Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc:“Nếu có thông tin tiêu cực về Kiểm toán viên nhà nước sẽ xử lý ngay và công khai tới đại biểu Quốc hội”

01/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Ngày 1/11/2018 - ngày làm việc thứ Mười, Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV, Quốc hội tiếp tục ngày thứ ba  chất vấn và trả lời chất vấn dưới sự điều khiển của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Trong phiên chất vấn sáng ngày 1/11/2018, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy đã chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc: “Năm 2018, Kiểm toán nhà nước đã ban hành 269 báo cáo kiểm toán, kiến nghị xử lý tài chính 97.189,2 tỉ đồng nhưng chỉ chuyển bốn vụ sang cơ quan điều tra. Đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công không? Dư luận cho rằng có hiện tượng móc ngoặc chia nhau tiền vi phạm để khỏi bị chuyển cơ quan điều tra, quan điểm của Tổng Kiểm toán nhà nước về dư luận trên như thế nào? Tổng Kiểm toán nhà nước có cam kết gì trước Quốc hội và cử tri cả nước?” 

Trả lời đại biểu Quốc hội  Nguyễn Thị Kim Thúy, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã chuyển cho cơ quan điều tra bốn vụ và chuyển 12 bộ hồ sơ cho các cơ quan quản lý khác để xử lý theo pháp luật.

Theo Tổng Kiểm toán nhà nước, Luật Kiểm toán nhà nước quy định thực hiện ba loại hình kiểm toán: Kiểm toán báo cáo tài chính; kiểm toán tuân thủ pháp luật và kiểm toán hoạt động. Các loại hình này được tiến hành trên cơ sở báo cáo tài chính của các bên cung cấp. Kiểm toán Nhà nước không có chức năng điều tra. "Kiểm toán nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác phòng chống tham nhũng. Cụ thể như kiến nghị bịt lỗ hổng chính sách trong quản lý BT, đất đai, cổ phần hoá doanh nghiệp, thuế, tài chính công, tài sản công. Riêng năm 2017, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 91.000 tỷ đồng, trong đó thu NSNN là 38,450 nghìn tỷ đồng, đến nay đã thực hiện kiến nghị được 50%. Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị sửa đổi 150 văn bản của năm 2016 để bịt các lỗ hổng, khe hở, tránh thất thoát tài chính công, tài sản công, đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành đã sửa được 40 văn bản, chiếm 26,7%. 9 tháng năm 2018, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 50,020 nghìn tỷ đồng ” – Tổng Kiểm toán nhà nước nói.

Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy về việc “Dư luận cho rằng có hiện tượng móc ngoặc chia nhau tiền vi phạm để khỏi bị chuyển cơ quan điều tra”, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: Nếu có thông tin tiêu cực về Kiểm toán viên nhà nước sẽ xử lý ngay và công khai tới đại biểu Quốc hội.

Để quản lý chặt chẽ hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước,Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời ban hành Chỉ thị số 769/CT- KTNN ngày 29/4/2016 về nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước; Công điện số 1213/CĐ- KTNN ngày 28/8/2018 về siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; đồng thời nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện phòng, chống tham nhũng.

Về giải pháp chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước khẳng định: Kiểm toán nhà nước đã triển khai xây dựng nhật ký kiểm toán online hàng ngày, thanh tra đột xuất; khi có thông tin về kiểm toán viên vi phạm thì tổ chức kiểm tra ngay, nếu không phát hiện dấu hiệu tiêu cực nhưng sai quy trình cũng đình chỉ ngay Kiểm toán viên đó. "Kiểm toán nhà nước luôn nêu cao đạo đức nghề nghiệp, tính liêm chính, trung thực. Chúng tôi cam kết nêu có bất kỳ một thông tin về tiêu cực về Kiểm toán viên nhà nước sẽ làm nghiêm và triệt để. Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị và đại biểu Quốc hội giúp cho Kiểm toán nhà nước quản lý về hoạt động công vụ của Kiểm toán viên nhà nước” - Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị./.

Nguyễn Dũng
 

 

Xem thêm »