Chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, cơ quan bảo vệ pháp luật

13/09/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình phiên họp thứ 37, chiều ngày 12/9/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2019.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra

Báo cáo nêu rõ, Ủy ban Tư pháp  nhận thấy, năm 2019, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã được đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, qua đó tiếp tục khẳng định quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Đánh giá về kết quả kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng, báo cáo của Ủy ban Tư pháp cho rằng, các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng tại Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) tiếp tục phát huy vai trò trong công tác PCTN. Các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng khác, cơ quan bổ trợ tư pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá, đánh giá chứng cứ, xác định tội danh, thu hồi tài sản trong các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế.

Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra cũng chỉ rõ, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu. Số vụ việc, vụ án tham nhũng do các cơ quan này phát hiện, điều tra, truy tố còn ít. Ủy ban Tư phápg cho rằng, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Thanh tra Chính phủ cần tăng cường hơn việc tham mưu cho Chính phủ trong hoạch định, thực hiện chính sách, pháp luật về PCTN; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thực hiện pháp luật về PCTN. Đơn vị chuyên trách chống tham nhũng của Bộ Công an bên cạnh chức năng điều tra tội phạm về tham nhũng còn được giao điều tra tội phạm về kinh tế, buôn lậu trong khi việc điều tra nhiều vụ án tham nhũng khác lại được giao cho cơ quan khác thực hiện. Cơ quan chuyên trách chống tham nhũng của VKSNDTC bên cạnh việc thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án tham nhũng còn thực hiện nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án chức vụ. Tình hình trên dẫn đến việc các đơn vị này không còn đúng nghĩa là đơn vị chuyên trách chống tham nhũng như yêu cầu đặt ra của Luật PCTN khi quy định việc thành lập các đơn vị này. "Do đó, Thanh tra Chính phủ, Bộ Công an, VKSNDTC cần tổng kết, rà soát lại chức năng, nhiệm vụ và đánh giá hiệu quả hoạt động, tìm ra những nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc để điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm phát huy được vai trò nòng cốt trong PCTN của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng"- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nhấn mạnh.

Báo cáo của Ủy ban Tư pháp cũng lưu ý, việc để xảy ra tham nhũng ngay trong chính các cơ quan có chức năng chống tham nhũng, các cơ quan bảo vệ pháp luật thời gian qua cũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh PCTN, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật là vấn đề cần được Chính phủ, VKSNDTC, Toà án Nhân dân Tối cao (TANDTC) đánh giá đúng về thực trạng và có giải pháp khắc phục.

Đánh giá về kết quả công tác của Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần vào công tác phát hiện và xử lý tham nhũng, Báo cáo thẩm tra chỉ rõ, năm 2019, công tác thanh tra, kiểm toán và giải quyết khiếu nại, tố cáo tiếp tục được tăng cường, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ, dư luận về tham nhũng, tiêu cực và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra và công khai kết quả thanh tra tại Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Công ty Gang thép Thái Nguyên; việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kiểm toán nhà nước kết thúc và công khai kết quả kiểm toán dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, một số dự án BT, BOT… nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của dư luận. Qua công tác thanh tra, kiểm toán đã phát hiện sai phạm và kiến nghị thu hồi cho Nhà nước hàng chục nghìn tỷ đồng, hàng nghìn héc ta đất; kiến nghị xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm. Công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị sau thanh tra, kiểm toán có chuyển biến và đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, Ủy ban Tư pháp cho rằng, việc kiến nghị xử lý vi phạm qua hoạt động thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo nhiều năm qua vẫn chủ yếu kiến nghị xử lý hành chính, kỷ luật mà ít kiến nghị xử lý hình sự. Một số trường hợp, qua hoạt động thanh tra chuyên ngành đã phát hiện sai phạm nhưng do xử lý thiếu triệt để dẫn đến “nhờn Luật”, sai phạm sau của doanh nghiệp còn trầm trọng hơn sai phạm trước, biểu hiện rõ nhất là các sai phạm trong lĩnh vực xây dựng.

Ủy ban Tư pháp đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước, Tổng Thanh tra Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng các Bộ có chức năng thanh tra chuyên ngành, Chánh án TANDTC, Viện trưởng VKSNDTC cần đánh giá thực trạng tình hình tham nhũng, tiêu cực và đề ra giải pháp phòng, chống trong thời gian tới. Đề nghị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu của Bộ Công an, Cục điều tra của VKSNDTC trong chương trình công tác của năm 2020, cần chú trọng việc phát hiện, xử lý tham nhũng trong các cơ quan chống tham nhũng và cơ quan bảo vệ pháp luật./.

Ngọc Bích

Xem thêm »