Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc: Cơ quan thuế kiểm tra lại kết luận của cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước là không đúng quy định của pháp luật

14/11/2018
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 12/11 về Dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Quốc hội, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã tập trung phân tích và khẳng định: Quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của KTNN và Thanh tra Nhà nước trong Dự thảo luật là sai về logic, không đúng quy định của pháp luật.   

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên thảo luận tổ sáng 12/11

KTNN phát hiện nhiều sai phạm về thuế

Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu rõ: Điều 21, Điều 22 Dự thảo Luật quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KTNN và Thanh tra Nhà nước, trong đó có quy định về trường hợp quyết định xử lý của cơ quan thuế có sự khác biệt với kiến nghị của cơ quan KTNN và kết luận của cơ quan thanh tra về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế. Tôi cho rằng, áp dụng điều này là không đúng quy định của pháp luật. 

Bởi vì, nhiệm vụ của cơ quan KTNN và cơ quan thanh tra là kiểm tra hoạt động, chức năng quản lý của cơ quan thuế trong vấn đề thu thuế, trong đó có việc kiểm tra, đối chiếu các đơn vị có rủi ro về thuế để xác định trách nhiệm của cơ quan thuế. “Khi kiểm toán, thanh tra để xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế mà cơ quan thuế lại thanh tra, kiểm tra lại kết luận của thanh tra và KTNN và thực hiện theo quyết định của cơ quan thuế thì làm thế nào để chấn chỉnh được sai phạm của cơ quan thuế? Quy định như vậy là sai về mặt logic cũng như quy định của pháp luật”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Nêu lên thực tế thời gian vừa qua KTNN phát hiện rất nhiều sai phạm trong quá trình thu thuế, bỏ lọt nguồn thu, Tổng Kiểm toán Nhà nước đánh giá, tình trạng thất thu ngân sách hiện nay rất nghiêm trọng và chúng ta chưa ngăn chặn được, đặc biệt là thất thu ngân sách trong thực hiện chuyển giá, lĩnh vực đầu tư của các tập đoàn kinh tế lớn, các DN FDI. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2018, KTNN đã kiến nghị tăng thu các sắc thuế là 4.744 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KTNN đã phát hiện tình trạng chuyển giá, trốn thuế tại các DN, kể cả DN nước ngoài.

Cũng theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, hiện nay chúng ta thực hiện quản lý thuế theo hậu kiểm, nhưng qua quá trình kiểm tra lại những hồ sơ hậu kiểm của cơ quan thuế cho thấy nhiều bộ hồ sơ không thu thêm được một đồng thuế nào. Hay trong việc hoàn Thuế giá trị gia tăng (VAT), qua kiểm toán công tác hoàn Thuế giá trị gia tăng tại Tổng Cục thuế và 19 tỉnh, thành phố, KTNN đã phát hiện sai phạm gần 1.400 tỷ đồng. Rõ ràng đây là trách nhiệm của cơ quan thuế.

“Trong quá trình thu thuế của cơ quan thuế xảy ra rất nhiều sai sót. Nếu chúng ta không thực hiện kiểm tra cơ quan thuế thì không bao giờ cân đối được ngân sách, bội chi ngân sách sẽ ngày một tăng lên. Vì vậy, tôi đề nghị KTNN và thanh tra sẽ kiểm toán hoạt động của cơ quan thuế và trong quá trình kiểm tra cơ quan thuế thì được kiểm tra, đối chiếu nghĩa vụ nộp thuế của các DN”- Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị.

Nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế

Dự thảo Luật quy định, khi kết luận của cơ quan thuế khác biệt với kết luận, kiến nghị của KTNN và thanh tra thì thực hiện theo kết luận của thanh tra thuế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc khẳng định: KTNN là một thiết chế độc lập, thực hiện kiểm tra, kiểm toán tài chính công, tài sản công. Vì vậy, việc đưa kiến nghị của KTNN sang cơ quan hành pháp giải quyết là hoàn toàn không đúng. 

Mặt khác, nếu KTNN và cơ quan thanh tra kiểm tra chức năng, nhiệm vụ và hoạt động của cơ quan thuế mà phát hiện ra sai phạm thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm chứ không phải cơ quan thuế lại thành lập ra bộ phận để kiểm tra lại và phủ nhận quyết định đó. 

Tổng Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh: Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm về kết luận của mình. Nếu đối tượng nộp thuế hay cơ quan thuế cho rằng kết luận đó là không đúng thì có quyền khiếu nại, tố cáo theo Luật Khiếu nại và qua giải quyết khiếu nại vẫn không đồng ý có thể kiện ra tòa. “Cơ quan thanh tra, kiểm toán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình để nâng cao trách nhiệm của các bên, đồng thời thể hiện được tính độc lập. Cơ quan thuế phải nâng cao trách nhiệm của mình trong thu ngân sách, không để gian lận, bỏ lọt nguồn thu”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nói.

Liên quan đến quy định về quyết toán thuế, Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu thực tế: Chúng ta đã chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm dựa trên phát hiện rủi ro. Tuy nhiên, hiện nay, trong 100 người nộp thuế thì cơ quan thuế chỉ hậu kiểm được 18% nghĩa là còn 82% chưa có ai kiểm tra. Đây là một khoảng trống. Hơn nữa, trong 18% được kiểm tra theo đánh giá rủi ro mà việc chọn rủi ro không đúng sẽ tạo điều kiện để các đối tượng nộp thuế trốn thuế. 

Vì vậy, Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị đưa thêm vào Dự thảo Luật quy định: Cơ quan thuế thực hiện quyết toán thuế đối với các DN có quy mô lớn, các tập đoàn kinh tế, các tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài có số thuế nộp lớn… để cơ quan thuế nâng cao trách nhiệm của mình. “Nếu quyết toán rồi mà sau đó cơ quan thanh tra, kiểm toán vào kiểm tra mà phát hiện để thất thu nguồn thu thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”- Tổng Kiểm toán Nhà nước nêu quan điểm.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Dự thảo Luật cần có những quy định nhằm làm rõ, nâng cao trách nhiệm của cơ quan thuế. Trường hợp cơ quan thuế đã tổ chức thanh tra, quyết toán thuế nhưng khi bị phát hiện có sai phạm thì cơ quan thuế phải chịu trách nhiệm, phải giải trình, kiểm điểm trách nhiệm để lọt, thất thoát nguồn thu, để đảm bảo tính toàn diện của Luật.

Đối với quy định về xóa nợ thuế, Tổng Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nên phân cấp theo hạn mức lớn hơn và nên phân cấp cho chính quyền địa phương. Theo đó, Chủ tịch UBND cấp tỉnh và UBND cấp huyện có quyền xóa nợ thuế còn cơ quan thuế là cơ quan thường trực có nhiệm vụ tham mưu. Làm như vậy sẽ đảm bảo minh bạch, dân chủ và phù hợp với Luật Chính quyền địa phương. Còn ở những mức cao hơn thì thẩm quyền xóa nợ của Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính. Việc xóa nợ thuế cũng cần có quá trình thẩm tra, xác minh và người có quyền xóa nợ thuế phải chịu trách nhiệm về việc xóa nợ, để chính sách xóa nợ thuế không bị lợi dụng. 

Đặc biệt, để chống trốn thuế, chuyển giá, Tổng Kiểm toán Nhà nước kiến nghị, Luật sửa đổi lần này cần bổ sung quy định về dữ liệu giá. Khi cơ quan thuế hay cơ quan thanh tra, kiểm toán kiểm tra thì dữ liệu giá là một trong những căn cứ để xác định có hoạt động chuyển giá hay không. Cùng với đó, cơ quan thanh tra, kiểm toán phải tiếp cận được với dữ liệu thuế, đặc biệt là phần mềm dữ liệu quản lý rủi ro để kiểm soát hoạt động của cơ quan thuế.

N. HỒNG
 

Xem thêm »