Hoạt động của Kiểm toán nhà nước năm 2018 - Sự kiện và con số

31/01/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Năm 2018 với sự nỗ lực của toàn Ngành, Kiểm toán nhà nước đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao với các sự kiện và con số nổi bật trong mọi lĩnh vực hoạt động

1. Đại hội ASOSAI 14 thành công tốt đẹp, KTNN trở thành Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021

Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 - diễn đàn hợp tác đa phương lớn nhất và là cơ quan cao nhất của ASOSAI - do KTNN Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, diễn ra từ ngày 19 - 22/9/2018, tại Hà Nội. Đại hội có sự tham dự của các đoàn đại biểu quốc tế đại diện cho các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) đến từ 46 quốc gia thuộc khu vực châu Á và các quốc gia đại diện cho INTOSAI (Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao); hơn 400 khách mời trong nước, các tổ chức quốc tế và Đại sứ quán một số quốc gia tại Việt Nam.

Đại hội đã đạt được thành công tốt đẹp, đặc biệt với các kết quả đáng ghi nhận của Hội nghị chuyên đề lần thứ 7: “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững” và việc thông qua “Tuyên bố Hà Nội” với mục đích truyền tải những thông điệp quan trọng nhất, cũng như đề xuất giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của ASOSAI và mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Cũng tại Đại hội này, việc được tín nhiệm bầu giữ chức Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 đã giúp KTNN khẳng định uy tín, vị trí, vai trò của mình đối với các SAI thành viên và các tổ chức quốc tế; minh chứng sự trưởng thành và phát triển, có thể đảm đương tốt các trách nhiệm quốc tế trong cộng đồng ASOSAI và nâng cao uy tín trên trường quốc tế.
 
2. Kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng - cao nhất từ trước đến nay

Năm 2018, KTNN đã hoàn thành 253/253 cuộc kiểm toán theo kế hoạch. Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến ngày 31/12, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 89.600 tỷ đồng, mức cao nhất trong hơn 24 năm hoạt động. Trong đó, tăng thu, giảm chi cho NSNN 44.466 tỷ đồng, tăng 18,39% so với năm 2017; kiến nghị xử lý khác 45.134 tỷ đồng.

Đồng thời, qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, thay thế 115 văn bản pháp luật nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với hàng chục tập thể và cá nhân. Trong đó, nhiều kiến nghị quan trọng nhằm chấn chỉnh những thiếu sót, bất cập liên quan đến: công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất khẩu; công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản; việc thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), các dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); cơ chế quản lý, hoạt động của các khu kinh tế, khu công nghệ cao; việc quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA)...
 
3. Đóng góp thiết thực, hiệu quả vào công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng

Với vai trò là thành viên Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành các kế hoạch, công điện để cụ thể hóa các nhiệm vụ trong hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng vào các lĩnh vực có nhiều biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện nhiệm vụ và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán...

Năm qua, thực hiện chỉ đạo của Tổng Kiểm toán Nhà nước, KTNN đã chuyển hồ sơ 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán sang Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài ra, KTNN đã cung cấp 146 báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Ban Nội chính T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng.
 
4. Triển khai kiểm toán nhiều lĩnh vực mới và các chuyên đề lớn

Năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành 6 đề cương hướng dẫn kiểm toán và triển khai kiểm toán các lĩnh vực mới, như: công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA; công tác mua sắm, quản lý, sử dụng thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế và hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản ngành y tế; các chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế; việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo hiểm y tế năm 2017 và thực hiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; việc quản lý, sử dụng đất trong và sau quá trình cổ phần hóa của DNNN.

KTNN đã thực hiện 2 cuộc kiểm toán lĩnh vực mới là công nghệ thông tin (CNTT) tại Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan, thu được kết quả tốt; thực hiện 2 cuộc kiểm toán môi trường có sự tham gia của các chuyên gia trong và ngoài nước thuộc khuôn khổ các chương trình dự án hỗ trợ kỹ thuật cho KTNN, qua đó góp phần tăng cường năng lực trong lĩnh vực kiểm toán CNTT, kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động.
 
5. Phát hành sớm hơn quy định 100% báo cáo kiểm toán


Phát huy tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, chủ động, sáng tạo, không ngừng cố gắng, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, trong tháng 12/2018, toàn ngành KTNN đã hoàn thành các cuộc kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm. Các báo cáo kiểm toán đã được khẩn trương phát hành trước ngày 31/12, sớm hơn thường lệ 45 ngày.
Nổi bật trong năm, Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017; Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2016 với nhiều phát hiện và kiến nghị kiểm toán quan trọng đã được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán năm 2017 sau khi báo cáo Quốc hội đã được KTNN công khai trên Cổng thông tin điện tử của Ngành sớm hơn so với các năm trước.
 
6. Chống chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán đạt hiệu quả tốt, được đánh giá cao

Bám sát định hướng của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, KTNN đã chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, thanh tra các Bộ, ngành xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2018 có sự phối hợp, tham gia ý kiến của các cơ quan có liên quan và đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ. Điểm khác biệt, đổi mới so với các năm trước là Kế hoạch kiểm toán năm 2018 công khai rõ các đầu mối, đơn vị được kiểm toán và xác định chi tiết danh mục cụ thể các đơn vị, dự án được kiểm toán; qua đó góp phần tăng cường tính minh bạch; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị được kiểm toán; hạn chế sự chồng chéo, trùng lặp với các cơ quan thanh tra, kiểm tra; giảm thiểu sự phiền hà đối với các đơn vị, đối tượng được thanh tra, kiểm toán.

Trong năm, KTNN đã tổ chức sơ kết Quy chế phối hợp công tác với Thanh tra Chính phủ, trong đó đánh giá cao việc phối hợp xây dựng kế hoạch kiểm toán, thanh tra hằng năm; xử lý trùng lặp khi thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm toán. Hai cơ quan cũng thống nhất sẽ nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp cho phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tiễn hoạt động để tiếp tục thực hiện nghiêm các quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước về tránh chồng chéo, trùng lặp, nâng cao hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, kiểm toán.
 
7. Khen thưởng 14 cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng và 8 cuộc kiểm toán có thành tích xuất sắc

Năm 2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã tặng Bằng khen và Cúp cho 14 cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng; tặng Bằng khen cho 8 cuộc kiểm toán có thành tích xuất sắc. Kết quả này được đưa ra trên cơ sở Hội đồng Thi đua - Khen thưởng KTNN đã chấm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng của các cuộc kiểm toán tiêu biểu do các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực thực hiện và đề xuất.

Đáng chú ý, trong số những cuộc kiểm toán trên, bên cạnh một số cuộc kiểm toán ngân sách địa phương còn có nhiều cuộc kiểm toán về các lĩnh vực mới, chuyên đề chuyên sâu, được đông đảo dư luận xã hội quan tâm. Tiêu biểu như các cuộc kiểm toán đạt chất lượng vàng sau: Việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2017 của Tổng cục Thuế và Chuyên đề công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng tại Tổng cục Thuế và 19 tỉnh, thành phố; Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP. HCM, tuyến Bến Thành - Suối Tiên; Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông; Chuyên đề việc thực hiện một số hợp đồng BT thanh toán bằng quyền sử dụng đất trên địa bàn TP. Hà Nội giai đoạn 2013-2017; Chuyên đề Hệ thống CNTT liên quan đến quản lý thu NSNN tại Tổng cục Thuế…

Trong những cuộc kiểm toán có thành tích xuất sắc, sơ bộ kết quả kiểm toán cho thấy, kết quả kiến nghị xử lý về tài chính đối với một số cuộc kiểm toán rất lớn. Chẳng hạn, cuộc Kiểm toán hoạt động xây dựng và việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư giải quyết ngập do triều khu vực TP. HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), KTNN kiến nghị xử lý tài chính 691 tỷ đồng; cuộc Kiểm toán Chuyên đề việc ưu đãi đầu tư và thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các DN đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp, Khu chế xuất trên địa bàn TP. HCM, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 1.638 tỷ đồng; cuộc Kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tiền và tài sản nhà nước năm 2017 của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, KTNN kiến nghị xử lý tài chính lên tới 5.487 tỷ đồng…
 
8. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là trong hoạt động kiểm toán

Ngày 09/4/2018, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Chỉ thị số 735/CT-KTNN về tăng cường ứng dụng CNTT trong các hoạt động của KTNN nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo điều hành cũng như hoạt động kiểm toán. KTNN đã hoàn thiện Chiến lược và khung kiến trúc CNTT của KTNN đến năm 2030; tiếp tục đẩy nhanh việc triển khai Đề án Tổng thể CNTT giai đoạn 2015-2020. Dự án hợp phần 1 “Xây dựng hệ thống thông tin hỗ trợ hoạt động kiểm toán” tiếp tục được triển khai theo kế hoạch. KTNN triển khai nâng cấp, đầu tư hạ tầng CNTT đảm bảo hoạt động an toàn, bảo mật cho hệ thống mạng KTNN; ứng dụng Phần mềm số hoá và quản lý hồ sơ kiểm toán điện tử; triển khai các phần mềm liên quan đến quản lý đào tạo, quản lý chất lượng, quản lý lập kế hoạch kiểm toán, theo dõi kế hoạch kiểm toán và ứng dụng phần mềm kiểm toán dự án đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán, nhật ký kiểm toán. Ngoài ra, KTNN đã sử dụng công nghệ siêu âm bê tông, công nghệ viễn thám trong hoạt động kiểm toán thu được kết quả tốt.
 
9. Tổ chức tốt các hoạt động an sinh xã hội
 


Năm 2018, công tác an sinh xã hội được KTNN tiếp tục quan tâm và tổ chức thực hiện có hiệu quả, thiết thực. Cụ thể, toàn Ngành đã xây tặng 17 nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách giá trị hơn 6 tỷ đồng; quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc bị thiệt hại do mưa lũ và các hoạt động từ thiện khác 1,2 tỷ đồng.

Nhân dịp kỷ niệm 71 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, Công đoàn KTNN đã phối hợp với cấp ủy đảng và lãnh đạo các đơn vị tổ chức các hoạt động “về nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn” như: thăm, tặng quà trị giá 50 triệu đồng tại Trung tâm Nuôi dưỡng người có công tỉnh Hà Nam; tặng quà cho thân nhân liệt sĩ, các đồng chí thương binh đang công tác tại KTNN…

Trong năm 2018, Công đoàn KTNN cũng đã thăm, tặng quà cho 80 đối tượng chính sách tại một số huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa và Thái Nguyên trị giá 100 triệu đồng; hỗ trợ 3 công đoàn trực thuộc 60 triệu đồng thăm tặng quà cho các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nhi T.Ư, Viện Huyết học truyền máu T.Ư và nhân dân huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng; tặng tủ sách cho xã Tân Lập, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ trị giá 50 triệu đồng… Ngoài ra, các công đoàn cơ sở KTNN đã hỗ trợ xây 30 nhà “Mái ấm công đoàn”; ủng hộ Tháng cao điểm “Vì người nghèo” 500 triệu đồng, qua đó góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.
 
10. Cơ sở vật chất tiếp tục được tăng cường 
 


Được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của toàn Ngành, cơ sở vật chất của KTNN được cải thiện qua từng năm. Cùng với việc hoàn thành, đưa vào sử dụng trụ sở tại 116 Nguyễn Chánh - Hà Nội đầu năm 2018, trong năm qua, ngành KTNN tiếp tục đẩy nhanh tiến độ và thủ tục triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở vật chất. Trong năm 2018, công trình xây dựng trụ sở KTNN khu vực X (tại Thái Nguyên) và KTNN khu vực V (tại Cần Thơ) đã hoàn thành, đưa vào sử dụng. Cùng với đó, Dự án Xây dựng trụ sở KTNN khu vực I (tại Hà Nội) và Dự án Xây dựng trụ sở KTNN khu vực XIII (tại Đồng Nai) đã được phê duyệt, chuẩn bị khởi công; Dự án Xây dựng trụ sở KTNN khu vực III được phê duyệt chủ trương đầu tư.

Đồng thời, Dự án Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán (trụ sở chính tại Hà Nội và phân hiệu phía Nam), Dự án Cải tạo trụ sở làm việc của KTNN tại 111 Trần Duy Hưng - Hà Nội đã được khởi công trong năm 2018, đang được khẩn trương triển khai thi công.

(Báo Kiểm toán số Xuân Kỷ hợi 2019)

 
 
 

 
 

 
 

 
 
 
 
 

 
 
 

 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

Xem thêm »