Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN: UBTVQH phiên 37 đồng ý với đề xuất của KTNN làm rõ về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán

13/09/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 13/9/2019, tại nhà Quốc Hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, tiếp tục chương trình làm việc phiên 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến hoàn thiện giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và hoàn thiện Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự phiên làm việc.

Toàn cảnh phiên làm việc

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) Nguyễn Đức Hải cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được tiếp thu, chỉnh lý gồm các nội dung: Việc thể chế hóa chủ trương của Đảng theo tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW; Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán; Bổ sung nhiệm vụ giám định tư pháp; Bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; Quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán.
 
 Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại phiên họp

Phát biểu tại phiên làm việc, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, KTNN đồng ý với phần lớn các ý kiến của của cơ quan thẩm tra. Riêng nội dung liên quan phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm đến tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động của KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc bày tỏ nhất trí với sự cần thiết làm rõ khái niệm này trong Luật. Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng nếu giải thích theo hướng chỉnh lý của Ủy ban Tài chính – Ngân sách là “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được Kiểm toán viên nhà nước xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có dấu hiệu vi phạm” trong bối cảnh KTNN chưa được tiếp cận hồ sơ, đối chiếu kiểm tra thì không có cơ sở xác định “dấu hiệu vi phạm”. KTNN cho rằng, nếu bổ sung cụm từ này sẽ không thể thu thập đủ bằng chứng kiểm toán để làm cơ sở cho việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với đơn vị được kiểm toán; đồng thời, tiền ẩn khả năng thất thu lớn tài sản, NSNN. Hơn nữa quy định này trái với quy định của Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 vì nếu chỉ kiểm toán hồ sơ của cơ quan Nhà nước đang được kiểm toán mà không tiến hành đối chiếu, kiểm tra cơ quan, tổ chức có liên quan thì việc lập khống, lập giả hồ sơ để rút tiền, tài sản Nhà nước không thể phát hiện ra sai phạm. "Nếu quy định như vậy thì chúng tôi đã không thể kiểm toán các dự án BT hay BOT như vừa qua"- Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu. Tổng Kiểm toán nhà nước cũng cho biết, thực tiễn hoạt động KTNN thời gian vừa qua đã thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu truy thu hàng chục nghìn tỷ đồng cho NSNN mỗi năm, đặc biệt là kiểm toán công trình BT, BOT đã chấn chỉnh công tác  quản lý, chống thất thoát NSNN.
 
Vì vậy, KNNN đề xuất biên tập lại phần giải thích này theo hướng: "Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là cơ quan, tổ chức, cá nhân mà trong quá trình kiểm toán xác định có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán".

Quan điểm này của KTNN nhận được sự đồng thuận của các thành viên UBTVQH tại phiên họp. Phần lớn các ý kiến trao đổi đều ra cho rằng, nếu quy định như đề xuất của Ủy ban TC-NS khiến quy định này rất khó khả thi, bởi vì "Nếu chưa kiểm toán, chưa thể biết được có dấu hiệu vi phạm pháp luật hay không?” như ý kiến phát biểu của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Thị Nga. Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, hoạt động kiểm toán song song với quá trình sử dụng, quản lý tài chính, tài sản công; không chỉ là để xử lý những vi phạm trong quản lý tài chính, tài sản công, mà chức năng chính của KTNN là phòng ngừa những vi phạm. “Vì vậy, không nên quy định để bó hoạt động của KTNN; nhằm đảm bảo quy định về chức năng, nhiệm vụ của KTNN theo Hiến pháp” – Phó Chủ tịch Quốc hội phát biểu. Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng tán thành quan điểm của KTNN. Tuy nhiên, Trưởng Ban Dân nguyện cho rằng, để quy định chặt chẽ cần giải trình rõ thẩm quyền quyết định việc xác định tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định, quan điểm của UBTVQH trong việc sửa đổi, bổ sung Luật KTNN lần này là không mở rộng phạm vi đối tượng kiểm toán nên vẫn giữ nguyên quy định về đối tượng kiểm toán theo luật hiện hành. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm toán có thể xuất hiện những đối tượng, hoạt động cần phải kiểm toán để làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến đối tượng đang được kiểm toán. Vì vậy, cần thiết bổ sung khái niệm để làm rõ các đối tượng liên quan đến hoạt động kiểm toán theo đề xuất của KTNN. Đồng thời trong tiếp thu, giải trình cần phải làm rõ các tổ chức, cá nhân có liên quan đến kiểm toán là như thế nào, nếu là kiểm toán toàn diện thì phải đưa vào bổ sung kế hoạch kiểm toán.

Về các nội dung khác, Phó Chủ tịch UBTVQH kết luận:

Về bổ sung quyền truy cập dữ liệu của đơn vị được kiểm toán, UBTVQH nhất trí với đề nghị của Ủy ban TC-NS quy định rõ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán; Nhất trí với quy định làm rõ đối tượng được truy cập là:  Trưởng đoàn kiểm toán có quyền truy cập và có thể ủy quyền bằng văn bản cho thành viên Đoàn kiểm toán truy cập, khai thác dữ liệu điện tử của các đơn vị...
 
UBTVQH thống nhất không quy định vào trong Luật thẩm quyền giám định tư pháp của KTNN. Nếu quy định thì sẽ xem xét tại Luật Giám định tư pháp (sửa đổi) dự kiến thông qua vào năm 2020.
 
UBTVQH hội nhất trí với quyền khiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán theo trình tự, thẩm quyền được đưa ra trong báo cáo tiếp thu, giải trình. Theo đó, đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên Đoàn kiểm toán; Đơn vị kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán. Hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động của KTNN. Đồng thời, quy định rõ, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa. UBTVQH cũng lưu ý, trong quá trình khiếu nại, khởi kiện đơn vị được kiểm toán vẫn phải bảo đảm thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 
Đối với vấn đề một số thành viên UBTVQH đưa ra về việc ai kiểm soát cơ quan kiểm toán, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, theo quy định hiện hành Quốc hội, UBTVQH thực hiện quyền giám sát, ngoài ra còn có sự kiểm tra của cơ quan đảng. Mặt khác, quyền kiếu nại, khởi kiện báo cáo kiểm toán cũng là một hình thức giám sát đối với hoạt động của KTNN.
 
Trên cơ sở các ý kiến đã thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến UBTVQH hoàn chỉnh báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý; hoàn thiện Dự thảo Luật gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 vào tháng 10/2019./.
 
Ngọc Bích

Xem thêm »