Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)

16/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 16/10/2019, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 38, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi 66 Điều; bãi bỏ 02 Điều; bổ sung 01 Chương và 08 Điều (bổ sung chương VIIa về Hộ Kinh doanh).

Tại phiên họp, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, từ những bất cập, khiếm khuyết của Luật, thay đổi của pháp luật có liên quan, thay đổi bối cảnh kinh tế xã hội và yêu cầu cải cách mạnh mẽ nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh của nước ta đã cho thấy sự cần thiết phải sửa đổi Luật Doanh nghiệp.
 
Theo đó, bên cạnh những mặt tích cực, một số nội dung của Luật Doanh nghiệp không còn phù hợp với thực tiễn, tạo gánh nặng chi phí, thời gian cho doanh nghiệp trong việc tuân thủ; một số nội dung không còn tương thích với một số quy định của Luật mới ban hành. Ngoài ra, một số nội dung khác cần được tiếp tục hoàn thiện để nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế tốt, tăng mức độ an toàn cho cổ đông, nhà đầu tư nhằm nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo yêu cầu của Chính phủ.

Qua rà soát, đánh giá cho thấy một số thủ tục hành chính để đăng ký doanh nghiệp không còn phù hợp, không còn cần thiết, tạo ra gánh nặng chi phí và làm chậm quá trình gia nhập thị trường, như: Thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44), thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12)… Một số quy định của Luật về quản trị doanh nghiệp chưa thực sự tạo thuận lợi cho cổ đông, nhà đầu tư thực hiện quyền của mình, thậm chí tạo thêm rào cản, bị cổ đông lớn và công ty lạm dụng gây tổn hại đến lợi ích của cổ đông khác. Quy định về tổ chức lại doanh nghiệp còn có một số bất cập, hạn chế. Vấn đề về tổ chức quản trị đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có phần vốn góp của Nhà nước.
 
Cùng với đó, các quy định hiện hành hướng dẫn Luật Doanh nghiệp về hộ kinh doanh đã cho thấy một số khiếm khuyết như: Hộ kinh doanh không rõ ràng về địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự; quyền kinh doanh bị giới hạn trong phạm cấp quận, huyện; chỉ được sử dụng dưới 10 lao động; không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện... Chính hạn chế pháp lý này dẫn đến cản trở hộ kinh doanh tận dụng và phát huy tối đa cơ hội kinh doanh; không phát huy hết được lợi ích của nguồn lực đầu tư dưới hình thức hộ kinh doanh.  
 
Do đó, việc xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm xây dựng khung pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt và phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu mà Chính phủ đã đặt ra là thuộc nhóm các nước ASEAN 4.
 
Dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến sửa đổi 66 Điều; bãi bỏ 02 Điều; bổ sung 01 Chương và 08 Điều (bổ sung chương VIIa về Hộ Kinh doanh).
 
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về nội dung đăng kí doanh nghiệp, dự thảo Luật bãi bỏ 02 thủ tục không còn cần thiết, gồm: Thủ tục thông báo mẫu dấu (Điều 44); thủ tục báo cáo thay đổi thông tin người quản lý doanh nghiệp (Điều 12); bổ sung quy định về đăng ký doanh nghiệp qua mạng thông tin điện tử.
 
Về quản trị công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần, sửa đổi quy định về thời hạn góp vốn điều lệ; mở rộng mức độ và phạm vi quyền của cổ đông công ty nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho họ bảo vệ lợi ích của mình và khởi kiện người quản lý công ty; bổ sung một số quy định tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công ty trong việc huy động vốn.
 
Nhằm thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 12-NQ/TW về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước, dự thảo Luật đã sửa đổi quy định về doanh nghiệp Nhà nước. Doanh nghiệp có cổ phần, vốn góp chi phối của Nhà nước được cụ thể hóa bằng tiêu chí Nhà nước “Sở hữu trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết” của doanh nghiệp đó. Dự thảo Luật đã bổ sung quy định để mở rộng phạm vi đối tượng người có liên quan không được làm thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc; sửa đổi quy định về cổ phần ưu đãi biểu quyết do Nhà nước nắm giữ theo hướng không giới hạn về thời gian và mức độ biểu quyết ưu đãi...
 
Dự thảo Luật đã bổ sung Chương VIIa về hộ kinh doanh, tiếp tục thừa nhận sự tồn tại của “hộ kinh doanh” là một hình thức kinh doanh và quy định rõ ràng địa vị pháp lý và trách nhiệm dân sự của hộ kinh doanh phù hợp với quy định của Bộ luật dân sự; bãi bỏ hạn chế của quy định hiện hành đối với hộ kinh doanh.
 
Bên cạnh đó, dự thảo Luật cũng sửa đổi các quy định có liên quan về hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp để đảm bảo tương thích với quy định của Luật cạnh tranh 2018. Bổ sung quy định về chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty cổ phần và chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp nhằm khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành công ty.
 
Ngay sau khi nghe trình bày Tờ trình dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án Luật này./.

Thanh Hà

Xem thêm »