Với tư cách là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2015-2018, bà Madinah Binti Mohamad - Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia đã có những chia sẻ với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về những kinh nghiệm xây dựng tinh thần hợp tác giữa các Cơ quan Kiểm toán Nhà nước trong khu vực.
Phóng viên: Thưa bà, bà có thể điểm qua các chương trình hợp tác giữa Cơ quan kiểm toán tối cao Châu Á (ASOSAI) và các nước đang phát triển của châu Á, bao gồm cả Việt Nam.
Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia: ASOSAI đã thực hiện được nhiều hoạt động cụ thể như Ký bản ghi nhớ hợp tác (MoU) với nhiều khu vực khác như Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Âu (EUROSAI), Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao châu Phi (AFRSAI) để tổ chức các cuộc họp cấp khu vực và đạt được đồng thuận trong nhiều vấn đề quan trọng như 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường.
Đồng thời triển khai hoạt động nghiên cứu để cung cấp các dự đoán và định hướng trong quá trình chuẩn bị thực hiện 17 SDG, thông qua việc trao đổi kinh nghiệm, kiến thức ...
Và sẽ chú ý đặc biệt đến sự sẵn sàng của hệ thống chuẩn mực kiểm toán của quốc gia và dữ liệu liên quan như một trường hợp nghiên cứu.
Các báo cáo cấp quốc gia được trình bày tại ASOSAI WGEA và INTOSAI WGEA và các cuộc hội thảo bên lề Đại hội ASOSAI lần thứ 14. ASOSAI còn đóng góp nhiều bài viết về kiểm toán đăng trong Tạp chí INTOSAI News Brief Greenlines.
ASOSAI thông qua các Hoạt động Phát triển Năng lực tại các trung tâm đào tạo của ASOSAI ở Malaysia, Trung Quốc và Ấn Độ với nhiều cuộc họp chia sẻ kiến thức, chương trình đào tạo, hội thảo. ASOSAI còn tổ chức các khóa đào tạo trực tuyến và tham gia hội thảo trực tuyến trực tiếp ở nhiều thành viên ASOSAI.
PV: Kiểm toán môi trường là yếu tố quan trọng trong nhiệm kỳ trước. Theo bà, đâu là những vấn đề ASOSAI sẽ tập trung trong nhiệm kỳ tới?
Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia: Rất nhiều các chương trình và hoạt động của chính phủ đã được thực hiện trên phạm vi rộng lớn và huy động được những nguồn lực khổng lồ. Tuy nhiên, các chương trình và hoạt động này đã không tính đến hậu quả về môi trường hay tác động về môi trường một cách đúng đắn và cần thiết.
Công tác kiểm toán môi trường đã chỉ ra sự thiếu sót này cũng như đưa ra những đề xuất để giúp nâng cao năng lực của các cơ quan chính phủ. Kiểm toán môi trường đã được thực hiện từ năm 2008, và hiện vẫn đang được tiếp tục triển khai.
ASOSAI đã lồng ghép tầm quan trọng của kiểm toán cũng như việc giám sát thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững SDG vào trong Kế hoạch Chiến lược 2016 – 2021.
Để nâng cao chất lượng kiểm toán môi trường, tôi cho rằng cần phải thực hiện một số biện pháp như phải định nghĩa lại bản chất và quy mô kiểm toán cho phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững; các điều khoản tham chiếu cho công tác kiểm toán cần phải đồng bộ với các phương pháp tiếp cận và kỹ thuật mới.
Đồng thời, phải lồng ghép các lĩnh vực kinh tế, xã hội môi trường vào hoạt động kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững. Các kiểm toán viên cần có những kiến thực kỹ thuật về các vấn đề mới phát sinh để có khả năng kiểm soát các lĩnh vực đó, như đa dạng sinh học, biến đổi khí khậu, thảm hoạ môi trường xuyên quốc gia…
Bên cạnh đó, phối hợp với các SAI trong công tác quản lý môi trường, kiểm toán môi trường và năng lực quản lý môi trường; sử dụng công nghệ thông tin để thuận lợi cho việc kiểm toán môi trường.
PV: Xin bà chia sẻ những kinh nghiệm trong kiểm toán môi trường của kiểm toán nhà nước Malaysia?
Tổng Kiểm toán nhà nước Malaysia: Kiểm toán Nhà nước Malaysia (NADM) có quyền hợp pháp để thực hiện Kiểm toán hoạt động theo Đạo luật Kiểm toán năm 1957. Kiểm toán hoạt động bao gồm kiểm toán các vấn đề liên quan đến môi trường với mục tiêu đảm bảo trách nhiệm giải trình, hiệu lực, hiệu quả của các chương trình và hoạt động của các bộ, các cơ quan chính phủ trong việc tuân thủ luật môi trường.
Xét tầm quan trọng ngày càng tăng của kiểm toán môi trường, Kiểm toán Nhà nước Malaysia đã thành lập Phòng Kiểm toán Môi trường năm 2008.
Trong 10 năm qua, Kiểm toán Nhà nước
Malaysia đã thực hiện hơn 50 cuộc kiểm toán về các vấn đề môi trường ở cấp liên bang và tiểu bang.
Các đợt kiểm toán môi trường được thực hiện theo các tiêu chuẩn kiểm toán môi trường quốc tế (ISSAIs), hướng dẫn kiểm toán môi trường, hướng dẫn của nhóm công tác của Tổ chức quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) về Kiểm toán môi trường (WGEA) và hướng dẫn kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước Malaysia.
Hoạt động Kiểm toán môi trường có tầm quan trọng bởi lẽ Chính phủ Malaysia cùng với các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới đã đồng ý tham gia Chương trình Nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững (2030 Agenda) tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên hợp quốc về phát triển bền vững tổ chức ở New York vào ngày 25/9/2015.
Đây là sự thể hiện cam kết của toàn thế giới nhằm hướng đến tăng trưởng bền vững và bao trùm, với 17 Mục tiêu Tăng trưởng Bền vững (SDG), 169 chỉ tiêu và 232 chỉ số.
Chương trình Nghị sự 2030 được dựa trên những công ước và thỏa thuận của Liên hợp quốc có liên quan, cũng như những kinh nghiệm và thành tựu thu được từ Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ(MDG), bên cạnh những chương trình phát triển toàn cầu trong giai đoạn từ 2000-2015.
Vượt lên MDG, Chương trình Nghị sự 2030 bao gồm nhiều mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường rộng lớn hơn, đồng thời chú trọng nhiều hơn vào việc gìn giữ hoà bình và tăng cường tính bao trùm.
PV: xin cảm ơn bà./.
Theo TTXVN