Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của nhân dân

22/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - 9h sáng ngày 22/10/2018, Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc Hội, thủ đô Hà Nội. Kỳ họp diễn ra trong 24 ngày, từ 22/10-21/11/2018. Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 3 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn, 1,5 ngày làm công tác nhân sự và lấy phiếu tín nhiệm các chức danh, 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự án Luật, 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án Luật khác. Đặc biệt, công tác nhân sự bầu Chủ tịch Nước sẽ được Quốc hội bắt đầu từ 22/10/2018, kết quả sẽ được công bố vào chiều 23/10/2018, ngay sau đó Chủ tịch Nước sẽ tuyên thệ và phát biểu nhậm chức.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

Thành tựu Việt Nam đạt được tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước
Phát biểu khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói: Đến thời điểm này, đất nước ta đã đi qua nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2016-2020. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đổi mới mạnh mẽ trong hoạt động của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của hệ thống chính trị, các ngành, các cấp, các địa phương, các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội phát triển khá toàn diện, GDP tăng từng năm, an sinh xã hội và đời sống của Nhân dân từng bước được nâng lên, quốc phòng, an ninh được giữ vững, vị thế của nước ta trong khu vực và trên thế giới không ngừng được nâng cao. Việc cơ cấu lại nền kinh tế cũng đã đạt được những kết quả khả quan.

Tiếp nối đà phát triển, tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2018 đã đạt được những kết quả rất tích cực. Tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,98%, cao nhất kể từ năm 2011 trở về đây, các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, xuất nhập khẩu… tăng khá cao. Đời sống xã hội tiếp tục có nhiều khởi sắc, công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí tiếp tục được quan tâm tích cực.

Mặc dù vẫn còn không ít khó khăn, thách thức, nhưng những thành tựu đạt được trong thời gian qua đã tạo đà tăng trưởng, củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ nên Quốc hội sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng: Xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2019; Xem xét đánh giá toàn diện việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 trong nửa nhiệm kỳ; Đánh giá 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đề ra các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tận dụng tối đa nguồn lực, cơ hội phát triển nhằm thực hiện thắng lợi, bền vững các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Cũng theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 09 dự án Luật,  đây là những dự án Luật quan trọng, được đông đảo cử tri và xã hội quan tâm, được chuẩn bị chu đáo gồm: Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch. Trong đó dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đã được hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và thứ 5.

Quốc hội sẽ xem xét, thông quan Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, nhằm tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Việc xem xét, phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan để tạo cơ sở quan trọng cho Việt Nam tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng, tạo động lực mới cho sự phát triển của đất nước.

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo về việc thực hiện các nghị quyết giám sát chuyên đề, chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến hết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn lại những vấn đề liên quan đến việc thực hiện lời hứa của các thành viên Chính phủ, của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
 

Toàn cảnh phiên khai mạc

Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là nội dung giám sát đặc biệt quan trọng, thể hiện sự ghi nhận, đánh giá của Quốc hội đối với những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của cử tri, từ thực tiễn theo dõi, giám sát của mình, mỗi đại biểu Quốc hội sẽ thực hiện việc đánh giá với tinh thần trách nhiệm, bảo đảm dân chủ, khách quan, công tâm.

Theo đó, có 48 người đủ điều kiện lấy phiếu tín nhiệm gồm các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các thành viên Chính phủ, Phó Chủ tịch Nước, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước. Hai trường hợp không lấy phiếu tín nhiệm do chưa đủ thời gian công tác 9 tháng gồm Chủ tịch Nước và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Đặc biệt, Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đồng thời, thảo luận quyết định một số vấn đề quan trọng khác theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. “Kỳ họp thứ 6 có nhiều nội dung quan trọng, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi trân trọng đề nghị các vị đại biểu Quốc hội căn cứ vào tình hình thực tế đất nước và địa phương nơi mình đại diện; nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, tập trung nghiên cứu, tích cực thảo luận, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước” – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
 
Kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực
Sau phát biểu Khai mạc Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 (trong đó bao gồm cả việc đánh giá giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020); Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm thực hiện kế hoạch 5 năm 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định "Kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực và đạt được những kết quả toàn diện trên tất cả các lĩnh vực”. Theo đó, tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 đạt 6,98%, ước cả năm 2018 sẽ vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%); bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch  5 năm là 6,5 - 7%). Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%, là năm thứ ba liên tiếp kiểm soát dưới 4%. Tín dụng 9 tháng đầu năm 2018 tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối Nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng đạt trên 352 tỷ USD, cả năm ước đạt 475 tỷ USD, tăng 11,7%; trong đó xuất khẩu 238 tỷ USD, tăng 11,2% (mục tiêu 7 - 8%); tiếp tục xuất siêu, 9 tháng đạt gần 5,4 tỷ USD.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019​

Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng giảm xuất khẩu thô, tăng tỷ trọng hàng chế biến, nông sản và tăng nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất. Xuất khẩu của khu vực trong nước 9 tháng tăng 17,5%, cao hơn khu vực FDI (14,6%). 

Thu NSNN ước cả năm 2018 sẽ vượt 3% dự toán; cơ cấu thu bền vững hơn; tỷ trọng thu từ xuất nhập khẩu, dầu thô giảm; thu nội địa tăng, chiếm gần 82% tổng thu cân đối NSNN. Chi NSNN được kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả hơn. Bội chi NSNN ước khoảng 3,67% GDP, thấp hơn mục tiêu đề ra (3,7%). Nợ công khoảng 61,4% GDP, giảm mạnh so với mức 63,7% năm 2016. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước cả năm đạt 34% GDP, 3 năm 2016 - 2018 ước đạt 33,5% (mục tiêu 5 năm 32-34%). Vốn FDI thực hiện ước cả năm đạt 18 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. 

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm mạnh từ 17,4% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6% lên 85,2%, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 85%. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016 - 2018 ước đạt 42,18%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (33,58%) và vượt mục tiêu kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 (30 - 35%).

Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 ước đạt trên 5,5 triệu tỷ đồng (khoảng 240,5 tỷ USD), gấp trên 1,3 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so với năm 2015.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đến nay đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu. Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế. Cả năm có khoảng 130.000 doanh nghiệp đăng ký mới. Số lượng hợp tác xã thành lập mới tăng nhanh; doanh thu và thu nhập của người lao động được cải thiện, góp phần giảm nghèo, giữ ổn định xã hội.

Báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng thẳng thắn nhìn nhận tình hình kinh tế nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỉ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế.

Giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều Bộ ngành, địa phương chậm. Sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn. Sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế. Một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém. Còn những bất cập trong cơ chế, chính sách; điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực còn gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Cơ cấu lại ngành, lĩnh vực ở một số nơi còn lúng túng, chưa đồng bộ, chưa gắn với thị trường. Du lịch tuy có bước phát triển nhanh nhưng còn bất cập. Năng suất lao động, năng lực cạnh tranh; tỉ lệ nội địa hóa của nhiều ngành, lĩnh vực còn thấp. Phát triển thương mại trong nước còn những hạn chế. Công tác lập, quản lý quy hoạch còn bất cập, nhất là trong việc thực hiện các quy hoạch sử dụng đất, xây dựng, đô thị. Buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp.

Một số quy định pháp luật còn bất cập, thiếu khả thi, chồng chéo, chậm được sửa đổi. Kỷ luật, kỷ cương nhiều nơi chưa nghiêm. Phối hợp công tác giữa một số cơ quan, đơn vị chưa chặt chẽ; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.

Ngoài ra, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nhiều vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm. Dư luận về tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm vẫn còn ở nhiều cơ quan, đơn vị. Một bộ phận cán bộ ở các cấp, các ngành chưa thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.

Trình bày kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Chính phủ quyết tâm tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; Tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; Đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, hành động, phục vụ. Củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Chính phủ đặt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cụ thể: Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

Về xã hội, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1 - 1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60 - 62%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24 - 24,5%; Số giường bệnh/một vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 27 giường; Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 88,1%.

Về môi trường: Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 89%; Tỷ lệ che phủ rừng đạt 41,85%.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra 8 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, cụ thể: Tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Thực hiện đồng bộ, quyết liệt các đột phá chiến lược; Tạo chuyển biến rõ nét trong cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; Chấn chỉnh công tác quản lý tài nguyên, môi trường; chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu; Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả thực thi. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. Tăng cường công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; Tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh. Bảo đảm trật tự an toàn xã hội; nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; Làm tốt hơn nữa công tác thông tin truyền thông, tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin và khát vọng dân tộc./.

Nguyễn Dũng
 

Xem thêm »