Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

14/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 11/10/2018, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính - Ngân sách tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 29 thẩm tra dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải chủ trì Phiên họp.

Tham dự Phiên họp có Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, đại diện thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành hữu quan cùng các thành viên Ủy ban. 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Họa tham dự Phiên họp. 

Bổ sung nhiều nội dung mới trong dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

Trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại diện Bộ Tài chính - cơ quan chủ trì soạn thảo cho biết, qua đánh giá thực trạng việc thực thi Luật Quản lý thuế và nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ thấy rằng việc sửa đổi Luật Quản lý thuế ở thời điểm hiện tại là cần thiết nhằm quán triệt các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tái cơ cấu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng thu từ thuế phí, mở rộng cơ sở thu bảo đảm bao quát toàn bộ nguồn thu; thực hiện cải cách thủ tục quản lý thuế hướng tới hoạt động quản lý thống nhất, công khai, minh bạch, đơn giản hóa, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế để phòng chống trốn thuế, thất thu và nợ đọng thuế.

Việc sửa đổi cũng nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế hiện nay về công tác quản lý thuế, rà soát và thông nhất giữa Luật Quản lý thuế và các văn bản pháp luật có liên quan; nhằm  tiếp cận tới những chuẩn mực, thông lệ quốc tế; tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, thu hút đầu tư trong nước, ngoài nước và hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại.

Qua rà soát, Chính phủ nhận thấy có 108 điều quy định trong Luật Quản lý thuế hiện hành cần được điều chỉnh, chiếm khoảng 90% tổng số điều; mặt khác một số nội dung quan trọng đối với công tác quản lý thuế như nguyên tắc quản lý, trách nhiệm, quyền hạn của các cơ quan có liên quan, cải cách hành chính trong quản lý thuế, chứng từ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin, chống chuyển giá, xói mòn cơ sở thuế… cần được bổ sung, sửa đổi.

Dự thảo Luật gồm 17 chương, 152 điều, trong đó kết cấu lại, bổ sung thêm 3 chương mới quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế (gồm Chính phủ, các Bộ và cơ quan ngang Bộ, người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp và các tổ chức, cá nhân liên quan); về áp dụng hóa đơn, chứng từ điện tử bao gốm các nội dung như nguyên tắc lập, quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử và về tổ chức kinh doanh dịch vụ đại lý thuế, đại lý hải quan.

Qua thẩm tra, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản thống nhất với mục đích quan điểm sửa đổi Luật như Tờ trình của Chính phủ, đồng thời nhấn mạnh tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế; thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ và đảm bảo thực hiện mục tiêu về cải cách thủ tục hành chính thuế, tăng cường quản lý thuế trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế theo hướng bổ sung các quy định về chống chuyển lợi nhuận và xói mòn nguồn thu mà quốc tế đang áp dụng một cách phù hợp với điều kiện Việt Nam. Bảo đảm kỷ cương, kỷ luật Nhà nước, tăng cường quản lý chặt chẽ chống thất thu ngân sách nhà nước gắn với việc bảo đảm các điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước.


Bảo đảm tính cụ thể của dự thảo Luật

Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng chỉ rõ, so với Luật hiện hành thì dự thảo Luật sửa đổi còn nhiều quy định chưa cụ thể. Luật hiện hành có 20 điều giao Chính phủ quy định chi tiết, dự thảo Luật lần này quy định 31 điều giao Chính phủ và 26 khoản giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết, trong đó có nhiều nội dung trong Luật hiện hành không giao Chính phủ quy định chi tiết nay lại được bổ sung giao Chính phủ quy định chi tiết như quy định về ấn định thuế đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; về công khai thông tin người nộp thuế; về hành vi vi phạm thủ tục thuế…Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ cần giải trình rõ lý do cụ thể.

Theo Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính – Ngân sách Nguyễn Vân Chi, trong bối cảnh kinh tế số, kinh tế chia sẻ, giao dịch điện tử, cung cấp dịch vụ qua biên giới, chống xói mòn thuế thì việc dự thảo quy định nguyên tắc “bản chất quyết định hình thức” là cần thiết phải được bổ sung vào luật để nâng cao hiệu quả hành thu, chống gian lận thuế, trốn thuế. Bản chất của nguyên tắc này là quản lý thuế căn cứ vào bản chất trong trường hợp không có sự nhất trong bản chất giao dịch, hoạt động với hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, dự thảo luật chưa đảm bảo tính rõ ràng, dễ hiểu để áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy, Chính phủ cần nghiên cứu, thể hiện lại một cách rõ ràng. Cùng với đó trong dự thảo Luật có một số thuật ngữ, khái niệm mới những chưa được giải thích như về giao dịch liên kết, dữ liệu thương mại…

Trong khi đó, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải bổ những nội dung cụ thể hơn về nhiệm vụ, trách nhiệm của các bộ, ngành trong quản lý thuế về chống chuyển giá, gửi giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng, truy thu thuế, cưỡng chế về thuế…Dự thảo Luật chưa có sự phân định rõ giữa trách nhiệm với nhiệm vụ phải thực hiện, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế trong việc để xảy ra vi phạm trong quản lý thuế.

Tại phiên họp các đại biểu cũng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát để đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật đối với các luật hiện hành như Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Kế toán, Luật Thanh tra, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Tố cáo…đặc biệt là các nội dung liên quan đến thẩm quyền của các cơ quan như thanh tra, Kiểm toán Nhà nước và các quy định về xử phạt hành chính thuế.

Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhất trí với quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN tại Khoản 1, Điều 21 để đảm bảo tính thống nhất các quy định của Luật KTNN, Luật quản lý thuế và các luật có liên quan đối với việc kiểm toán hoạt động của cơ quan thuế.  Đối với quy định tại Khoản 2, Điều 21 cơ quan thẩm tra cho rằng, việc quy định như Dự thảo Luật thì cơ quan thuế lại tổ chức thanh tra, kiểm tra lại kiến nghị của cơ quan KTNN khi kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế mà có liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế là chưa phù hợp với quy định của Luật KTNN. Theo Điều 7, Luật KTNN thì giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán sau khi phát hành có tính chất bắt buộc thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán. Do đó, Ủy ban Tài chính- Ngân sách đề nghị bỏ khoản này và KTNN chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung kết luận do KTNN ban hành theo quy định của Luật KTNN.

Phát biểu tại phiên họp, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Vũ Văn Hoạ đề nghị cơ quan soạn thảo biên tập lại Khoản 2, Điều 21 và Khoản 1, Điều 109 để thể hiện rõ vai trò của các chủ thể kiểm tra thuế.

Tại khoản 3, Điều 119 liên quan đến việc quyết định xử lý của cơ quan thuế mà khác với cơ quan thanh tra, kiểm toán thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước khẳng định quy định này là không phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật KTNN; đồng thời đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên quy định này như tại Dự thảo Luật kèm Công văn số 8991/BTC-TCT ngày 27/7/2018 của Bộ Tài chính, là phù hợp với tình hình thực tế và chức năng, nhiệm vụ gắn với trách nhiệm của các cơ quan.

Tại phiên họp, đa số ý kiến bày tỏ thống nhất cao với báo cáo thẩm tra và quan điểm của KTNN. Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Thị Yến cho rằng: KTNN là cơ quan độc lập do Quốc hội thành lập mà trong trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ nộp thuế lại thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế là không phù hợp. Theo Đại biểu Nguyễn Thị Yến, cơ quan thuế không thể có thẩm quyền cao hơn KTNN, kết luận của cơ quan KTNN phải có tính quyết định.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Bùi Văn Xuyền cũng khẳng định: Quy định tại khoản 2 Điều 21, khoản 3, Điều 119 của Dự thảo Luật là chưa phù hợp với Luật KTNN và cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp với quy định chung.


Kết thúc Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải lưu ý cơ quan chủ trì quan soạn cần chú trọng công tác thông tin tuyên truyền trong quá trình xây dựng Luật, làm nổi bật những nội dung mới sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, những ảnh hưởng đối với các đối tượng chịu sự tác động để từ đó có hướng tổ chức hướng dẫn triển khai thực hiện. /.

Hà Linh

Xem thêm »