Tọa đàm “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với vai trò của giảng viên thỉnh giảng”

30/08/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 29/8/2018, tại Hà Nội, Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán đã tổ chức tọa đàm với chủ đề ‘Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng gắn với vai trò của giảng viên thỉnh giảng’. Dự buổi Tọa đàm có TS. Hồ Đức Phớc - Tổng Kiểm toán nhà nước, các cán bộ chủ chốt của Trường và toàn thể giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng của KTNN.

GS.TS Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và TS. Nguyễn Đình Hòa - Quyền Giám đốc Trường chủ trì buổi Tọa đàm.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, công tác đào tạo, bồi dưỡng của toàn ngành trong những năm qua, đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán giữ vai trò nòng cốt, đã góp phần nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm toán viên, góp phần giúp toàn ngành hoàn thành kế hoạch kiểm toán được giao.

Trong hai năm 2017 - 2018, KTNN triển khai đồng bộ công tác đào tạo, bồi dưỡng theo hệ thống chương trình đào tạo mới có sự kết gắn giữa đào tạo kiến thức nền tảng theo ngạch, bậc với bồi dưỡng kỹ năng kiểm toán theo từng lĩnh vực và cấp độ. Hệ thống chương trình đào tạo, bồi dưỡng mới được thiết kế nhằm đáp ứng được yêu cầu nâng cao bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp, trình độ, kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ kiểm toán viên, tiếp cận phương pháp kiểm toán hiện đại, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực kiểm toán quốc tế. Để đáp ứng được yêu cầu này, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng Ngành cần phải có những đổi mới mang tính đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là trong công tác giảng dạy của đội ngũ giảng viên. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao sáng kiến tổ chức tọa đàm của Trường. Buổi tọa đàm là dịp để Ban Tổ chức lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, đội ngũ giảng viên của KTNN để tìm ra những giải pháp hữu hiệu giúp cho việc đổi mới công tác đạo bồi dưỡng KTV nói chung và đổi mới công tác giảng dạy nói riêng của KTNN.

Tại buổi tọa đàm, với tinh thần khoa học và bám sát thực tiễn, các đại biểu đã trực tiếp đóng góp ý kiến về những vấn đề liên quan đến chủ đề của Tọa đàm.

Các đại biểu phân tích, bên cạnh những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự của Trường chưa được kiện toàn dẫn đến việc triển khai nhiệm vụ gặp khó khăn, bị động. Cùng với đó là sự thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên chuyên trách công tác tại trường. Một số giảng viên có kinh nghiệm thực tiễn thì thiếu phương pháp sư phạm, một số giảng viên có phương pháp sư phạm thì lại thiếu thực tiễn kiểm toán do đó khó đảm nhiệm đứng lớp đối với các lớp học đòi hỏi yêu cầu cao, đặc biệt là các lớp học bồi dưỡng kỹ năng và kiến thức chuyên sâu. Thời gian các giảng viên thỉnh giảng dành cho công tác đào tạo còn hạn chế và phụ thuộc vào đơn vị công tác. Lịch học, lịch giảng và lịch công tác các đơn vị có sự chồng chéo. Thêm vào đó, Trường chưa có một bộ giáo trình chuẩn mà chỉ có tài liệu tham khảo mang tính chất nội bộ; trang thiết bị phục vụ cho công tác giảng dạy còn chưa đồng bộ, quan tâm đúng mức; Ý thức, kỷ luật của một số học viên còn chưa tốt...

Từ thực trạng nêu trên các đại biểu cho rằng cần có những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, cần chú trọng xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên cơ hữu, giảng viên thỉnh giảng; xây dựng cơ chế sinh hoạt chuyên môn cho đội ngũ giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng, chế độ khuyến khích giảng viên thỉnh giảng; cơ chế phối hợp giữa Trường với các đơn vị trong ngành; tăng cường công tác quản lý đào tạo (kế hoạch, lịch học, tài liệu, giáo trình).

Với vai trò là giảng viên thỉnh giảng, giảng viên kiêm chức của KTNN trong nhiều năm qua, PGS.TS Đinh Trọng Hanh cho rằng: đối với các Trường đào tạo, lĩnh vực kiểm toán vẫn là mới, muốn thực hiện hướng dẫn của INTOSAI phải tổ chức và thực hiện đào tạo, bồi dưỡng một cách khoa học. Đội ngũ phải mạnh, then chốt, nòng cốt để hình thành bộ khung lực lượng giảng viên. Từ phân tích của mình, PGS.TS Đinh Trọng Hanh đề xuất 5 vấn đề: Về tổ chức - phải hình thành các bộ môn, chia bộ môn một cách hợp lý. Về giảng viên: Trong giai đoạn chuyển tiếp từ Trường lên Học viện, phải hình thành đội ngũ giảng viên bán cơ hữu nhưng cũng phải đảm bảo chất lượng, có năng lực, được đào tạo lý thuyết, có thực tiễn. Về tài liệu: cần có những tài liệu, chuyên đề chuyên sâu về nghiệp vụ. Tài liệu đào tạo kỹ năng: cần khung nhiều hơn là cần giáo trình vì kỹ năng phải cập nhật hàng năm, trình độ KTV ngày càng được nâng cao. Về đào tạo: cần có lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm, cần xây dựng đội ngũ để định hướng, quản lý và sử dụng giáo viên, quản lý học viên.

Ông Nguyễn Trọng Tín, KTNN khu vực IV đề nghị: Đối với giảng viên kiểm chức nên có kế hoạch từ đầu năm để các đơn vị chủ động về thời gian kiểm toán, thời gian chuẩn bị, soạn thảo trước bài giảng để gửi về Trường thẩm định. Trường nên mời các chuyên gia trong và ngoài ngành cập nhật những văn bản pháp luật mới.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu chỉ đạo

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, TS Hồ Đức Phớc yêu cầu Trường tiếp tục bám sát định hướng nhiệm vụ chính trị của ngành để triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng theo chức năng nhiệm vụ được giao. Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo Trường: Tiếp tục xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên bao gồm giảng viên chuyên trách, giảng viên cơ hữu và giảng viên thỉnh giảng. Phối hợp các đơn vị trong và ngoài ngành để đánh giá, lựa chọn các chuyên gia có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm công tác để hình thành đội ngũ giảng viên kiêm chức tinh gọn và thực chất, tâm huyết với sự nghiệp đào tạo của KTNN. Công tác tổ chức lớp học cần chủ động, linh hoạt, đảm bảo giải quyết hài hòa nhiệm vụ kiểm toán và nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng. Trường cần tham mưu cho lãnh đạo KTNN thông báo, phân công giảng viên tham gia giảng dạy các lớp học từ đầu năm để các giảng viên có kế hoạch bố trí công việc. Bên cạnh đó, Trường tiếp tục cơ cấu lại bộ máy phù hợp với đặc điểm của Ngành, tiếp tục rà soát và hoàn thiện hệ thống tài liệu thành hệ thống giáo trình chuẩn để phục vụ công tác đào tạo của KTNN.

Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, trước mắt, Ngành sẽ tập trung cải tạo một số Phòng học tại trụ sở 111 Trần Duy Hưng, Hà Nội để phục vụ công tác đào tạo cho toàn Ngành; trong năm 2019, sẽ khởi công xây dựng Học viện Kiểm toán.

Kết thúc buổi tọa đàm, GS. TS Đoàn Xuân Tiên cảm ơn các ý kiến đóng góp quý báu của các đại biểu, các chuyên gia và giảng viên kiêm chức, giảng viên thỉnh giảng của KTNN. Ông Đoàn Xuân Tiên cho biết, những ý kiến này sẽ là căn cứ quan trọng để KTNN và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán xem xét áp dụng vào công tác quản lý cũng như tổ chức thực hiện các hoạt động đào tạo bồi dưỡng KTV của KTNN trong thời gian tới.

Hà Linh
 

Xem thêm »