Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH ngày 18/01/2018 xác định nhiệm vụ xem xét sửa đổi, bổ sung các luật liên quan trong đó có Luật KTNN, thời gian hoàn thành trong năm 2019. “KTNN đã thành lập Ban chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật KTNN, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Tài chính-Ngân sách, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ theo trình tự của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trong quá trình thực hiện, KTNN tổ chức sơ kết thi hành Luật, kế thừa những quy định còn phù hợp, khắc phục hạn chế của Luật hiện hành, bám sát thực tiễn của Việt Nam, có tham khảo kinh nghiệm KTNN các nước. Hội thảo được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá Luật KTNN đúng thực trạng, đạt chất lượng” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Về quan điểm sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh: Cần sửa đổi về đối tượng kiểm toán và đơn vị được kiểm toán; về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước; hoạt động kiểm toán của KTNN.

Với tinh thần khoa học và tôn trọng kinh nghiệm thực tiễn, Tổng Kiểm toán nhà nước mong được lắng nghe ý kiến các chuyên gia, các quý vị đại biểu trong và ngoài ngành từ các góc nhìn khác nhau để tập trung làm rõ 05 vấn đề: Làm rõ đối tượng kiểm toán của KTNN, đánh giá sự cần thiết bổ sung các đơn vị được kiểm toán và phạm vi kiểm toán của KTNN bảo đảm bao quát hết đối tượng kiểm toán của KTNN theo Hiến pháp; Xem xét mối quan hệ phối hợp, phạm vi thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan, tổ chức bảo đảm hạn chế trùng lắp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; Nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật KTNN của đơn vị được kiểm toán và của tổ chức, cá nhân có liên quan; các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng, giám định tư pháp và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; quy định rõ nhiệm vụ trình ý kiến của KTNN để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương; quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia; Nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN, Kiểm toán viên nhà nước, trong đó đánh giá thực trạng tình hình cung cấp tài liệu theo quy định tại Điều 68 của Luật và loại tài liệu dưới dạng điện tử; Xem xét đổi tên hệ thống tổ chức của KTNN, KTNN chuyên ngành, khu vực (thành Vụ/Cục). “KTNN mong muốn rà soát, xem xét tính khả thi của Luật về các nội dung: Thời hạn kiểm toán; thời hạn lập và gửi báo cáo kiểm toán của cuộc kiểm toán toán, kiến nghị, khiếu nại trong hoạt động KTNN; Đánh giá, kiến nghị sửa đổi về các quy định khác của Luật KTNN hiện hành. Những ý kiến chia sẻ của các Quý vị có ý nghĩa quan trọng giúp KTNN nghiên cứu, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xem xét và thông qua việc sửa Luật, góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN” – Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định.
 

Toàn cảnh Hội thảo


Hội thảo đã nghe PGS.TS Đặng Văn Thanh – Chủ tịch Hội Kế toán và kiểm toán Việt Nam tham luận về: Phạm vi, đối tượng kiểm toán của KTNN theo quy định của Hiến pháp năm 2013 – những vấn đề đặt ra và định hướng sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015; Th.s Cao Thanh Bình – Phó Trưởng Ban Kinh tế, Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh tham luận về: Một số ý kiến rà soát, đánh giá và kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015; TS. Trần Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, tài chính và tổng hợp – Thanh tra Chính phủ tham luận về: Thực trạng và giải pháp khắc phục chồng chéo trong hoạt động giữa KTNN và cơ quan thanh tra; Ths. Nguyễn Tuấn Anh, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IV tham luận về: Thực trạng, giải pháp kiểm toán đối chiếu thuế và kiểm toán công tác quản lý đất đai – kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015; TS. Lê Đình Thăng – Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III tham luận về: Phạm vi kiểm toán của KTNN – Thực trạng và những vấn đề đặt ra; Ths. Ngô Minh Kiểm – Vụ trưởng Vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán KTNN tham luận về: Những kết quả và tồn tại, hạn chế trong xây dựng và thực hiện Hệ thống chuẩn mực, quy trình và phương pháp kiểm toán; công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán, những vấn đề đạt ra và kiến nghị, sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.

Nhiều đại biểu tham dự Hội thảo nêu ý kiến để làm rõ hơn một số vấn đề về: Đối tượng kiểm toán; tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động thanh tra, kiểm tra với hoạt động kiểm toán nhà nước; nghiên cứu quy định chế tài đối với hành vi vi phạm pháp luật kiểm toán nhà nước; các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong phòng chống tham nhũng và xử lý tố cáo đối với hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nghĩa vụ cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện kiểm toán theo yêu cầu của KTNN; vấn đề tổ chức bộ máy... Các đại biểu đều khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 là rất cần thiết và xuất phát từ tinh thần khoa học cũng như yêu cầu thực tiễn.

Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân - Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, đối tượng của KTNN không chỉ có tài chính công mà còn có tài sản công, đất công và tất cả phải công khai minh bạch, bất kể là đối tượng nào. Hiện nay tài sản công ẩn trong đất đai rất nhiều, kiến nghị khi lập dự toán, ra chủ trương đầu tư là phải có sự tham dự của KTNN, phải được luật hóa chứ thể chế hiện hành không tạo điều kiện để kiểm toán tham gia sâu vào vấn đề này.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thủy, Phó trưởng Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre, cho rằng, tất cả những gì thuộc Nhà nước thì thuộc đối tượng của KTNN, từ tài sản công, đất công đến tài chính công.

Ông Lê Tấn Tới, đại biểu quốc hội tỉnh Bạc Liêu kiến nghị khi sửa đổi Luật KTNN năm 2015 cần có quy định xử lý trách nhiệm cả với cá nhân dùng quyền lực cản trở hoạt động của kiểm toán, không cho KTNN kiểm toán thực thi công vụ, chính vì vậy, Luật KTNN năm 2015 phải điều chỉnh nội dung này.

Kết luận Hội thảo, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc thay mặt cho KTNN trân trọng cảm ơn các đại biểu đã dự và có nhiều ý kiến quý báu góp ý để KTNN rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật KTNN năm 2015.

Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá rất cao những ý kiến phát biểu và các bài tham luận tại Hội thảo. “Với tinh thần trách nhiệm, kinh nghiệm thực tiễn phong phú và kiến thức trình độ lý luận sâu sắc, các bài tham luận sẽ được BTC chúng tôi sẽ tập hợp lại, tiếp thu và hoàn thiện bổ sung Luật KTNN, báo cáo với các cơ quan chức năng trình trước Quốc hội vào năm 2019” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói./.

Quỳnh Anh
 

Xem thêm »