Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 trước Quốc hội

20/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, chiều 20/5/2019, Quốc hội nghe báo cáo về quyết toán Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2017. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017.  

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017

Quyết toán NSNN năm 2017 - Quyết toán thu NSNN tăng 6,7% so với dự toán

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017.

Theo tờ trình của Chính phủ, quyết toán thu NSNN năm 2017 là 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% (81.447 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do tăng thu từ tiền sử dụng đất, thuế xuất nhập khẩu và thu từ dầu thô. Năm 2017, thu từ thuế xuất nhập khẩu là 197.272 tỷ đồng, vượt 17.272 tỷ đồng so với dự toán. Trong năm đã hoàn thuế GTGT cho các đơn vị kịp thời, đầy đủ theo đúng chế độ quy định là 99.143 tỷ đồng.

Về chi NSNN, quyết toán chi đạt 1.355.034 tỷ đồng, bằng 97,5% (giảm 35.446 tỷ đồng) so với dự toán, chủ yếu do một số khoản chi triển khai chậm (như các chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu) nên bị hủy dự toán hoặc chuyển nguồn sang năm sau chi tiếp theo quy định của Luật NSNN. Các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã thực hiện điều hành chi NSNN bám sát mục tiêu, dự toán ngân sách được giao. Quyết toán chi ngân sách trung ương (NSTW) là 564.531 tỷ đồng, bằng 95,1% so với dự toán. Quyết toán chi ngân sách địa phương (NSĐP) là 790.503 tỷ đồng, bằng 99,2% so với dự toán.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, tình trạng chi tiêu sai chế độ vẫn còn ở một số đơn vị, KTNN đã kiến nghị thu hồi khoản chi sai chế độ hàng trăm tỷ đồng; Kho bạc Nhà nước phát hiện nhiều khoản chi không đúng định mức quy định; việc triển khai nhiệm vụ chi ngân sách ở một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương còn chậm so với quy định, đặc biệt là mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật về đấu thầu, nên chuyển nguồn sang năm sau thực hiện tiếp theo chế độ quy định.

Quyết toán bội chi NSNN năm 2017 là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện, giảm 41.337 tỷ đồng so với dự toán. Trong đó, NSĐP quyết toán không bội chi, giảm so với dự toán 6.000 tỷ đồng; NSTW quyết toán 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP, giảm về số tuyệt đối là 35.337 tỷ đồng, giảm 0,76% GDP so với dự toán Quốc hội quyết định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho biết, với kết quả thực hiện dự toán thu, chi, bội chi như trên, so với GDP thực tế, dư nợ Chính phủ bằng 51,67%, nợ công bằng 61,37%, trong giới hạn theo quy định của Chính phủ và của Quốc hội. 

Kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 - Kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng
 
Toàn cảnh phiên họp
 
 Trình bày trước Quốc hội báo cáo tóm tắt kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, tổng hợp kết quả kiểm toán của 256 báo cáo kiểm toán trong năm 2018 đối với niên độ ngân sách năm 2017, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 92.499 tỷ đồng, trong đó tăng thu 19.858 tỷ đồng, giảm chi NSNN 23.722 tỷ đồng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, kiến nghị điều tra làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can 02 vụ; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 160 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.

Đánh giá quyết toán thu NSNN, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, quyết toán thu NSNN 1.293.627 tỷ đồng, tăng 6,7% so với dự toán; bằng 116,8% thực hiện năm 2016, đạt mức tăng cao nhất trong 02 năm gần đây. Song kết quả tăng thu chủ yếu từ tiền sử dụng đất 61.713 tỷ đồng; lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp 15.201 tỷ đồng. Nếu loại trừ dầu thô, tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết, thu nội địa chỉ đạt 885.881 tỷ đồng, bằng 98,15% dự toán.

Cơ cấu thu NSNN chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ thu nội địa (không kể dầu thô) tăng dần theo từng năm, nhưng tốc độ chuyển dịch có xu hướng giảm dần và chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020.

Ngoài ra tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế GTGT, thuế TNDN và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Kết quả kiểm toán, KTNN xác định số phải nộp tăng thêm 19.858 tỷ đồng, đặc biệt qua đối chiếu thuế 3.171 doanh nghiệp ngoài quốc doanh tại 49 địa phương, KTNN xác định nộp NSNN tăng thêm 1.635 tỷ đồng tại 2.921 doanh nghiệp, chiếm 92,1% doanh nghiệp đối chiếu.

Nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2017 là 82.659 tỷ đồng, tăng 0,8% so với cùng kỳ của năm 2016 và bằng 8,5% số thực thu NSNN năm 2017, không đạt mức phấn đấu (5%) theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 19/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nợ thuế quá hạn do ngành hải quan quản lý đến 31/12/2017 là 6.836 tỷ đồng, giảm 7,8% so với năm 2016 và bằng 2,3% số thu ngành hải quan năm 2017.

Về chi NSNN,  báo cáo của KTNN cho thấy: Vẫn còn tình trạng một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; Phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công; Bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định...; Còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; Tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; Nghiệm thu, thanh và quyết toán... Qua kiểm toán 2.067 dự án, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 5.218 tỷ đồng.

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN 2015, song chi chuyển nguồn năm 2017 sang năm 2018 vẫn ở mức cao, tăng 19.488 tỷ đồng so với số quyết toán năm 2016, bằng 19,4% tổng chi cân đối NSNN và là mức cao nhất trong 03 năm gần đây.

Báo cáo kiểm toán cũng chỉ ra rằng, dư nợ công đến 31/12/2017 là 3.073.294 tỷ đồng, bằng 61,37% GDP, trong giới hạn cho phép của Quốc hội (65% GDP). Tuy nhiên, nợ công tiếp tục gia tăng so với năm 2016 - tăng 7,13%, số tiền 204.413 tỷ đồng. 

Báo cáo của KTNN cũng đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế qua kiểm toán chuyên đề đối với một số hoạt động quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Kết quả kiểm toán cho thấy:

Hoàn thuế GTGT không đúng quy định 183 tỷ đồng; hoàn thuế GTGT khi chưa đủ cơ sở xác nhận điều kiện hoàn 902 tỷ đồng; hoàn thuế GTGT cho các dự án BT không hình thành tài sản cố định 529 tỷ đồng, hoàn cho dự án đầu tư mở rộng 64 tỷ đồng.

Việc thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư tại các khu kinh tế ven biển còn hạn chế, hầu hết chưa phát huy hết hiệu quả, không đạt mục tiêu đề ra; Quy hoạch còn mang tính cục bộ, một số dự án không còn phù hợp với quy hoạch, sách ưu đãi đầu tư chưa phù hợp với đặc thù của từng địa phương... Qua kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 303 tỷ đồng. 

Kết quả kiểm toán 09 chương trình, 23 dự án sử dụng vốn ODA, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 21.725 tỷ đồng.

Kết quả kiểm toán 08 dự án BOT trong năm 2018 cho thấy hầu hết các dự án thực hiện chỉ định Nhà đầu tư, chỉ định nhà thầu thi công; xác định sai, tăng tổng mức đầu tư; phê duyệt dự án có sử dụng vốn hỗ trợ từ nguồn Trái phiếu Chính phủ không đúng nội dung được sử dụng theo quy định; nghiệm thu, thanh toán sai... KTNN đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 07/08 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Kết quả kiểm toán 07 dự án BT, KTNN chỉ ra rằng, các dự án BT thực chất là sử dụng nguồn lực NSNN thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của các cấp chính quyền nhưng không quy định phải là dự án cần thiết, thực sự cấp bách là chưa phù hợp với các quy định hiện hành; hầu hết các dự án chỉ định thầu, làm giảm tính cạnh tranh; thiết kế dự toán không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt; các dự án BT thực hiện chủ yếu bằng vốn vay, làm tăng chi phí đầu tư dự án, tiềm ẩn nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đây là lỗ hổng lớn nhất làm thất thoát tài sản, NSNN. Kết quả kiểm toán đã kiến nghị xử lý tài chính 2.938 tỷ đồng, trong đó có dự án tỷ lệ xử lý tài chính lên đến 29% giá trị được kiểm toán. 

Công tác quản lý, sử dụng đất trong năm 2018 cho thấy hệ thống chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất còn chưa đồng bộ, chậm được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện; nhiều nội dung còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn; công tác quản lý và sử dụng đất có hạn chế, tiềm ẩn lớn lãng phí, thất thoát, tham nhũng... Qua kiểm toán, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 334 tỷ đồng.

Trình bày về kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2017 về niên độ NSNN năm 2016 của KTNN trong năm 2018, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: Kiến nghị xử lý tài chính thực hiện đến 31/12/2018 là 66.451 tỷ đồng, đạt 73,2% tổng số kiến nghị, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN 22.934 tỷ đồng, đạt 61,8%; 28/159 văn bản đã và đang được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN, các kiến nghị khác đang được các đơn vị nghiên cứu sửa đổi theo quy định ban hành văn bản; 43/56 cuộc kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể đã được các đơn vị thực hiện. 

Thẩm tra quyết toán NSNN năm 2017 - Thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ

Theo báo cáo thẩm tra về quyết toán NSNN năm 2017 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày, thu NSNN vượt dự toán 6,7% (tương ứng 81.447 tỷ đồng), nhiều khoản thu đạt hoặc vượt dự toán thể hiện sự cố gắng, nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp. 

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra đã cũng chỉ ra một số hạn chế như: Công tác lập, giao dự toán thu chưa sát thực tế, cơ cấu nguồn thu chưa thực sự bền vững, nhiều khoản thu quan trọng không đạt dự toán; Tình trạng kê khai thiếu thuế phải nộp; trốn, lậu thuế; nợ đọng thuế lớn chưa được khắc phục triệt để; Còn có khoản thu không đúng đối tượng hoặc không nộp kịp thời vào ngân sách...

Một số tồn tại hạn chế trong tổ chức điều hành dự toán chi NSNN: Công tác lập, giao dự toán chi ngân sách còn bất cập, vẫn còn tình trạng giao dự toán không đúng quy định; Tình trạng giải ngân vốn đầu tư chậm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư chưa đúng quy định chưa được khắc phục; Nhiều khoản chi quan trọng không đạt dự toán, vẫn còn tình trạng chưa tuân thủ đúng các tiêu chuẩn, chế độ, định mức chi; Chi chuyển nguồn NSNN và kết dư ngân sách địa phương lớn, giảm hiệu quả sử dụng ngân sách.

Báo cáo của UBTCNS chỉ ra rằng,  bội chi NSNN năm 2017 là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP thực hiện, giảm cả số tương đối và tuyệt đối so với dự toán Quốc hội giao (giảm 41.337 tỷ đồng và 0,76% so với GDP), thể hiện Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong quản lý, điều hành ngân sách và kiểm soát bội chi. Tuy nhiên, bội chi NSNN năm 2017 giảm so với dự toán chủ yếu là do việc giải ngân các dự án đầu tư sử dụng vốn vay chậm, chưa thực sự là do tiết kiệm chi để giảm vay (vốn trái phiếu Chính phủ, vay nước ngoài giải ngân chậm, đạt rất thấp so với dự toán nên trong điều hành Chính phủ phải giảm vay trong nước 15.142 tỷ đồng; giảm vay ngoài nước 20.195 tỷ đồng); Chính phủ cần lưu ý để quản lý, điều hành NSNN hiệu quả hơn.

Trong điều hành ngân sách năm 2017, UBTCNS lưu ý mặc dù cơ cấu thu ngân sách tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu NSNN tăng dần qua từng năm song còn khoảng cách so với mục tiêu đề ra trong kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020; tốc độ chuyển dịch có xu hướng chậm lại. Chính sách thu chậm được sửa đổi...

Bên cạnh đó, việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế khu vực Nhà nước, thực hiện tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được kết quả nhất định, song triển khai còn chậm, ảnh hưởng đến việc cơ cấu lại NSNN. Tỷ trọng chi lương, phụ cấp và các khoản đóng góp theo lương cao, chiếm 39% tổng chi thường xuyên nếu tính thêm lương hưu và trợ cấp BHXH thì chiếm 44% (391.538,2 tỷ đồng)…

Về thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN, báo cáo của thẩm tra nêu rõ, kết quả thực hiện kiến nghị năm 2017 còn thấp so với các năm trước; đáng lưu ý tỷ lệ thực hiện kiến nghị tăng thu về thuế, phí và thu khác của khối doanh nghiệp đạt thấp nhất, dẫn đến tỷ lệ thực hiện kiến nghị chung giảm mạnh, giảm hiệu lực kiến nghị kiểm toán. Chính phủ cần tổng kết, đánh giá nguyên nhân chủ quan, khách quan để nâng cao hơn nữa tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đồng thời KTNN nghiên cứu, xem xét, kịp thời có ý kiến phản hồi đối với các kiến nghị chưa thống nhất để xử lý dứt điểm các kiến nghị kiểm toán. KTNN cũng cần tổng hợp để báo cáo Quốc hội các kiến nghị của KTNN từ các năm trước chưa được thực hiện.

Chủ nhiệm UBTCNS cho biết, Ủy ban TCNS thống nhất với báo cáo, số liệu của Chính phủ và trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2017 như sau:

Tổng số thu cân đối NSNN là 1.683.045 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2016 chuyển sang năm 2017, thu kết dư NSĐP năm 2016, và thu từ quỹ dự trữ tài chính theo quy định của Luật NSNN và chênh lệch bội thu với bội chi NSĐP để trả nợ gốc 9.521 tỷ đồng). 

Tổng số chi cân đối NSNN là 1.681.414 tỷ đồng (bao gồm cả nguồn năm 2017 chuyển sang năm 2018).

Bội chi NSNN là 136.963 tỷ đồng, bằng 2,74% GDP (không bao gồm kết dư NSĐP 129.073 tỷ đồng./.
 
Ngọc Bích



 


 

 

 

Xem thêm »