Cuộc họp lần thứ nhất Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015

04/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 03/01/2019, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015 (Ban soạn thảo) tổ chức cuộc họp lần thứ nhất. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc – Trưởng Ban Soạn thảo chủ trì cuộc họp

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, thực hiện Kế hoạch số 07-KH/TW ngày 27/11/2017 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 735-KH/ĐĐQH ngày 18/1/2018 của Đảng đoàn Quốc hội về việc sửa đổi Luật KTNN năm 2015, KTNN đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 của Quốc hội. Ngày 13/12/2018, UBTVQH đã ban hành Nghị quyết 613/2018/UBTVQH14 về việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, trong đó có việc sửa đổi Luật KTNN. Theo đó, việc sửa đổi Luật KTNN 2015 sẽ được tiến hành trong 2 kỳ họp (trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019 và Quốc hội biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2019).

Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu để đáp ứng tiến độ công việc, ngay sau cuộc họp lần thứ nhất, Ban soạn thảo cần có kế hoạch hoạt động khoa học, chi tiết, phân công nhiệm vụ với các mốc thời gian rõ ràng tới từng thành viên để đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng Dự án Luật.

Tại cuộc họp Vụ Trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải trình bày dự kiến kế hoạch xây dựng Dự án Luật. Theo đó để đảm bảo quy trình của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các công việc cần triển khai gồm: Tổ chức xin ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định; Tổ chức khảo sát; Tổ chức Hội nghị về Dự án Luật. Dự kiến tổ chức 3 hội nghị tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; Xin ý kiến Chính phủ về Dự án Luật và trình cơ quan thẩm tra.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ và ý kiến tại phiên họp UBTVQH thứ 29, các cuộc họp tại về các dự án Luật liên quan khác, thường trực đã tổ chức nghiên cứu rà soát lại nội dung của Hồ sơ, nghiên cứu tổng thể các vấn đề KTNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, Vụ trưởng Vụ Pháp chế đề xuất giữ nguyên các nội dung đã đề xuất tại Tờ trình tại Phiên họp 29 của UBTVQH; đồng thời cần thuyết minh thêm các cơ sở pháp lý, thực tiễn, thông lệ, kinh nghiệm quốc tế để củng cố thêm cơ sở hoàn thiện Tờ trình dự án Luật.

Thảo luận tại cuộc họp, một số thành viên Ban soạn thảo - đại diện của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ, Bộ Nội vụ, Viện KSNDTC đánh giá cao sự chuẩn bị chu đáo của KTNN cho cuộc họp lần thứ nhất của Ban soạn thảo; Thống nhất về Kế hoạch xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 được đưa ra, cũng như những công việc cần triển khai ngay để đảm bảo yêu cầu tiến độ.

Đối với các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung, các ý kiến cho rằng nên tập trung sửa đổi những vấn đề cấp bách, bức xúc mà thực tiễn yêu cầu như: Phạm vi hoạt động của KTNN để phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng; Chức năng, nhiệm vụ của KTNN trong giám định tư pháp để phục vụ hoạt động điều tra, tố tụng...Xem xét với việc sửa đổi, bổ sung, rà soát các luật có liên quan khác như: Luật Quản lý thuế, Luật Ban hành VBQP, Luật Phòng, Chống tham nhũng để đảm bảo sự đồng bộ pháp luật, tránh chồng chéo, trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ của KTNN với các đơn vị có liên quan. KTNN cũng cần quan tâm tới thông tin, truyền thông, tạo ra sự đồng thuận của xã hội về việc sửa đổi, bổ sung luật; Tăng cường tham vấn, lấy ý kiến của các chuyên gia, các đơn vị liên quan thông qua các hội thảo chuyên sâu…

Kết luận cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc yêu cầu:

Vụ Pháp chế - bộ phận giúp việc của Ban soạn thảo, ngay sau cuộc họp khẩn trương lập kế hoạch chi tiết về việc thực hiện xây dựng Dự án Luật, trong đó quy định rõ thời gian, nội dung công việc, người chủ trì, người tham gia, các kết quả cần đạt được… để đảm bảo tiến độ và chất lượng công việc đã đề ra.

Vụ Hợp tác quốc tế khẩn trương dịch Luật KTNN của các nước để đúc rút kinh nghiệm quốc tế nhằm chắt lọc, tiếp thu áp dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Tổ biên tập nhanh chóng hoàn thiện các nội dung cần sửa đổi và xin ý kiến của thành viên Ban Chỉ đạo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015; Tổ chức họp để tập hợp, tiếp thu ý kiến để hoàn thiện đưa nội dung lên Cổng thông tin KTNN để xin ý kiến vào trung tuần tháng 01/2019.

Tổ chức lấy ý kiến và tổ chức hội thảo tại 3 miền Bắc, Trung Nam; tổ chức chuyến đi khảo sát nước ngoài.

Để đảm bảo thời gian,trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, tháng 5/2019, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu hoàn thiện Dự án Luật để xin ý kiến Chính phủ trước 30/2/2019 và gửi Hồ sơ xin ý kiến UBTVQH trước 01/4/2019.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo công bố Quyết định 06/QĐ-KTNN và Quyết định 05/QĐ-BS

Trong khuôn khổ nội dung của cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh - Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo công bố Quyết định 06/QĐ-KTNN ngày 02/01/2019 của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc thành lập Ban soạn thảo Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015; Quyết định 05/QĐ-BST ngày 02/01/2019 của Ban Soạn thảo thành lập Tổ biên tập Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015 (Tổ biên tập).

Theo đó, Ban soạn thảo gồm 27 thành viên do Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc làm Trưởng Ban; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh- Phó Trưởng Ban thường trực; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên - Phó Trưởng Ban; Các thành viên gồm đại diện Lãnh đạo cơ quan của Quốc Hội, Chính phủ và một số Bộ, ngành có liên quan (Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH; Bộ Tư pháp; Thanh tra Chính phủ; Bộ Tài chính; VKSNDTC; Bộ Nội vụ; TANDTC; Văn phòng Chính phủ; Hội Kế toán và Kiểm toán VN; Hội Luật gia VN) và các thành viên đại diện Lãnh đạo của các đơn vị của KTNN.

Tổ biên tập gồm 28 thành viên là đại diện lãnh đạo các đơn vị của KTNN. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh là Tổ trưởng. Tổ biên tập có nhiệm vụ giúp Ban soạn thảo tổ chức thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

Tại cuộc họp Vụ trưởng Vụ Pháp chế Vũ Thanh Hải cũng trình bày dự thảo Quy chế hoạt động, quy định vị trí, chức năng của Ban soạn thảo là giúp Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN 2015./.

Ngọc Bích

Xem thêm »