Kiểm toán nhà nước tọa đàm kỷ niệm 25 năm thành lập  

10/07/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 10/7/2019, tại Trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) -116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, KTNN tổ chức Tọa đàm Kỷ niệm 25 năm thành lập KTNN (11/7/1994 - 11/7/2019). Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc chủ trì và có bài phát biểu khai mạc Tọa đàm.

Toàn cảnh Tọa đàm

Tọa đàm có sự tham dự của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái; Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Hữu Vạn, Đỗ Bình Dương; Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Hà Ngọc Son, Hoàng Ngọc Hài, Lê Hoàng Quân, Hoàng Hồng Lạc, Cao Tấn Khổng; Các Phó Tổng Kiểm toán nhà nước: Nguyễn Quang Thành; Đoàn Xuân Tiên; Vũ Văn Họa; Đặng Thế Vinh; Nguyễn Tuấn Anh cùng toàn thể lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN, các cán bộ, công chức, viên chức tại trụ sở 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nói: 25 năm trưởng thành và phát triển, KTNN đã không ngừng vươn lên cả về số lượng và chất lượng, ngày càng thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ pháp luật, bảo vệ sự liêm chính trong quá trình điều hành, quản lý nền tài chính quốc gia và trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, KTNN luôn bám sát mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao. “Kết quả hoạt động của KTNN đạt được trong thời gian qua là hết sức toàn diện, căn bản và quan trọng” – Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho rằng, trước yêu cầu hội nhập và đổi mới của đất nước, nhiệm vụ và chức năng của KTNN đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức mới, KTNN vẫn phải đối mặt với một số hạn chế và bất cập như: Luật KTNN năm 2015 đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập đòi hỏi phải nghiên cứu sửa đổi, bổ sung; Công tác tổ chức bộ máy và nâng cao năng lực của KTNN chưa được hoàn thiện đầy đủ, tính chuyên nghiệp của đội ngũ Kiểm toán viên còn khoảng cách so với yêu cầu thực tế và chuẩn mực quốc tế, vấn đề giữ gìn đạo đức nghề nghiệp Kiểm toán viên luôn là thách thức lớn; Hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin của KTNN chưa đồng bộ…
 
Nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trân trọng gửi lời cảm ơn tới các đồng chí Lãnh đạo, các thế hệ lãnh đạo, tất cả đồng chí lãnh đạo qua nhiều thời kỳ đã tạo dựng được hình ảnh, vị thế của Ngành KTNN. “Ngày hôm nay, chúng ta tổ chức Tọa đàm cũng là ngày chúng ta tri ân đến các bậc lão thành, các thế hệ Lãnh đạo, các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN trải qua nhiều thời kỳ và chúng ta tôn vinh những thành tích, những đồng chí đã có những đóng góp, những tấm gương tiêu biểu để ngành KTNN chúng ta trong giai đoạn đầu mới sơ khai vượt qua mọi khó khăn để có được thành tựu và vị trí ngày hôm nay” – Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, để tiếp nối những thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua, KTNN cần phải tiếp tục duy trì và phát triển hơn nữa nội lực, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong nhiều năm tới nhằm phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
 

 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên báo cáo tóm tắt 25 năm hình thành và phát triển của KTNN

Báo cáo tóm tắt 25 năm hình thành và phát triển của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết, trải qua 25 năm, KTNN đã phát triển vượt bậc, từ cơ quan được luật định thành cơ quan được Hiến định, từng bước lớn mạnh, trưởng thành, thực hiện ngày càng tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao, đóng góp tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, xây dựng nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững.
 
Báo cáo chỉ rõ, tất cả các mặt hoạt động của KTNN đều đạt được những thành quả đáng ghi nhận: Hành lang pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ từ Hiến pháp năm 2013, Luật KTNN năm 2015, Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2020 đến hệ thống chuẩn mực KTNN, các quy trình, quy chế chuyên môn, nghề nghiệp; Năng lực kiểm toán ngày càng được nâng cao, hoạt động chuyên nghiệp hơn; tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ từng bước được củng cố, kiện toàn cả về cơ cấu, số lượng và chất lượng bằng các giải pháp hiệu quả trong tuyển dụng, thu hút nhân tài, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp; Cơ sở vật chất, ứng dụng CNTT được quan tâm đầu tư, ngày càng đáp ứng tốt hơn cho hoạt động chuyên môn; hội nhập quốc tế được mở rộng, tạo vị thế cho KTNN Việt Nam trong cộng đồng quốc tế;  Kết quả, chất lượng và hiệu lực kiểm toán ngày càng tiến bộ thông qua việc chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, chủ trương đổi mới.
 
Tổng hợp kết quả kiểm toán 25 năm qua, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý tài chính 413.145 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 92.716 tỷ đồng, giảm chi NSNN 93.730 tỷ đồng. Tính riêng 05 năm gần đây (2014-2018), KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 265.565 tỷ đồng, chiếm 64,2% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 25 năm qua. KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với thực tế. Chỉ tính riêng từ năm 2011 đến nay, KTNN đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ 899 văn bản. Ngoài ra, KTNN còn đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện một số văn bản quy phạm pháp luật như Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đất đai, Luật Đầu tư công, Luật Phòng chống tham nhũng, Luật Bảo hiểm xã hội...
 
25 năm qua, đặc biệt là những năm gần đây với việc tăng cường đổi mới hoạt động kiểm toán, các kết quả kiểm toán đã góp phần tích cực vào công tác phòng ngừa tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trung bình mỗi năm, KTNN đã phát hiện và có trên 200 kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm phát hiện qua kiểm toán; cung cấp hàng trăm báo cáo, hồ sơ cho các cơ quan điều tra, cơ quan quản lý Nhà nước. Chỉ tính năm 2108, KTNN đã cung cấp 146 BCKT và các tài liệu liên quan cho các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 05 vụ việc sang Cơ quan Cảnh sát điều tra kiến nghị điều tra, làm rõ để xử lý về hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, trong đó 02 vụ đã bị khởi tố vụ án, khởi tố bị can.
 
Về mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2030, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN xác định mục tiêu phát triển KTNN đến năm 2030 là: “Phát triển KTNN thành công cụ trọng yếu và hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công; hỗ trợ, phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại theo chuẩn mực quốc tế, xứng đáng là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân”, thể hiện qua một số nội dung chủ yếu: Hoàn thiện cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện cho tổ chức và hoạt động của KTNN, trọng tâm là sửa đổi bổ sung Luật KTNN năm 2015; Phát triển bộ máy và nguồn nhân lực của KTNN theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả; Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán toàn diện về năng lực, hiệu lực và hiệu quả.
 
Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương phát biểu tại Tọa đàm

Chia sẻ về những kỷ niệm khó khăn những ngày đầu thành lập, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương cho rằng, nhân tố quan trọng quyết định sự thành công của KTNN là tinh thần đoàn kết, sự động viên kịp thời, thưởng phạt công minh. Tinh thần liên tục học hỏi, tổng kết rút kinh nghiệm; mở rộng hợp tác trong và ngoài nước cũng là những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của KTNN hôm nay.
 
Bên cạnh việc trau dồi, bồi dưỡng trình độ chuyên môn, nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, giai đoạn hiện nay điều quan trọng là giữ được kỷ cương, đạo đức công vụ của người Kiểm toán nhà  nước. “Việc đầu tư cho phát triển hoạt động KTNN là cần thiết và đây là khoản đầu tư hiệu quả, mang lại giá trị cả về kinh tế và xã hội, nhất là trong bối cảnh chuyển mạnh từ quản lý tiền kiểm sang hậu kiểm” – Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Lãnh đạo và nguyên Lãnh đạo KTNN chụp ảnh lưu niệm 
 
Tại Tọa đàm, các đại biểu cùng xem phóng sự tài liệu với chủ đề “Kiểm toán nhà nước vì sự phát triển bền vững”, bộ phim tái hiện những kết quả nổi bật của KTNN, tập trung vào vai trò của KTNN trong quá trình thực hiện phát triển bền vững tại Việt Nam. Các đại biểu cũng được nghe các bài tham luận của một số đơn vị nhằm đánh giá, nhìn nhận sâu hơn về từng lĩnh vực hoạt động của KTNN./.
 
 
Minh Thúy
 
 
 

Xem thêm »