Chính phủ trình Quốc hội “Kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước 3 năm 2019-2021”

31/10/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Quán triệt Nghị quyết Quốc hội; mục tiêu đặt ra đối với kế hoạch tài chính – ngân sách Nhà nước (NSNN) 03 năm 2019-2021 là đảm bảo nhiệm vụ động viên NSNN, đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN, tăng tỷ trọng ĐTPT, tăng tỷ trọng tích lũy từ NSNN cho chi ĐTPT; giảm dần tỷ lệ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia so GDP; quản lý, phân bổ, sử dụng chặt chẽ, hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước, đảm bảo nhiệm vụ an sinh xã hội, kinh phí thực hiện các CTMTQG, CTMT; thực hiện nghiêm kỷ cương, kỷ luật tài chính – ngân sách.

Chính phủ dự báo giai đoạn 2019-2021 tăng trưởng kinh tế bình quân 6,6-6,8%.

Dự kiến khung cân đối thu, chi NSNN 2019-2021:

Về thu NSNN: phấn đấu thu NSNN giai đoạn 3 năm tới đạt 4,5 triệu tỷ đồng; tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân 23%GDP, từ thuế, phí 20%GDP, tỷ trọng thu nội địa 84%, tỷ trọng thu NSTW 56-57% tổng thu NSNN.

Về chi NSNN: Dự toán chi NSNN giai đoạn 3 năm tới khoảng 5,2-5,3 triệu tỷ đồng. Trong đó, tỷ trọng chi ĐTPT đạt trên 26% tổng chi NSNN, tỷ trọng chi thường xuyên giảm dần, đến năm 2021 còn khoảng 63,5% tổng chi NSNN; tiếp tục thực hiện cải cách tiền lương theo lộ trình.

Về bội chi NSNN: Bội chi NSNN năm 2019 là 3,6%GDP, năm 2020 là 3,4%GDP, năm 2021 khoảng 3,4-3,5%GDP.

Các chỉ tiêu nợ công trong giới hạn quy định và có bước cải thiện tích cực, cuối năm 2019 dự kiến nợ công 61,3%GDP, năm 2020 là 60,8%GDP và năm 2021 là 60,6%GDP.

Để thực hiện được mục tiêu trên, Chính phủ đã đề ra giải pháp và tổ chức triển khai thực hiện, theo đó, Chính phủ sẽ tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, tăng cường ổn định vĩ mô, bằng cách:

Đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, đảm bảo thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển cân đối, theo hướng bền vững, đạt được các chỉ tiêu về tốc độ tăng trưởng và quy mô GDP nền kinh tế, làm tiền đề để thực hiện các mục tiêu tài chính – ngân sách.

Kiên quyết thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại NSNN, nợ công, nhất là giữ mục tiêu bội chi, nợ công theo kế hoạch tài chính 5 năm, lành mạnh hóa nền tài chính quốc gia, tăng cường ổn định vĩ mô.

Tăng cường quản lý thu, chống thất thu từ đất đai, tài sản công; rà soát, kiến nghị sửa đổi, tập trung thu về ngân sách các nguồn thu bản chất của NSNN (nguồn thu của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; nguồn thu để lại cho các cơ quan, đơn vị...).

Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống thu, trước mắt ưu tiên các mục tiêu thuận tiện, bình đẳng, minh bạch... góp phần tạo dựng môi trường đầu tư kinh doanh cạnh tranh, hấp dẫn, đồng thời thu đúng, đủ, kịp thời các nguồn thu của NSNN. Trong đó:

Nghiên cứu sửa đổi Luật quản lý thuế theo hướng bao quát các nguồn thu mới, đẩy mạnh cải cách thủ tục quản lý thuế; thực hiện quản lý thuế điện tử, hóa đơn điện tử, quản lý thuế theo phương thức rủi ro; tiến tới áp dụng thanh tra, kiểm tra thuế điện tử...

Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hệ thống các chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, phí; thu đất đai... hiện nay cho phù hợp với yêu cầu phát triển của nền kinh tế, với hệ thống quản lý thu.

Chính phủ kiên quyết đẩy mạnh đổi mới quản lý chi NSNN đồng bộ với đổi mới phương thức quản lý tài chính các lĩnh vực, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phân định rõ vai trò, chức năng của Nhà nước và thị trường; tập trung ngân sách vào các nhiệm vụ thiết yếu Nhà nước phải bảo đảm; tăng cường cơ chế đấu thầu, đặt hàng, khoán kinh phí theo nhiệm vụ; tăng cường quản lý ngân sách trung hạn gắn với quản lý nợ công, chi đầu tư công trung hạn; chủ động kiểm soát bội chi.

Sửa đổi Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn; ưu tiên xử lý các bất cập về phân bổ dàn trải, chậm, giải ngân không đạt kế hoạch, chuyển nguồn kéo dài...; thống nhất quản lý lĩnh vực chi đầu tư và chi thường xuyên; tăng cường hiệu lực thực thi pháp luật đầu tư; phát triển hệ thống quản lý kiểm soát thanh toán vốn đảm bảo bố trí nguồn lực và thực hiện giải ngân theo tiến độ kỹ thuật của dự án...

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính – ngân sách trên cơ sở hoàn thiện thể chế, chính sách, đặc biệt là chế tài trong quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài sản công, đầu tư xây dựng cơ bản; củng cố bộ máy thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; quản lý chặt chẽ NSNN từ khâu dự toán đến điều hành, quyết toán; thực hiện nghiêm yêu cầu tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng./.
 

Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối NSNN của 3 năm từ 2016-2018 đều vượt dự toán (năm 2016 vượt 9,2%, năm 2017 vượt 6,2%, năm 2018 phấn đấu vượt 3%), ước bằng 54-55% kế hoạch 5 năm, tỷ lệ huy động thu vào NSNN bình quân xấp xỉ 25%GDP (mục tiêu 5 năm là 23%GDP), từ thuế, phí đạt 21%GDP (mục tiêu 5 năm 20-21%GDP); tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu tăng dần, đến năm 2018 dự kiến đạt gần 82% (năm 2006 là 52%, năm 2011 là 61,5%, năm 2016 là 80,1%).

Nhiệm vụ chi NSNN đảm bảo dự toán đề ra. Tổng chi các năm 2016-2018 ước bằng 54-55% kế hoạch 5 năm. Trong điều hành, đã bám sát dự toán (năm 2016 tăng 1,7% so với dự toán; năm 2017 tăng 5,13% so dự toán; năm 2018 tăng 2,6% so dự toán).

Cơ cấu chi NSNN có bước chuyển dịch tích cực, tăng tỷ trọng chi ĐTPT (dự toán đã tăng trên 26%, thực hiện lên mức 27% - mục tiêu đề ra là 25-26%), giảm tỷ trọng chi thường xuyên (dự toán khoảng 64%, thực hiện xuống 63%- mục tiêu là dưới 64%); thực hiện cải cách tiền lương tăng 7%/năm; bảo đảm các nhiệm vụ chính trị, các chính sách an sinh xã hội, xử lý kịp thời các vấn đề thiên tai, dịch bệnh phát sinh...

Bội chi NSNN giảm dần, năm 2016 là 5,52%GDP (tính theo quy định của Luật NSNN năm 2015 là 5,12%GDP), năm 2017 là 3,48%, năm 2018 dự kiến 3,67%GDP.

Nhờ công tác chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công, tỷ lệ nợ công đã giảm từ mức 63,7% cuối năm 2016 xuống còn 61,4% cuối năm 2017; năm 2018 đánh giá khoảng 61,4%GDP. Các biện pháp quản lý nợ công được thực hiện đồng bộ theo hướng tăng kỳ hạn vay, giảm các loại rủi ro lãi suất, tỷ giá, thanh khoản. 
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »