Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Kiểm toán nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công

07/06/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 7/6/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển.

Tổng Kiểm toán nhà nước giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đều khẳng định sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của KTNN; nâng cao vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
 
Không nên giới hạn phạm vi giám định tư pháp của KTNN

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, khắc phục hạn chế, bất cập trong hoạt động kiểm toán, nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng.

Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Bình Thuận) đánh giá, Dự thảo Luật đã được KTNN chuẩn bị rất công phu, từ cơ sở thực tiễn cũng như cơ sở lý luận, học tập kinh nghiệm nước ngoài nên từng nội dung đề xuất sửa đổi rất khoa học, sát thực tiễn, có tính khả thi cao.  
 
Đánh giá cao việc Dự thảo Luật bổ sung quyền khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân về báo cáo kiểm toán; sửa đổi quy định về trách nhiệm của Trưởng đoàn kiểm toán, thành viên Đoàn kiểm toán nếu để xảy ra sai phạm, đại biểu Linh cho rằng, điều này thể hiện tính minh bạch, nghiêm minh của KTNN.
 
Đại biểu cũng tán thành việc Dự thảo Luật bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành thông tư liên tịch của Tổng Kiểm toán nhà nước. Điều này xuất phát từ vị trí, vai trò của KTNN là cơ quan Hiến định, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, KTNN cũng có vai trò, trách nhiệm lớn trong phòng, chống tham nhũng. Đồng thời quy định này nhằm khắc phục bất cập trong việc xác lập cơ sở pháp lý phối hợp giữa KTNN với các cơ quan liên quan trong thời gian qua. Tuy nhiên Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật không quy định thẩm quyền ban hành thông tư của Tổng Kiểm toàn nhà nước, vì vậy đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu để quy định đảm bảo tương thích với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
 
Đồng tình bổ sung thẩm quyền của thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước, Trưởng đoàn kiểm toán có quyền yêu cầu các tổ chức, đơn vị có liên quan cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán, đại biểu cho rằng: Quy định này sẽ phù hợp và chính danh hơn để yêu cầu các đơn vị không có trong danh sách được kiểm toán có trách nhiệm phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc đối chiếu, xác nhận số liệu, hạn chế tình trạng không hợp tác, không cung cấp hồ sơ, tài liệu hoặc từ chối làm việc với KTNN.
 
Liên quan đến việc bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp của KTNN, đại biểu Nguyễn Quang Dũng (Quảng Nam) nhấn mạnh: Trong thời gian vừa qua, có nhiều vụ án tham nhũng xử lý kéo dài do nguyên nhân từ việc giám định tư pháp. Hiện nay, khi giám định lĩnh vực tài chính, kinh tế chủ yếu do Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện. Nhưng thực tiễn hai cơ quan này giám định thì số lượng công việc phức tạp. Vì vậy, việc bổ sung thêm cơ quan có tính độc lập như KTNN làm nhiệm vụ giám định là phù hợp, cần thiết và không mâu thuẫn về thẩm quyền.
 
Từ lập luận trên, đại biểu Dũng đề nghị, phạm vi tham gia giám định tư pháp của KTNN không chỉ giới hạn ở tài chính công, tài sản công mà cần mở rộng giám định về thực hiện chính sách pháp luật về thuế; không giới hạn vụ ở các vụ án tham nhũng mà là các vụ án kinh tế nói chung. “Điểm 6b, khoản 2, Điều 10 Dự thảo Luật đề nghị sửa lại là: Giám định tư pháp tài chính công, tài sản công, chính sách pháp luật về thuế theo trưng cầu của cơ quan tố tụng theo quy định của pháp luật”- đại biểu Dũng nói.
 
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Mạnh cường (Quảng Bình) cho rằng, quy định tại Điều 10 về trách nhiệm của KTNN trong giám định tư pháp về tài chính công, tài sản công chỉ đối với các vụ án tham nhũng. Tuy nhiên, thực tế đa số các vụ án này là án kinh tế còn án tham nhũng rất ít. Vì vậy nếu chỉ giới hạn ở án tham nhũng thì rất hẹp. Bên cạnh đó việc giải quyết các vụ án khác nhau có mối quan hệ với nhau, nhất là giữa các vụ án tham nhũng và các vụ án hình sự về tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Vì vậy, cần cân nhắc bỏ quy định giới hạn này để đảm bảo tính công bằng, thống nhất. Đồng thời, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp để bảo đảm thống nhất với Luật KTNN.
 
Đại biểu cũng nhấn mạnh, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 sửa đổi theo hướng chỉ quy định chung về trách nhiệm công khai, minh bạch cho hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Còn các nội dung công khai, minh bạch cho từng lĩnh vực cụ thể thì sẽ do các luật chuyên ngành quy định để tránh sự chồng chéo, trùng lặp. Vì vậy, Luật KTNN phải quy định cụ thể vấn đề này. Hiện nay, Luật KTNN đã có một số quy định, tuy nhiên những quy định này chưa đầy đủ, cần rà soát để bổ sung một số nội dung khác. Luật Phòng, chống tham nhũng cũng đã bổ sung nhiều quy định liên quan đến thẩm quyền của Tổng Kiểm toán nhà nước. Tuy nhiên, với vai trò của Luật chuyên ngành, Luật KTNN cần pháp điển hóa các thẩm quyền này.
 
KTNN phải “lần theo” dấu vết đồng tiền ngân sách

Nhấn mạnh quan điểm sửa đổi Luật lần này nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của Cơ quan Kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, qua báo cáo kiểm toán hàng năm thì hầu như cuộc kiểm toán nào cũng phát hiện ra sai phạm và kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhiều tỷ đồng. “Nếu chúng ta tăng cường cho công tác kiểm toán, đứng về mặt kinh tế so sánh giữa chi phí bỏ ra với phần thu về, truy thu thì chắc chắn chúng ta sẽ có được nguồn kinh tế, nguồn tiền là rất lớn. Bên cạnh đó, ý nghĩa lớn hơn là chúng ta phòng ngừa được tham nhũng, tránh được sai phạm”- đại biểu Cường nói.
 
Đại biểu đề nghị phải quy định KTNN có trách nhiệm kiểm toán tất cả các hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công như rất nhiều nước trên thế giới đã quy định, chứ không chỉ kiểm toán lựa chọn, kiểm toán mẫu, hoặc là Bộ trưởng gửi văn bản yêu cầu thì mới thực hiện kiểm toán.
 
Với quan điểm đó, đại biểu đồng tình với việc quy định trách nhiệm kiểm toán phải “lần theo” dấu vết của dòng tiền ngân sách để xem việc sử dụng dòng tiền đó đúng mục đích và có thất thoát hay không. Vì vậy, không chỉ những đơn vị trực tiếp sử dụng ngân sách mà những đơn vị có liên quan đến việc thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công thì đều là đối tượng chịu sự kiểm toán.
 

Quang cảnh phiên họp

Cũng tán thành việc quy định làm rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công được quy định trong Dự thảo Luật, đại biểu Hà Thị Lan (Bắc Giang) cho rằng, quy định này phù hợp với Hiến pháp và các luật liên quan.
 
Mặt khác, qua thực tế cho thấy, hiện nay tình trạng một số tổ chức, cơ quan, DN luôn tìm mọi cách để trốn tránh nghĩa vụ với NSNN. Qua kiểm tra, đối chiếu, KTNN đã phát hiện nhiều sai phạm truy thu cho NSNN hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, đối chiếu một số cơ quan, tổ chức có nghĩa vụ nộp NSNN, các đơn vị, tổ chức, chủ đầu tư sử dụng, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản, KTNN gặp không ít khó khăn như không cung cấp hồ sơ, tài liệu cho KTNN, từ chối làm việc với KTNN và không hợp tác khi Kiểm toán viên đến làm việc…
 
Các Cơ quan Kiểm toán tối cao trên thế giới cũng đều kiểm tra các đơn vị tổ chức DN trong phạm vi hoạt động mà họ đã sử dụng tiền và tài sản nhà nước. “Vì vậy việc quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cần thiết, để tránh việc hiểu không đúng khi thực hiện”- đại biểu Lan nêu quan điểm.
 
Đặt kế hoạch kiểm toán là trung tâm để xử lý chồng chéo

 Liên quan đến quy định nhằm khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động giữa Cơ quan Kiểm toán với các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) nhận định, quy định về xử lý chồng chéo trong Dự thảo Luật tại mới dừng lại ở góc độ phối hợp với KTNN và Thanh tra Chính phủ trong việc xây dựng kế hoạch kiểm toán với kế hoạch của thanh tra, kiểm tra. Quy định như vậy là chưa đủ và còn chung chung. Đại biểu đề nghị, cần phải quy định rõ trách nhiệm phối hợp của cả hai phía - KTNN và cơ quan thanh tra, kiểm tra các cấp trong tất cả các khâu, từ quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và thông tin về kết quả kiểm toán, thanh tra cho nhau.
 
Trong khâu lập kế hoạch, đại biểu Toàn nhấn mạnh: Với địa vị pháp lý của KTNN được quy định trong Hiến pháp là thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, kế hoạch kiểm toán hàng năm được Quốc hội cho ý kiến trước khi Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định. Như vậy, có thể đặt kế hoạch kiểm toán là kế hoạch trung tâm để xử lý vấn đề còn chồng chéo.
 
Đại biểu Toàn thống nhất quy định như Dự thảo Luật là trước khi báo cáo Quốc hội, KTNN chủ trì, phối hợp với Thanh tra Chính phủ xây dựng kế hoạch kiểm toán hàng năm để tránh chồng chéo. Bên cạnh đó, cần quy định bổ sung để làm rõ, sau khi kế hoạch kiểm toán được ban hành, Thanh tra Chính phủ và thanh tra chuyên ngành khi xây dựng, quyết định kế hoạch thanh tra kiểm tra phải đảm bảo rà soát không chồng chéo với kế hoạch của kiểm toán đã ban hành.
 
Trường hợp KTNN bổ sung đối tượng kiểm toán trong năm, Luật cần quy định rõ: KTNN phải tham chiếu kế hoạch của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, đảm bảo không trùng lặp với kế hoạch thanh tra để đảm bảo tôn trọng kế hoạch thanh tra, kiểm tra đã được quyết định trước đó.
 
Bên cạnh đó, các đại biểu đề nghị, trong tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, cần bổ sung quy định cụ thể hơn công tác phối hợp; về phối hợp giữa các cơ quan trong việc cung cấp, kế thừa kết quả kiểm toán, thanh tra của nhau để đảm bảo yêu cầu quản lý theo chức năng của mỗi cơ quan mà không phải trực tiếp kiểm toán thanh tra kiểm tra với những đối tượng trùng lặp. 

Trong quá trình thảo luận đã có 13 đại biểu phát biểu ý kiến và 03 đại biểu tranh luận. Đa số đại biểu tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật nhằm khắc phục một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Kiểm toán nhà nước; một số ý kiến đề nghị cần có báo cáo về hoạt động của Kiểm toán nhà nước trong thời gian qua. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng tập trung cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể như sau: Phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật; Quyền khiếu nại báo cáo kiểm toán; bổ sung quy định để thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng; nhiệm vụ giám định tư pháp; Thẩm quyền của Kiểm toán nhà nước trong việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh kiểm toán nhà nước; Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước; Quyền truy cập dữ liệu điện tử, phần mềm ứng dụng; Quy định một số nội dung để tránh chồng chéo giữa thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Sau khi thảo luận, Tổng Kiếm toán nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, các ý kiến góp ý của các vị đại biểu Quốc hội đã được Ban thư ký Quốc hội ghi chép và phản ánh đầy đủ. Ủy ban thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện Dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ 8./.

N.Hồng

Xem thêm »