Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi)

15/06/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 13/6, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp

Phát biểu mở đầu, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết: Đây là dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 4, ngay sau kỳ họp, cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra và các cơ quan hữu quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần thứ hai tại kỳ họp này trước khi Quốc hội xem xét quyết định thông qua tại kỳ họp sau.
         
Khẳng định tầm quan trọng của Dự án Luật, Phó Chủ tịch cho rằng: Dự án luật tạo cơ sở pháp lý cho phòng chống tham nhũng hiệu quả hơn, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và nhận được sự quan tâm, kỳ vọng lớn của nhân dân. Đây cũng là một dự án luật khó, có nhiều chính sách mới phức tạp. Qua thảo luận tại tổ đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều nội dung đang còn ý kiến khác nhau như những vấn đề về mở rộng hay thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập, cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập, xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc ...
         
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, các đại biểu Quốc hội quan tâm, tập trung thảo luận làm rõ một vài vấn đề: việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự án luật ra khu vực ngoài nhà nước; về nội dung thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước; về cơ quan, đơn vị kiểm soát tài sản thu nhập; về đối tượng phải kê khai tài sản thu nhập; về xử lý tài sản thu nhập kê khai không trung thực, tài sản thu nhập tăng thêm không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc và những vấn đề khác mà các vị đại biểu Quốc hội quan tâm.
         
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có bố cục gồm 11 Chương, 125 Điều, quy định về về phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; việc xử lý tham nhũng và vi phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Tờ trình nêu rõ, dự thảo Luật quy định trách nhiệm phòng, chống tham nhũng nói chung của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước; đồng thời quy định về việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng ngừa tham đối với tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ và thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện; đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.
         
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành về sự cần thiết phải ban hành Luật cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và các nội dung trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; cho rằng dự thảo luật đã được xây dựng khá toàn diện và tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 4.
 
Các đại biểu theo dõi phiên thảo luận


Từng bước mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước

Về mở rộng phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước vì cho rằng, trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện, ảnh hưởng bất lợi đến các hoạt động cạnh tranh lành mạnh, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, kinh doanh, cản trở hiệu quả của công tác phòng, chỗng tham nhũng khu vực nhà nước.
         
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước sẽ góp phần thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW của Bộ Chính trị là “từng bước mở rộng hoạt động phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước”.
         
Theo đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương- tỉnh Tây Ninh và đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Hiền- tỉnh Nghệ An, việc mở rộng phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước cũng sẽ bảo đảm đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước về các hành vi tham ô tài sản, nhận hối lộ, đưa hối lộ, môi giới hối lộ yêu cầu tại Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.
         
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu bày tỏ đồng thuận với việc mở rộng phạm vi áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng; các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư).
         
Các đại biểu Quốc hội cho rằng, hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp này có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, đồng thời đây là các chủ thể huy động vốn đóng góp của nhiều cổ đông hoặc thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện… do đó, cần có sự kiểm soát chặt chẽ để tránh việc người có thẩm quyền lợi dụng chức vụ được giao hoặc thành lập doanh nghiệp “sân sau” để tham nhũng. Quy định này còn có tác động lớn đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế, thúc đẩy hiệu quả phòng, chống tham nhũng trong khu vực nhà nước.

Thận trọng trong xử lý tài sản không giải trình được nguồn gốc
         
Thảo luận về nội dung này, các đại biểu Quốc hội cho biết, đặc điểm xã hội nước ta là người dân (trong đó có cán bộ, công chức) có truyền thống tích lũy, tiết kiệm, tặng cho, thừa kế trong gia đình; tài sản của cán bộ, công chức được hình thành từ nhiều nguồn khác nhau (ngoài thu nhập từ lương thì nhiều người còn làm thêm để tăng thu nhập) và trong khi Nhà nước chưa kiểm soát được thu nhập của toàn xã hội, pháp luật hiện hành cũng chưa quy định buộc người dân phải chứng minh nguồn gốc hình thành số tiền để mua tài sản, nhất là những tài sản có giá trị lớn; chưa quy định đánh thuế đối với tài sản... trong bối cảnh đó, việc xác định tính hợp lý của nguồn gốc tài sản nói chung là vấn đề rất phức tạp.
         
Tại phiên họp, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc xử lý tài sản không giải trình được hợp lý về nguồn gốc và là vấn đề lớn, có liên quan đến quyền sở hữu tài sản là quyền cơ bản của công dân được Hiến định, nên việc xử lý như thế nào nào cần được cân nhắc rất thận trọng, có bước đi phù hợp để vừa đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, vừa bảo đảm quyền cơ bản của công dân.
         
Ngoài ra, các nội dung về thu hồi tài sản tham nhũng; thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập; đối tượng kê khai tài sản, thu nhập; thanh tra, kiểm tra đối với khu vực ngoài nhà nước … cũng được các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến.

Phát huy vai trò của nhân dânvà các tổ chức truyền thông, báo chí
         
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu nhận định, hiện nay tình hình tham nhũng ở nước ta vẫn đang diễn biến phức tạp; quy định pháp luật còn nhiều kẽ hở; công tác thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng chưa hiệu quả; việc phát hiện, tố giác tham nhũng còn vẫn còn hạn chế. Theo đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân- tỉnh Cà Mau, thời gian qua, nhiều vụ việc, hành vi tham nhũng được phanh phui, xử lý phần lớn là nhờ sự phản ánh, báo cáo của nhân dân và các tổ chức truyền thông, báo chí. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng, cần: “Minh bạch thông tin, xây dựng xã hội công dân và xây dựng một nền báo chí có trách nhiệm”. Do vậy, đại biểu đề nghị, trong quá trình sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) cần khẳng định rõ nét vai trò của công dân và báo chí trong công cuộc phòng, chống tham nhũng nhằm tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong công tác phòng, chống tham nhũng.
         
Các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc phát hiện, tố giác tham nhũng còn hạn chế là do quy định về bảo vệ công dân trong tố giác các vụ việc, hành vi tham nhũng còn chung chung, chưa cụ thể. Theo Điều 5 của dự thảo luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong phòng, chống tham nhũng, công dân có quyền phản ánh, tố cáo hành vi tham nhũng và được bảo vệ theo quy định của pháp luật; có nghĩa vụ hợp tác, giúp đỡ cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong phòng, chống tham nhũng.
         
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Chí Tài- tỉnh Thừa Thiên - Huế cho rằng, việc báo cáo, phản ánh các vụ việc, hành vi tham nhũng có nhiều trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người phản ánh và thân nhân của người phản ánh. Do vậy, dự thảo Luật cần quy định về nội dung này cụ thể hơn, nêu rõ cơ quan nào có trách nhiệm bảo vệ và bảo vệ như thế nào?

Minh bạch trong kê khai, thu nhập, tài sản
         
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới, các đại biểu Quốc hội cho rằng việc quy định công khai bản kê khai tài sản, thu nhập như Điều 41 dự thảo Luật là rất cần thiết. Theo đó, Bản kê khai tài sản, thu nhập của người có nghĩa vụ kê khai phải được công khai tại cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi người đó thường xuyên làm việc. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại cơ quan, tổ chức, đơn vị phải được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành quy trình bổ nhiệm. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai theo quy định của pháp luật về bầu cử. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến được bầu, phê chuẩn tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân phải được công khai với đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trước khi bầu, phê chuẩn. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Bản kê khai tài sản, thu nhập của người dự kiến bầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp nhà nước được công khai tại cuộc họp lấy phiếu tín nhiệm khi tiến hành bổ nhiệm hoặc tại cuộc họp của Hội đồng thành viên khi tiến hành bầu các chức vụ lãnh đạo, quản lý.
         
Đồng tình với quy định này của dự thảo Luật, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ- tỉnh Bạc Liêu khẳng định, công việc khai bản kê khai thu nhập, tài sản một cách minh bạch như vậy để nhân dân giám sát và phát hiện là hợp lý và cần thiết.

Tránh lạm quyền trong thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng
         
Liên quan đến quy định về thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng đối với doanh nghiệp ngoài nhà nước quy định tại Điều 100 và Điều 103, các đại biểu cho rằng, vấn đề này cần phải được cân nhắc hết sức thận trọng để tránh nguy cơ lạm quyền. Các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc giao cho các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra hoạt động các đơn vị, doanh nghiệp tư nhân, tổ chức xã hội nêu trên mà không có cơ chế giám sát hiệu quả thì khả năng lạm dụng quyền lực của cơ quan công quyền là hoàn toàn có thể xảy ra, gây ra tình trạng hình sự hóa các quan hệ kinh tế, giao dịch dân sự, gây khó khăn cho hoạt động của các doanh nghiệp.
         
Quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức- tỉnh Cao Bằng cũng bày tỏ đồng tình với quan điểm thu hẹp phạm vi thanh tra phòng, chống tham nhũng đối với khu vực ngoài nhà nước, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo quy định chặt chẽ căn cứ, trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra để tránh bị lạm dụng, gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp…

D. Thúy

Xem thêm »