Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)

24/05/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng ngày 24/5/2019, tại Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội, sau khi nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) – Phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN)
 
Trình bày tóm tắt báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật lần này rà soát, cụ thể hóa tối đa các nội dung; sửa lại phạm vi điều chỉnh theo hướng bao quát tất cả các nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN), không tách bạch nguồn thu do cơ quan quản lý thuế thu và nguồn thu không do cơ quan quản lý thuế thu.
 
Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với các công ty đa quốc gia và các doanh nghiệp có giao dịch liên kết, dự thảo Luật được bổ sung vào nội dung giải thích từ ngữ về cơ sở dữ liệu thương mại; các bên có quan hệ liên kết, giao dịch độc lập, giao dịch liên kết, và Công ty mẹ tối cao của Tập đoàn; bổ sung nội dung giao Chính phủ quy định chi tiết về quản lý thuế đối với các giao dịch liên kết của những doanh nghiệp có quan hệ liên kết.
 
Về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý thuế, Chủ nhiệm Ủy ban TC- NS của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, dự thảo Luật đã rà soát và bổ sung nhiệm vụ của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương trong việc quản lý thuế của 11 Bộ, ngành có liên quan, chủ yếu là các Bộ, ngành có liên quan trực tiếp, thường xuyên đến công tác quản lý thuế; đồng thời quy định Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác của Chính phủ có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về quản lý thuế.
 
Dự thảo Luật cũng quy định rõ quyền của người nộp thuế; nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp trong việc quản lý thuế; nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước, cơ quan Thanh tra Nhà nước.
 
Đối với nội dung khoanh nợ, xóa tiền thuế nợ, tiền chậm nộp, tiền phạt, báo cáo giải trình, tiếp thu nêu rõ, các trường hợp khoanh nợ tại dự thảo Luật hầu hết là các doanh nghiệp đã đóng cửa, không còn hoạt động sản xuất kinh doanh hoặc cá nhân đã chết, mất tích. Dự thảo Luật không quy định khoanh nợ cho người nộp thuế có dấu hiệu trốn thuế, vi phạm pháp luật. Một số ý kiến đề nghị, cần có đánh giá kỹ hơn về tình hình nợ thuế, rà soát lại các trường hợp được xóa nợ thuế để quy định chặt chẽ hơn. Cương quyết không xóa nợ cho các đối tượng cố tình vi phạm Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và pháp luật có liên quan để bảo đảm công bằng với các đối tượng khác.
 
Về hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong trường hợp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động, để bảo đảm phù hợp với Luật Doanh nghiệp về trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính của từng chủ thể khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu theo hướng dẫn chiếu theo quy định của Luật Doanh nghiệp về từng loại hình doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đối với phần thuế nợ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động. 
 
Chủ nhiệm Ủy ban TC- NS cũng cho biết, dự thảo Luật đã phân cấp rõ thẩm quyền quyết định về xóa nợ thuế cho Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan; Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thủ tướng Chính phủ tùy theo mức thuế nợ.
 
Ngoài ra, tiếp thu tối đa ý kiến đại biểu, dự án luật cũng được chỉnh lý về từ ngữ, kỹ thuật văn bản, bảo đảm thống nhất nội dung giữa các điều, khoản, phù hợp với Hiến pháp và các văn bản pháp luật có liên quan và xin được thể hiện cụ thể trong dự thảo Luật.
 
Thảo luận những nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi)
 
Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước (KTNN) và Thanh tra Nhà nước trong quản lý thuế, là nội dung nhiều đại biểu Quốc hội băn khoăn, đóng góp ý kiến.
 
Theo quy định của dự thảo Luật, trường hợp cơ quan KTNN không trực tiếp kiểm toán đối với người nộp thuế, mà thực hiện kiểm toán tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế thì cơ quan KTNN phải gửi bản trích sao có kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế để biết và thực hiện. Trong quá trình thực hiện kiến nghị của cơ quan KTNN, nếu phát sinh trường hợp người nộp thuế không đồng ý với nghĩa vụ thuế phải nộp theo kiến nghị của cơ quan KTNN, người nộp thuế có văn bản đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét lại nghĩa vụ thuế phải nộp. Căn cứ đề nghị của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế thực hiện việc xác định chính xác nghĩa vụ thuế người nộp thuế phải nộp và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
 
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) chỉ ra rằng, quy định này làm vô hiệu kiến nghị, kết luận của KTNN, trái với Điều 118 Hiến pháp, Điều 7 Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015 về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán. Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu lại Điều 21 theo hướng, trong trường hợp cơ quan KTNN thực hiện việc kiểm toán tại cơ quan thuế có nội dung kiến nghị liên quan đến nghĩa vụ của người nộp thuế, căn cứ vào kiến nghị của KTNN, cơ quan thuế có trách nhiệm ban hành quyết định xử lý thuế. Nếu không đồng ý với kiến nghị, kết luận của cơ quan KTNN, cơ quan thuế, người nộp thuế có quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật, vì vấn đề này đã được đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.  
 
Đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng, việc xử lý vướng mắc trong thực tiễn đối với các trường hợp KTNN, Thanh tra Nhà nước không thực hiện kiểm toán, thanh tra đối với người nộp thuế mà thực hiện tại cơ quan quản lý thuế, có nội dung liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế khá “vướng” vì các quy định liên quan đến lĩnh vực thanh tra, kiểm  toán, thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Kiểm toán nhà nước và Luật Thanh tra, mà không thuộc phạm vi của Luật này.
 

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình tại phiên họp

 
Giải trình, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, Luật Kiểm toán nhà nước quy định báo cáo kiểm toán bắt buộc phải thực hiện, nhưng báo cáo này không phải là quyết định hành chính. Tổng Kiểm toán nhà nước là người xử lý khiếu nại cuối cùng. Thực tiễn, khi cơ quan thuế chấp hành kết luận của KTNN, Thanh tra Chính phủ (thực hiện tại cơ quan thuế), đã xảy ra nhiều trường hợp không đồng ý, dẫn đến khiếu kiện, khiếu nại. Nhiều trường hợp khiếu kiện ra tòa về quyết định của cơ quan thuế chứ không phải quyết định của KTNN hay Thanh tra Chính phủ. Do vậy, hoặc phải sửa Điều 30 Luật Tố tụng hành chính, hoặc sửa luật này, hoặc sửa Luật Kiểm toán nhà nước thì mới xử lý được.
 
Bộ trưởng Tài chính lấy ví dụ về một số cuộc kiểm toán tại Unilever thời gian gần đây. KTNN đưa ra số liệu ban đầu là hơn 870 tỷ đồng, lần 2 là hơn 500 tỷ đồng, lần 3 hơn 300 tỷ đồng," Bộ trưởng nêu lên. Từ đó theo ông, nếu cơ quan thuế truy thu hơn 870 tỷ đồng thì phía bị kiện chính là cơ quan thuế.
 
Lý giải ngay sau đó, Tổng kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Thanh tra của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh kiểm tra, thanh tra Unilever và kiến nghị truy thu 383 tỷ đồng. Doanh nghiệp đã nộp số tiền này. Sau đó, KTNN vào kiểm tra hồ sơ và truy thu ngoài số tiền 383 tỷ đồng trên, đã kiến nghị thu 882 tỷ đồng. Trả lời KTNN về lý do chỉ truy thu 383 tỷ đồng, Thanh tra của Cục Thuế Thành phố Hồ Chí Minh giải trình là do điều kiện cuối năm nên Đoàn thanh tra căn cứ vào số liệu do Công ty tự tính toán thuế thu nhập doanh nghiệp, hoạt động đầu tư mở rộng không được ưu đãi thuế trong giai đoạn 2009-2013 để kiến nghị truy thu, chứ chưa kiểm tra, rà soát các tài liệu liên quan của doanh nghiệp.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết thêm, 8 tháng sau, Unilever có khiếu nại và cung cấp thêm hồ sơ mở rộng vụ việc. Đây là những hồ sơ chưa được giám định nhưng nếu căn cứ vào các tài liệu này, thì số truy thu là 575 tỷ đồng. Sau đó, Phó Tổng giám đốc Unilever đã làm việc với và chấp nhận nộp 384 tỷ đồng và không tính chậm nộp. Phía KTNN đã bàn với Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tạm chấp nhận số này, còn lại hồ sơ giải trình phải bổ sung sau.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, khi kiểm tra một hồ sơ nộp thuế nào đó, cơ quan thuế cũng phải cử cán bộ phối hợp, giải trình với cơ quan thanh tra và cơ quan kiểm toán. Điều này có nghĩa cơ quan thuế đã cùng làm việc với KTNN và từ kết luận của KTNN và cơ quan thanh tra, cơ quan thuế phải ra quyết định cho người nộp thuế. Vì vậy, việc người nộp thuế nếu không đồng ý và kiện quyết định của thuế là đúng . “Chúng tôi chịu trách nhiệm kết luận của mình, cơ quan thuế cũng có quyền đồng ý hay không đối với kết luận của cơ quan kiểm toán và có thể khiếu kiện"- Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu.
 
Quy định đầy đủ quyền của người nộp thuế cũng là nội dung được nhiều Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Kim Tuyến – Đoàn ĐBQH tỉnh Tiền Giang, đề nghị dự thảo Luật cần quy định bảo đảm đủ quyền của người nộp thuế đồng thời thống nhất với nội dung tại một số điều khoản của luật về miễn, giảm, khoanh nợ, xóa nợ thuế.
 
Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan thì cho rằng quy định về quyền khiếu nại của người nộp thuế nên thể hiện trong Điều 16 thay vì quy định tại Điều 21 như dự thảo. Điều 21 cũng không có quy định về quyền, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế do vậy nên chuyển nội dung này sang điều khoản nào đó cho phù hợp với việc thực hiện quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế, Điều 21 chỉ quy định trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan kiểm toán.
 
Nhằm bảo đảm quản lý, chống thất thu, chuyển giá, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị dự thảo Luật cần bổ sung khái niệm “chuyển giá” vào phần giải thích từ ngữ vì một số nội dung của luật có liên quan đến chuyển giá, ngăn chặn tình trạng chuyển giá. Bổ sung quy định về các hành vi bị nghiêm cấm gồm hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế; cấm xuất hóa đơn ảo làm hợp lý hóa chi phí nguồn ngân sách gây thất thoát nguồn thu chi ngân sách quốc gia và cấm cán bộ thuế thỏa hiệp tạo cơ hội cho doanh nghiệp trốn thuế và gian lận thương mại.
 
Về xử lý đối với việc chậm nộp tiền thuế, nhiều ý kiến cho rằng tiền nộp chậm chỉ 0,03% trên ngày là quá thấp với lãi suất ngân hàng và dễ bị các doanh nghiệp lợi dụng. Một số ý kiến đề nghị tăng ít nhất 0,05% đến 1,5% mỗi ngày nhằm tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm. Tránh trường hợp lợi dụng chính sách nộp chậm. Đại biểu Dương Minh Tuấn (Bà Rịa – Vũng Tàu) đề xuất gia hạn thuế cho doanh nghiệp cần có điều khoản riêng, còn với việc quy định mức tiền nộp chậm này, một số doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp lớn nghiên cứu luật rất kỹ, họ có thể lợi dụng điều này để giảm bớt tiền vay ngân hàng. 
 
Phát biểu làm rõ những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra để nghiêm túc tiếp thu và có giải trình đầy đủ các ý kiến đại biểu Quốc hội, tiếp tục rà soát bảo đảm phù hợp trong hệ thống pháp luật, bảo đảm chặt chẽ, khả thi trong tổ chức thực hiện, tạo điều kiện cho người nộp thuế, bảo đảm tăng cường quản lý, chống thất thu, trốn thuế, chuyển giá và đảm bảo các phương thức quản lý, kinh doanh mới, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
 
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã được ghi chép, tổng hợp đầy đủ, trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu, giải trình và sẽ chỉ đạo Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội thông qua./.
 
Ngọc Bích
 

Xem thêm »