Tổ Công tác số 3 làm việc tại Thừa Thiên Huế: Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai

02/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 2/8/2018, tại Văn phòng Tỉnh ủy Thừa Thiên, Huế, Tổ Công tác số 3 do Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc là Tổ trưởng đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhằm kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Toàn cảnh buổi làm việc

Tham dự buổi làm việc có các Thành viên Tổ Công tác gồm: Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, Ban Kinh tế Trung ương Lê Xuân Thành; Phó Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán, Kiểm toán nhà nước Nguyễn Danh Bình; Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Công Thương Nguyễn Sỹ Cường; Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương Hoàng Trường Giang; Phó Chánh Văn phòng Kiểm toán nhà nước Lê Tùng Lâm.

Về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có: Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu; Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ; đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành: Ban Tuyên giáo tỉnh ủy, Ban Tổ chức tỉnh ủy; các Sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu Tư, Tài chính, Nội vụ, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường; Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổ trưởng Tổ Công tác số 3 Hồ Đức Phớc đã quán triệt về nội dung, phương pháp làm việc của Tổ Công tác.

Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ đã trình bày báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về kết quả triển khai, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Ông Phan Ngọc Thọ cho biết, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước; Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã triển khai đến các cấp ủy, tổ chức đảng, các ban, ngành, đoàn thể.

Tập trung triển khai học tập, quán triệt và tuyên truyền các Nghị quyết

Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 41-KH/TU, ngày 26/6/2017 về việc tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII để chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh triển khai thực hiện. Theo đó, Kế hoạch đã xác định rõ mục đích, yêu cầu, các nội dung trọng tâm, trọng điểm, đối tượng, phương thức, thời gian, tiến độ triển khai thực hiện phù hợp với từng cấp, từng ngành, địa phương, đơn vị; việc xây dựng chương trình, kế hoạch hành động để đưa Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.

Ngày 26/5/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức Hội nghị cán bộ chủ chốt toàn tỉnh để thông báo nhanh kết quả Hội nghị. Ngày 29/6/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết hợp tổ chức cho hơn 340 đồng chí là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Tỉnh ủy viên; Phó Chủ tịch HĐND, UBND, UBMTTQVN tỉnh; Trưởng, Phó các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; lãnh đạo Trường Chính trị Nguyễn Chí Thanh, Báo Thừa Thiên Huế; Bí thư, Phó bí thư, Trưởng ban tuyên giáo các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy; Chủ tịch, Phó chủ tịch HĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế; các đồng chí báo cáo viên cấp tỉnh tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) của Đảng do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức.

Hội nghị đã được nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình giới thiệu các nội dung: Nghị quyết 10-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; Nghị quyết 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước.

Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã sớm xây dựng kế hoạch và chỉ đạo nghiêm túc công tác tổ chức học tập, quán triệt Nghị quyết tại các địa phương, cơ sở. Đến cuối tháng 8/2017, có 17/18 đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy tổ chức 20 hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết với 3.366 lượt cán bộ chủ chốt tham dự. Đảng bộ Đại học Huế không tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt.

Ban Thường vụ các huyện ủy, thị ủy, Thành ủy Huế và các đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy đã tập trung chỉ đạo tổ chức học tập, quán triệt nghị quyết khá nghiêm túc. Các tổ chức cơ sở đảng đã tổ chức khoảng trên 482 hội nghị học tập, quán triệt nghị quyết tại các chi bộ, đảng bộ với khoảng trên 38.580 lượt đảng viên tham dự. Đối với các chi bộ, đảng bộ có số lượng đảng viên ít đã thực hiện học tập lồng ghép trong các đợt sinh hoạt chi bộ. Hầu hết các đơn vị đã triển khai theo đúng nội dung và tiến độ quy định.

Thể chế hóa các Nghị quyết, đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 07-NQ/TU, ngày 21/7/2017 về phát triển kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII); Kế hoạch 44-KH/TU, ngày 31/7/2017 về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước (thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW, ngày 03/6/2017); Kế hoạch 45-KH/TU, ngày 31/7/2017 về thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa XII) về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW, ngày 03/6/2017). Đồng thời UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch: Kế hoạch 263/KH-UBND, ngày 26/12/2017 về hoạt động “Phát triển doanh nghiệp, kinh tế tư nhân, thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2018”; Kế hoạch 13/KH-UBND, ngày 29/01/2018 về thực hiện Nghị quyết 12-NQ/TW và Kế hoạch 44-KH/TU. Ngoài ra, việc tổ chức thực hiện còn thông qua việc triển khai các nghị quyết liên quan khác; thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh; các sở, ban, ngành cũng ban hành các văn bản, chỉ đạo liên quan để thực hiện các nghị quyết, kế hoạch của Trung ương, của Tỉnh ủy và UBND tỉnh.

Về sở hữu: Vấn đề xác định quyền sở hữu đất đai, tôn trọng và đảm bảo quyền của người sở hữu đất đai; hình thức sở hữu của các chủ thể trong nền kinh tế được quan tâm thực hiện. Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã lãnh đạo Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo đẩy mạnh công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; phân cấp giấy phép xây dựng công trình tạo cơ sở cho việc xác lập quyền sở hữu đất đai, công trình; chỉ đạo các sở, ban, ngành liên quan thực hiện đúng quy định của các nhiệm vụ về cấp chứng chỉ quy hoạch, cấp phép xây dựng công trình, tạo cơ sở cho việc xác lập quyền sở hữu đất đai, công trình.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã trình Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 - 2020) cấp tỉnh; 100% đơn vị cấp huyện được phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2018. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, lũy kế đến nay đã cấp 613.826 Giấy, với diện tích 124.298,75 ha, đạt 97,19% và cấp đổi là 4.844 Giấy.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 03/2018/NQ-HĐND, ngày 30/3/2018 về quy định phân cấp quản lý tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế. Việc phân cấp quản lý tài sản công lần này đảm bảo nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm, thẩm quyền, tạo tính chủ động cho đơn vị, địa phương trong quản lý, sử dụng tài sản công, giảm bớt áp lực cho cấp tỉnh.

Đối với việc triển khai mua sắm tập trung trong các cơ quan hành chính Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập: Qua hơn một năm triển khai thực hiện, bước đầu mang lại kết quả tích cực, tạo tính chủ động cho địa phương, đơn vị trong việc quản lý, rà soát, đề xuất danh mục mua sắm tài sản hàng năm, góp phần tiết kiệm chi phí, thời gian và nhân lực thực hiện quy trình mua sắm công sản.

Về phát triển các thành phần kinh tế, các loại hình doanh nghiệp: Tỉnh đã có các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển các hình thức sở hữu, các loại hình doanh nghiệp, các thành phần kinh tế phát triển đa dạng, phong phú; đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ sở hữu khác nhau trong nền kinh tế nhằm huy động tối đa nguồn lực xã hội phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Đến ngày 30/5/2018, toàn tỉnh có 509 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc thành lập mới, tăng 24% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế có 95 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 3.510,46 triệu USD, trong đó, có 15 dự án đang triển khai xây dựng.

UBND tỉnh đã phê duyệt cơ cấu lại 04 doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục nắm giữ 100% vốn điều lệ giai đoạn 2016 - 2020 theo Quyết định 58/2016/QĐ-TTg, ngày 28/12/2016 và Công văn 328/TTg-ĐMDN, ngày 02/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, gồm: Công ty TNHH Nhà nước MTV Xổ số kiến thiết Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Nhà nước MTV Quản lý khai thác các công trình thủy lợi Thừa Thiên Huế; Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong; Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Nam Hòa.

Hiện tỉnh đã cổ phần hóa 03 doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2017, trong đó: Đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển thành Công ty cổ phần đi vào hoạt động kể từ ngày 01/11/2016  Công ty TNHH Nhà nước MTV Đầu tư và Du lịch Huế; đã hoàn thành cổ phần hóa và chuyển thành Công ty cổ phần đi vào hoạt động kể từ ngày 01/01/2017 Công ty TNHH Nhà nước MTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế; đã phê duyệt Phương án sử dụng đất, kế hoạch triển khai thực hiện cổ phần hóa, thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đối với Công ty TNHH Nhà nước MTV Khoáng sản Thừa Thiên Huế.

Tỉnh đang hoàn thiện các thủ tục cổ phần hóa Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phong Điền. Đang thực hiện thủ tục thoái vốn Nhà nước tại 03 Công ty cổ phần trong năm 2018 gồm: Công ty cổ phần Đường bộ I Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Quản lý đường bộ và xây dựng công trình Thừa Thiên Huế; Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế theo Quyết định 1232/QĐ-TTg, ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục doanh nghiệp có vốn Nhà nước thực hiện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020. Đang hoàn tất thủ tục giải thể 01 doanh nghiệp là Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Phú Lộc theo Công văn 328/TTg-ĐMDN, ngày 02/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt phương án tổng thể sắp xếp, đổi mới công ty lâm nghiệp thuộc UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về phát triển Kinh tế tập thể: 6 tháng đầu năm 2018, đã thành lập mới 12 Hợp tác xã (HTX), nâng tổng số HTX lên 251; có 193 HTX đã đăng ký, chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, đạt 86,16%. UBND tỉnh đã xây dựng hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, dự kiến trình HĐND tỉnh thông qua trong tháng 7/2018.

Về phát triển kinh tế trang trại: Đến nay, tỉnh đã có 71 trang trại đạt tiêu chí theo Thông tư 27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó trang trại chăn nuôi chiếm 77,5%; đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng trăm lao động khu vực nông thôn.

Về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế: Tỉnh đã chính thức đưa vào vận hành diện rộng Chính quyền điện tử các cấp theo mô hình: Thông tin, giao tiếp, tương tác, giao dịch và chuyển hóa. Đưa vào hoạt động các Trung tâm hành chính công cấp huyện và cấp tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình nộp và nhận kết quả các thủ tục về khởi sự kinh doanh, thuế, giao dịch thương mại, tài nguyên môi trường - xây dựng ... trên địa bàn.

Đơn giản hoá thủ tục, công khai, minh bạch, giảm bớt đầu mối, mẫu hóa tối đa các hồ sơ, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; rà soát, thống nhất đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ... bằng các hình thức một cửa, kê khai thuế qua mạng

Ngoài ra, tỉnh đã chú trọng: Phát triển đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường; Hỗ trợ đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; gắn kết tăng trưởng kinh tế với bảo đảm phát triển bền vững, tiến bộ và công bằng xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả hội nhập kinh tế quốc tế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế.

Cần sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp và Luật Đất đai

Theo Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ, trong thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và các thành phần kinh tế. Phối hợp điều hành giữa các sở, ngành, địa phương trong thực thi các cam kết hội nhập và tiếp cận thị trường. Hoàn thành cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước còn lại trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn liền với xây dựng chính quyền điện tử hướng đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn. Tăng cường công tác quy hoạch, đô thị, quản lý đầu tư, xây dựng cơ bản. Chú trọng phát triển kinh tế đi đôi với xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách mức sống dân cư, chênh lệch giữa các vùng, miền trong tỉnh. “Tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị Trung ương sớm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai và các nghị định hướng dẫn thi hành nhằm khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn, chưa rõ ràng giữa các Luật và Nghị định" - ông Phan Ngọc Thọ kiến nghị.  
 

Tổ Công tác số 3 tặng quà lưu niệm cho Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế

Kết luận buổi làm việc, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc đánh giá cao và đồng tình với nội dung báo cáo của của Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế. “Tỉnh đã tổ chức triển khai, thực hiện các Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII một cách quyết liệt, nghiêm túc; kịp thời thể chế hóa và đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống bằng những hành động cụ thể, thực tế” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhận định.

Cho rằng việc xác định quyền sở hữu đất đai là khó khăn và phức tạp, Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế cần hoàn thiện thể chế về đất đai và tổ chức thực hiện nghiêm, tránh khiếu kiện kéo dài. Trao đổi về vấn đề lãng phí đất đai, Tổng Kiểm toán nhà nước đồng tình cần sớm sửa đổi và hoàn thiện Luật đất đai, Tổ Công tác sẽ tiếp thu ý kiến để tổng hợp báo cáo gửi lên Ban Kinh tế Trung ương về vấn đề này.

Về vấn đề phát triển kinh tế và các loại hình doanh nghiệp tại địa phương, Tổng Kiểm toán nhà nước đề xuất cần hài hòa giữa phát triển kinh tế và sự bền vững của môi trường. Thế mạnh của Thừa Thiên Huế là du lịch và dịch vụ, nhưng nếu tỉnh không chú trọng phát triển công nghiệp thì kinh tế sẽ phát triển chậm, muốn tỉnh mạnh thì cần phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao mới không ảnh hưởng tới môi trường./.
 
Minh Thúy
 

Xem thêm »