Bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2019 có những chuyển biến tích cực

02/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Theo Tổng cục Thống Kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong bối cảnh kinh tế thế giới và thương mại toàn cầu suy giảm, nhưng nhờ sự điều hành kịp thời, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước, bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam quý III và 9 tháng năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Nền kinh tế 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng trưởng cao nhất trong 9 năm trở lại đây, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp.

GDP 9 tháng năm 2019 ước tính tăng 6,98%, đạt mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây

Tổng cục Thống kê cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) 9 tháng đầu năm 2019, ước tăng 6,98% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của 9 tháng trong 9 năm gần đây. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,02%, đóng góp 4,8% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,36%, đóng góp 52,6%; khu vực dịch vụ tăng 6,85%, đóng góp 42,6%. Động lực chính của tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2019 là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo - tăng 11,37%, các ngành dịch vụ thị trường: Bán buôn và bán lẻ tăng 8,31%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 8,19%; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,82%; thông tin và truyền thông tăng 7,65%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 13,20% GDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,98%; khu vực dịch vụ chiếm 42,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 10,08%.

Sử dụng GDP 9 tháng năm 2019, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,20% so với cùng kỳ năm 2018, tích lũy tài sản tăng 7,68%, xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 7,41%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 8,78%. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản 9 tháng gặp khó khăn do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng, ngành chăn nuôi thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Riêng ngành thủy sản đạt mức tăng trưởng khá, là điểm sáng của khu vực này trong 9 tháng năm 2019.

Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng khá với động lực tăng trưởng chính là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; ngành khai khoáng đã tăng trưởng trở lại sau nhiều năm giảm liên tiếp. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp và xây dựng 9 tháng năm 2019 đạt 9,36% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó ngành công nghiệp tăng 9,56% nhờ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giữ vai trò chủ chốt dẫn dắt mức tăng trưởng chung của toàn ngành và toàn nền kinh tế - tăng 11,37%; khai khoáng bước đầu có mức tăng nhẹ 2,68% sau nhiều năm liên tiếp giảm nhờ khai thác than tăng cao, bù đắp cho sự sụt giảm của khai thác dầu thô.

Tính chung 9 tháng năm 2019, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 12,2%). Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 30/9/2019 tăng 17,2% so với cùng thời điểm năm 2018 (cùng thời điểm năm 2018 tăng 13,8%). Tỷ lệ tồn kho toàn ngành chế biến, chế tạo bình quân 9 tháng năm 2019 đạt 72,1%(cùng kỳ năm 2018 là 63,8%).

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới 9 tháng năm 2019 đạt kỷ lục mới với gần 102,3 nghìn doanh nghiệp, vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 12,6 tỷ đồng, mức cao nhất trong những năm trở lại đây, dự báo sức khỏe tốt hơn của các doanh nghiệp mới ra nhập thị trường.

Hoạt động dịch vụ trong 9 tháng năm 2019 diễn ra sôi động, cầu tiêu dùng trong dân tăng, thị trường tiêu thụ được mở rộng, nguồn cung hàng hóa dồi dào, chất lượng được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người dân. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2019 đạt 3.634,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2018, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,2%.

Hoạt động vận tải và viễn thông trong quý III và 9 tháng năm 2019 tiếp tục giữ mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2018. Tính chung 9 tháng năm 2019, vận tải hành khách đạt 3.792,5 triệu lượt khách, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2018 và 177,2 tỷ lượt khách.km, tăng 9,8% (quý III đạt 1.296,5 triệu lượt khách, tăng 11,2% và 63,2 tỷ lượt khách.km, tăng 10,1%). Vận tải hàng hóa đạt 1.244,5 triệu tấn, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2018 và 237,9 tỷ tấn.km, tăng 7,5% (quý III ước tính đạt 421,5 triệu tấn, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2018 và 81,2 tỷ tấn.km, tăng 7,9%).

Việt Nam tiếp tục là điểm đến thu hút khách du lịch quốc tế, tháng 9 là tháng thứ tư kể từ đầu năm 2019 và là tháng thứ hai liên tiếp có lượng khách quốc tế đến nước ta đạt trên 1,5 triệu lượt người. Tính chung 9 tháng năm 2019, khách quốc tế đến nước ta đạt 12,9 triệu lượt người, tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Hoạt động ngân hàng, bảo hiểm, thị trường chứng khoán 9 tháng năm 2019 tăng trưởng tích cực, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của nền kinh tế. Tính đến ngày 20/9/2019, tổng phương tiện thanh toán tăng 8,44% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ năm 2018 tăng 8,74%); huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 8,68% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,15%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế tăng 8,4% (cùng kỳ năm 2018 tăng 9,52%).

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội 9 tháng năm 2019 đạt mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2018, trong đó vốn khu vực kinh tế ngoài Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư, khẳng định rõ chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Đầu tư trực tiếp nước ngoài từ đầu năm đến thời điểm 20/9/2019 thu hút 2.759 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 10.973,4 triệu USD, tăng 26,4% về số dự án và giảm 22,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Bên cạnh đó, có 1.037 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 4.789,8 triệu USD, giảm 13,6% so với cùng kỳ năm 2018. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện 9 tháng ước tính đạt 14,2 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2018.

Tổng thu ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2019 ước tính đạt 1.028,7 nghìn tỷ đồng, bằng 72,9% dự toán năm. Tổng chi ngân sách Nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/9/2019 ước tính đạt 962,2 nghìn tỷ đồng, bằng 58,9% dự toán năm.

Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ 9 tháng năm 2019 đạt tốc độ tăng khá, trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước có tốc độ tăng 16,4%, cao hơn nhiều tốc độ tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (5%). Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng ước tính xuất siêu 5,9 tỷ USD. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, đây là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Lao động, việc làm cả nước trong 9 tháng năm 2019 có nhiều chuyển biến tích cực, số người có việc làm tăng, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm giảm dần. Cơ cấu lao động chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 9 tháng năm 2019 là 55,5 triệu người, tăng 310,9 nghìn người so với cùng kỳ năm 2018.

Vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế và những thách thức mới

Tổng cục Thống kê dự báo, bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế vẫn còn không ít khó khăn, hạn chế, tiếp tục đối mặt với những thách thức mới: Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 45,17% kế hoạch được Quốc hội thông qua, cùng kỳ đạt trên 50%, trong đó giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 18,8%; Ngành nông nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh gây ra, nhất là dịch tả lợn châu Phi làm 5 triệu con bị tiêu huỷ, đàn lợn giảm gần 20%; Sản xuất, kinh doanh một số lĩnh vực gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; Vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm giảm. Như vậy, chuyển dịch đầu tư sang Việt Nam do tác động của xung đột thương mại không như kỳ vọng.

Bên cạnh đó, thời tiết diễn biến phức tạp, kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản, thủy sản được xem là thế mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu giảm đáng kể. Ngoài ra, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt bởi các diễn biến kinh tế quốc tế ngày càng phức tạp, khó lường. Một số dự án công nghiệp, giao thông trọng điểm tiếp tục chậm tiến độ, chưa xác định thời gian hoàn thành...

Các cấp, các ngành cần quyết liệt thực hiện các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng, đầu tư, nhất là đầu tư công, phát huy nội lực, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước những diễn biến bất lợi từ kinh tế thế giới./.

Khánh Vy

Xem thêm »