Ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề nghị gia tăng các cuộc kiểm toán môi trường để kịp thời phát hiện những sai sót và xử lý theo quy định của pháp luật.
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Quang Thành trình bày Báo cáo Quốc gia “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”
Sáng 20.9, tại Hội nghị Chuyên đề 7 trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao Châu Á lần thứ 14 (
ASOSAI 14), ông Nguyễn Quang Thành, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đã tóm tắt Báo cáo Quốc gia “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”.
Trong báo cáo này, ông Nguyễn Quang Thành nhắc lại Chương trình Nghị sự về sự phát triển bền vững đến năm 2030 được thông qua tại kỳ họp thứ 70 của Đại Hội đồng Liên hợp quốc, trong đó nhấn mạnh việc phát triển bền vững trở thành chiến lược phát triển của thế giới.
Theo mục tiêu chung đó, ông Nguyễn Quang Thành một lần nữa nhấn mạnh “Việt Nam sẽ không đánh đổi môi trường lấy kinh tế”.
Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đưa ra một vài ví dụ nổi bật về thành tựu trong lĩnh vực kiểm toán môi trường ở Việt Nam từ năm 1994.
Theo đó, trong 24 năm qua, Việt Nam đã thực hiện nhiều cuộc kiểm toán liên quan tới môi trường như: Dự án đầu tư xây dựng công trình thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội; kiểm toán môi trường nước lưu vực sông Mekong; Kiểm toán công tác khai thác khoáng sản tại các địa phương; Kiểm toán công tác quản lý và xử lý môi trường tại các Khu công nghiệp trong cả nước;...
“Những cuộc kiểm toán môi trường do Kiểm toán Nhà nước Việt Nam thực hiện trong suốt thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần sửa đổi cơ chế chính sách nhằm quản lý môi trường tốt hơn, nâng cao nhận thức của tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường”, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Quang Thành Nói.
Để có được những kết quả đó, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện kiểm toán môi trường ở Việt Nam như: Nhận thức và ý thức chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường của các tổ chức, cá nhân cũng như trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đối với cộng đồng chưa cao.
Hệ thống pháp luật, quy chuẩn về bảo vệ môi trường còn bất cập, thiếu tính khả thi, gây nhiều khó khăn cho các tổ chức và cá nhân trong quá trình tuân thủ, thực thi pháp luật.
"Kiểm toán môi trường là một lĩnh vực mới, thiếu nhân lực có kiến thức, kinh nghiệm, việc chưa có công cụ hướng dẫn kiểm toán cụ thể cũng là một trong những khó khăn mà các kiểm toán viên gặp phải khi thực hiện các cuộc kiểm toán môi trường", ông Thành nói.
Ngoài ra, ông Thành cho biết, hệ thống cơ sở dư liệu, tài liệu hướng dẫn về kiểm toán môi trường của Kiểm toán Nhà nước vẫn đang trong quá trình xây dựng dựa trên hướng dẫn của INTOSAI, ASOSAI về kiểm toán môi trường, trong đó có nhiều nội dung không phù hợp với thông lệ và hệ thống các văn bản quy phạm, pháp luật của Việt Nam, gây khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai và thực hiện các cuộc kiểm toán.
Từ đó, Kiểm toàn Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một số giải pháp kiểm toán môi trường như: Thực hiện nghiêm định hướng “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế bằng bất kỳ giá nào”; tăng cường công tác tuyên truyền về công tác bảo vệ môi trường; lồng ghép kế hoạch bảo vệ môi trường vào trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của của các Bộ, ngành, địa phương, các cấp, các ngành,...
“Cần xây dựng kế hoạch chiến lược về kiểm toán môi trường chú trọng đến các mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và gia tăng các cuộc kiểm toán môi trường để kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm”, ông Thành nói.
Với cộng đồng quốc tế, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề nghị thúc đẩy hợp tác, chia sẻ kiến thức trong cộng đồng ASOSAI, sớm xây dựng Cổng thông tin điện tử ASOSAI đóng vai trò là một diễn đàn trực tuyến để các SAI thành viên.
Tăng cường hợp tác, chia sẻ kiến thức chuyên môn, năng lực tổ chức, năng lực ứng phó với môi trường bên ngoài giữa các SAI thành viên cũng là một trong những giải pháp mà Kiểm toán Nhà nước Việt Nam đề xuất.
Theo Báo Lao động