Khai mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng  

02/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 2/10/2018, tại Hà Nội, Hội nghị lần thứ 8 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII đã chính thức khai mạc tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị

Tham dự Hội nghị có 223 đại biểu, trong đó có 176 đại biểu là Ủy viên Trung ương Đảng chính thức, 20 đại biểu là Ủy viên dự khuyết và một số đại biểu khác. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc dự Hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: Nội dung của Hội nghị lần này bao gồm nhiều vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh do Đại hội XII đã đề ra và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, Hội nghị diễn ra đúng vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, trong khi đó năm 2018 là năm bản lề, có ý nghĩa đặc biệt quyết định đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.

Tổng Bí thư đề nghị Hội nghị phát huy cao độ tinh thần trách nhiệm, tập trung nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến để hoàn thiện các báo cáo, Đề án, dự thảo các các Nghị quyết, kết luận của Trung ương và xem xét, quyết định cuối Đại hội.
 
Toàn cảnh phiên khai mạc Hội nghị

Trong 05 ngày làm việc, từ 2-6/10/2018, Hội nghị Trung ương 8 sẽ xem xét, thảo luận về: Báo cáo tình hình kinh tế-xã hội, tài chính-ngân sách Nhà nước năm 2018, dự kiến kế hoạch năm 2019; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ Đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng; Thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng; Xem xét công tác cán bộ và một số vấn đề quan trọng khác.

Được biết, dự thảo Đề án “Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”. Quy định này được cấu trúc gọn, gồm 4 điều. Trong đó, nhấn mạnh trách nhiệm nêu gương của cán bộ đảng viên, và đặc biệt nhấn mạnh đến các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, trên nguyên lý là có “xây”, có “chống”; “xây” trước, “chống” sau.

Về nội dung tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Đối với nước ta, biển, đảo không chỉ là bộ phận cấu thành chủ quyền, quyền chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn là không gian sinh tồn và phát triển của các thế hệ người Việt Nam. "Các vùng biển nước ta có vị trí địa chính trị, địa quân sự, địa kinh tế quan trọng trong khu vực và trên thế giới. Thế kỷ 21 được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc vươn ra biển đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển" – Tổng Bí thư nói.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng việc trình Trung ương xem xét, ban hành nghị quyết mới về chiến lược kinh tế biển Việt Nam là hết sức quan trọng và cần thiết, không chỉ xuất phát từ thực tế nghị quyết nêu trên giới hạn thời gian đến năm 2020, mà còn do nhiều lý do khách quan, chủ quan khác. Trong đó, tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đã và đang có nhiều thay đổi đòi hỏi phải bổ sung, phát triển về quan điểm, điều chỉnh về mục tiêu cụ thể, định hướng phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế biển. Việc ban hành nghị quyết sẽ định hướng cho quá trình xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, pháp luật và các chương trình, đề án, dự án tổ chức thực hiện của Chính phủ, các địa phương; đặc biệt là huy động nguồn lực trong kế hoạch đầu tư trung hạn cho phát triển kinh tế biển và ven biển...

Theo Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị trình Ban chấp hành Trung ương việc giới thiệu nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch nước; bầu bổ sung Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương khoá XII và xem xét, quyết định thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.

Được biết, để chuẩn bị cho Đại hội XIII của Đảng, Trung ương cũng sẽ quyết định thành lập các tiểu ban. Bộ Chính trị dự kiến trình Trung ương thành lập 5 tiểu ban: Tiểu ban Văn kiện, Tiểu ban Kinh tế-Xã hội, Tiểu ban Điều lệ Đảng, Tiểu ban Nhân sự và Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội.

Các tiểu ban có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung (năm 2011) và Báo cáo chính trị; Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm và Báo cáo kinh tế-xã hội 5 năm; Báo cáo về công tác xây dựng Đảng 5 năm và Báo cáo tổng kết việc thực hiện Điều lệ Đảng và bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng (nếu có) và Báo cáo công tác nhân sự./.

Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »