Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Đầu tư công theo hình thức đối tác công tư PPP

17/09/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 16/9/2019, tại nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH) họp, cho ý kiến về Tờ trình dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh dự phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại có 336 dự án PPP đã ký kết hợp đồng, huy động được 1.609.295 tỷ đồng vào đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng quốc gia. Những dự án PPP (loại hợp đồng BOT, BT...) trong thời gian đầu triển khai đã góp phần tích cực hoàn thiện số lượng, chất lượng hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, năng lượng, hạ tầng đô thị, xử lý nước thải, rác thải..., kịp thời giải quyết các nhu cầu bức xúc về dịch vụ công của người dân và nhu cầu cấp bách về cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế - xã hội đất nước...

Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy việc triển khai các dự án PPP còn một số tồn tại, bất cập. Trong đó, báo cáo thanh tra của Thanh tra Chính phủ và báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước đối với các dự án BOT giao thông thực hiện theo Nghị định 108/2009/NĐ-CP đang cho thấy nhiều bất cập như: Hầu hết các dự án được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát; chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều bất cập về mức phí, vị trí đặt trạm thu phí, thời gian thu phí; người dân không có sự lựa chọn đối với các tuyến đường độc đạo, tuyến chỉ nâng cấp, cải tạo; cơ chế giám sát đặc biệt là các cơ chế giám sát doanh thu của nhà đầu tư, chế tài xử lý vi phạm của nhà đầu tư cũng như cơ quan Nhà nước có thẩm quyền còn thiếu, chưa chặt chẽ... Tương tự như các dự án BOT giao thông, các dự án BT thanh toán bằng quỹ đất cũng đã bộc lộ nhiều bất cập về công tác công bố dự án, chủ yếu áp dụng chỉ định thầu, bất cập trong công tác giám sát, gây bức xúc trong xã hội...

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hiện nay, quy định chi tiết cho hoạt động PPP mới chỉ dừng ở cấp Nghị định, chịu sự điều chỉnh của nhiều Luật: Luật Ngân sách Nhà nước, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng... Do vậy, để tiếp tục thúc đẩy đầu tư PPP, cần có khung pháp lý ổn định cho các hợp đồng PPP dài hạn, nhiều rủi ro, đầu tư quy mô lớn. Hiện khung pháp lý còn thiếu các cơ chế tổng thể, bao gồm các hình thức hỗ trợ, ưu đãi và bảo đảm đầu tư từ phía Nhà nước cho nhà đầu tư PPP để tăng tính hấp dẫn của dự án cũng như đảm bảo việc thực hiện dự án thành công. "Do đó, việc ban hành một đạo Luật riêng để đảm bảo tính đặc thù của đầu tư PPP, tránh tình trạng “vay mượn” quy định của các pháp luật khác trong quá trình áp dụng là cần thiết với mục tiêu ổn định, lâu dài, bền vững" - Bộ trưởng nói.
 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo tại phiên họp

Dự thảo Luật PPP được bố cục thành 11 Chương với 102 điều, trên cơ sở kế thừa Nghị định số 63/2018/NĐ-CP về PPP và bổ sung một số chính sách mới, nhằm hoàn thiện thể chế kinh tế nói chung và phát triển kết cấu hạ tầng nói riêng là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước; xây dựng khung pháp lý riêng biệt, kế thừa các quy định về PPP đã triển khai hiệu quả; xử lý các khác biệt giữa quy định hiện hành về PPP với các Luật khác; khắc phục các tồn tại, bất cập trên tinh thần tránh xáo trộn, ảnh hưởng các dự án đã và đang triển khai. Đồng thời đảm bảo quy định của Luật phù hợp với các cam kết quốc tế về đầu tư, thương mại; tuân thủ nguyên tắc kinh tế thị trường, lấy lợi ích cho người dân, Nhà nước và nhà đầu tư là trọng tâm khi xây dựng chính sách. Tạo lập cơ chế thực hiện dự án, lựa chọn nhà đầu tư cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả, đơn giản. Thu hút tối đa và sử dụng hiệu quả nguồn lực của khu vực tư nhân cũng như các nguồn lực của Nhà nước trong dự án PPP, tạo động lực mới thúc đẩy kinh tế, xã hội của đất nước. 

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày ý kiến thẩm tra về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, thảo luận tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với sự cần thiết của việc xây dựng, ban hành dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Các đại biểu cho rằng, dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư là một dự án Luật lớn, quy mô nội dung rộng, vì thế, cần xây dựng thận trọng, rà soát kỹ lưỡng và có đánh giá tác động đầy đủ. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật. "Có nên chăng phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên tập trung vào khâu ký hợp đồng đầu tư?" - ông Nguyễn Khắc Định nêu câu hỏi.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu bày tỏ băn khoăn về tính thống nhất, đồng bộ với các dự án Luật khác. Ông Nguyễn Văn Giàu đề nghị chỉ luật hóa những nội dung đã rõ ràng. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo tham khảo kỹ ý kiến các tổ chức tài chính quốc tế và các nhà đầu tư nước ngoài khi xây dựng các quy định trong dự án Luật.

Cho rằng nhiều nội dung tại dự thảo Luật sẽ đụng chạm đến rất nhiều Luật khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai...., Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, nếu đụng chạm quá nhiều, gây xáo trộn hoặc ách tắc trong thực thi pháp luật thì sau phiên họp này cần tiếp tục đặt ra để nghiên cứu một cách thận trọng.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ cần làm rõ, tổng kết sâu sắc hơn những vướng mắc, cách xử lý và hiệu quả đem lại trong hơn 20 năm thực hiện quy định. Bên cạnh đó, cần làm rõ tính khả thi của Luật này với các Luật khác, có tạo ra sự xung đột pháp lý với các Luật khác hay không? làm rõ thẩm quyền quyết định các loại dự án, mức độ tham gia của Nhà nước, vấn đề chia sẻ rủi ro như thế nào cho hợp lý để tránh tư tưởng ỷ lại, lợi dụng chính sách Nhà nước hoặc tạo ra gánh nặng cho Nhà nước, nhất là khi các dự án được triển khai trong thời gian dài. Cần làm rõ chính sách cụ thể về sử dụng tài sản công, tài chính công, về sự đầu tư của Nhà nước bằng nguồn lực ngân sách, bảo đảm công khai, minh bạch, rõ ràng, nhất là về tài chính giữa công và tư.../.

M.Thuý

Xem thêm »