Nâng cao chất lượng kiểm toán: Thực hiện nghiêm kiến nghị sau kiểm toán

02/05/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thời gian qua, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới hoạt động, tăng cường kiểm soát chất lượng, kiểm soát nội bộ. Qua đó, quy mô, chất lượng kiểm toán ngày càng được nâng lên, phát hiện nhiều vấn đề liên quan đến việc hạch toán, sử dụng kém hiệu quả và sai phạm trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công, góp phần chống thất thoát lãng phí và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính của Nhà nước. Các báo cáo kết quả của KTNN trong các lĩnh vực đã cung cấp được thông tin quan trọng, là căn cứ cơ bản cho Quốc hội giám sát thảo luận xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Tuy vậy, trong quá trình hoạt động của KTNN còn nhiều khó khăn vướng mắc, đáng chú ý là vẫn còn nhiều trường hợp không thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu lực hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Vì vậy, nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri kiến nghị, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của KTNN để thực hiện tốt công tác phòng, chống tham nhũng.

Kiểm toán viên nhà nước thực hiện kiểm toán tại đơn vị

Cần thực hiện nghiêm các kết luận, kiến nghị sau kiểm toán của KTNN

Theo Báo cáo của KTNN, năm 2017, KTNN đã triển khai hơn 200 cuộc kiểm toán. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 4/01/2018 của 273 BCKT là 43.660 tỷ đồng (trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 32.609 tỷ đồng, kiến nghị xử lý khác 11.051 tỷ đồng), tăng 12,5% so với năm 2016 (38.776 tỷ đồng). Qua kiểm toán đã kiến nghị sửa đổi, hủy bỏ 96 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng, tránh thất thoát lãng phí, kịp thời cung cấp thông tin, phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội, các đoàn giám sát của UBTVQH và các cơ quan chức năng có liên quan. Tuy vậy, các đơn vị kiểm toán và tổ chức cá nhân có liên quan không cung cấp đầy đủ, kịp thời các thông tin tài liệu, không thực hiện đầy đủ kịp thời các kết luận kiến nghị của KTNN, cản trở việc kiểm toán, che dấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài chính ngân sách.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2017 có 121 trường hợp đơn vị được kiểm toán không cung cấp tài liệu dẫn tới các Đoàn kiểm toán không thể thực hiện kiểm toán theo kế hoạch. Trong quá trình thực hiện kiểm toán, nhiều đơn vị được kiểm toán cố tình chậm cung cấp tài liệu, thậm chí có đơn vị được kiểm toán cố tình cung cấp tài liệu sai sự thật, cản trợ hoạt động kiểm toán. Trong khi vẫn còn nhiều đơn vị được kiểm toán không thực hiện các kết luận kiến nghị sau kiểm toán, làm ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của hoạt động KTNN. “Thực hiện kiến nghị kiểm toán rất khó khăn đối với cơ quan KTNN. Chúng tôi cũng phải đôn đốc rất nhiều lần” – Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chia sẻ.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, thực tế theo dõi tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán cho thấy số kiến nghị kiểm toán của KTNN không được các đơn vị thực hiện còn cao. Năm 2015 có 35.7% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 8.179 tỷ đồng; năm 2016 có 24,4% kiến nghị về tài chính tương ứng số tiền 5.097 tỷ đồng chưa được các đơn vị thực hiện, làm thất thu NSNN, giảm hiệu quả hoạt động kiểm toán và tính nghiêm minh của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng cần công khai minh bạch làm rõ trách nhiệm các cơ quan đơn vị không thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị của KTNN đồng thời, cần phải chỉ ra được đơn vị nào cơ quan nào và người đứng đầu nào không chịu thực hiện kiến nghị của kiểm toán.

Các đại biểu Quốc hội cũng thẳng thắn chỉ rõ một số hạn chế trong hoạt động kiểm toán thời gian qua là KTNN chưa đề xuất kiến nghị được nhiều biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản, hiệu quả hoạt động của các đơn vị được kiểm toán. Kiểm toán để phát hiện tham nhũng còn hạn chế trong khi đó, KTNN đóng vai trò rất quan trọng trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng.

Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của KTNN

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu: Điều quan trọng là làm thế nào để nâng cao chất lượng hiệu lực, hiệu quả kết quả của kiểm toán thông qua việc thực hiện nghiêm các kết luận kiến nghị sau kiểm toán. “Điều cần quan tâm là mỗi cuộc kiểm toán như thế rút ra được cái gì, chỉ rõ ra được cái gì để có tác động lan tỏa. Và qua cái đó nâng tầm được hiệu lực quản lý của nhà nước cũng như răn đe, phòng ngừa được những tiêu cực” - ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh.

Trong thời gian qua có rất nhiều các dự án đầu tư công, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, sau khi KTNN vào cuộc phát hiện ra nhiều sai phạm, thu giữ lại cho Nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn – Chuyên gia kiểm toán, việc thẩm định giá các doanh nghiệp nhà nước để cổ phần hóa hoặc kiểm tra thanh quyết toán các dự án đầu tư công, nếu KTNN vào cuộc kịp thời, đưa ra các kết luận kiến nghị chính xác thì sẽ góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn được tham nhũng lãng phí.

Theo luật sư Võ Văn Trung – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội: Từ kết quả kiểm toán của Kiểm toán  nhà nước ở các đơn vị, cơ quan nếu được công khai minh bạch sẽ giúp các cơ quan người dân giám sát chống tham nhũng, sử dụng hiệu quả nguồn lực của quốc gia trong phát triển kinh tế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng KTNN cần nâng cao năng lực, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động. KTNN phải như một công cụ hữu hiệu của nhà nước trong việc kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN là một trong những nội dung liên quan đến hiệu lực hoạt động kiểm toán, liên quan chặt chẽ đến chất lượng kiểm toán, vì vậy, cần xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công scó trách nhiệm và uy tín, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế. “Kiểm toán hoạt động độc lập, chỉ tuân thủ pháp luật. Anh kiểm soát, kiểm tra, kiểm toán cái gì cũng phải đứng trên nền tảng của pháp luật, chỉ ra đúng sai. Đồng thời, phải làm đúng quy trình, vì quy trình ấy đảm bảo cho cái hoạt động kiểm toán chặt chẽ, từ việc khảo sát đưa ra kế hoạch kiểm toán, cho đến quá trình kiểm toán và kết luận kiểm toán và xử lý sau kiểm toán. Quy trình đúng rồi nhưng phải lấy hiệu quả chất lượng làm chính, không hình thức và phải đi đến cùng tất cả các vấn đề chứ không làm nửa chừng xuân” – ông Phùng Quốc Hiển nói.

Nhiều đại biểu quốc hội cho rằng, một trong những điểm mới của Luật KTNN 2015 là quy định rõ về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Theo đó, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý sử dụng tài chính công tài sản công. Tuy vậy, rất nhiều kiến nghị của KTNN liên quan đến quản lý tài chính vĩ mô, cần sự phối hợp của các cơ quan chức năng mới có thể thực hiện được. Chẳng hạn như kiến nghị về hoàn thiện cơ chế quản lý đòi hỏi phải liên quan đến nhiều cơ quan hoạch định chính sách và cần cả quyết tâm chính trị mới có thể triển khai thực hiện được. Vì thế, Kiểm toán nhà nước cần tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình hoạt động kiểm toán, đồng thời tuyên truyền đánh giá sau 2 năm thực hiện Luật KTNN năm 2015 để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về kiểm toán.

Chúng ta đang trong quá trình thúc đẩy phát triển kinh tế, nguồn lực còn hạn chế, cử tri mong muốn các kết luận kiến nghị của KTNN sẽ được thực hiện đầy đủ góp phần nâng cao hiệu lực hoạt động kiểm toán, nâng cao hiệu lực pháp luật. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng quản lý tài chính, sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia một cách có hiệu quả./.

Ngọc Diệu
 

Xem thêm »