Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV: Việc thực hiện nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2019 đạt được nhiều kết quả tích cực

22/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 21/10/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020 và Báo cáo thẩm tra về nội dung này. Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2020

Cơ bản hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội năm 2019

Tại phiên họp, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2019, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương (NSTƯ) năm 2020.

Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện NSNN năm 2019 cho biết: Đến nay, đánh giá cơ bản năm 2019 sẽ hoàn thành toàn diện tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội, trong đó có các chỉ tiêu về tài chính, NSNN.

Về thu NSNN, thực hiện 9 tháng đạt 77,5% dự toán, mức cao nhất so với cùng kỳ một số năm gần đây và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2018. Ước thực hiện thu cả năm 2019 vượt 3,3% (46.000 tỷ đồng) so với dự toán. Thu NSTƯ là năm thứ 2 liên tiếp vượt dự toán.

Về chi NSNN, đến hết tháng 9, chi ước đạt 63,1% dự toán. Trong đó, chi đầu tư ước đạt 44,8%, chi thường xuyên ước đạt 73,4%. Quán triệt Nghị quyết của Quốc hội, chi NSNN được điều hành chặt chẽ, tiết kiệm. Ước cả năm, chi thường xuyên, chi trả nợ cơ bản đạt dự toán. Về giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương rà soát, tháo gỡ khó khăn, kể cả cắt giảm, điều chuyển vốn, phấn đấu giải ngân hết dự toán.

Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban TC-NSđánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp Nhân dân, sự chủ động, tích cực của ngành tài chính, cùng với sự phối hợp có trách nhiệm cao của các cơ quan trong hệ thống chính trị đã nỗ lực cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ tài chính ngân sách trong năm 2019 đã đề ra.

Về tình hình thu, báo cáo của Chính phủ cho thấy, tổng thu NSNN cả năm ước vượt 46 nghìn tỷ đồng (tăng 3,3% so với dự toán); tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 23,7%GDP. Chủ nhiệm Ủy ban TC-NScủa Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, đây là một kết quả đáng ghi nhận, là năm thứ tư liên tiếp thu NSNN vượt dự toán, trong đó thu NSTƯ cũng là năm thứ hai vượt dự toán.

Chủ nhiệm Nguyễn Đức Hải cũng thẳng thắn chỉ rõ, mặc dù ước thu NSNN năm 2019 là năm thứ tư vượt dự toán, nhưng còn chưa chắc chắn. Thu nội địa chỉ tăng 1,9% so với dự toán. Số thu NSNN thực chất từ nội lực nền kinh tế tăng còn thấp. Năm 2019 nhiều địa phương ước thu thấp không đạt dự toán Chính phủ giao và Hội đồng nhân dân giao. Một số địa phương là trọng điểm thu NSNN lại có tiến độ thu chậm, như: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… Đề nghị Chính phủ lưu ý có biện pháp quyết liệt để thực hiện các vấn đề này trong công tác hành thu NSNN từ nay đến cuối năm.

Tỷ lệ huy động từ thuế, phí vào NSNN chỉ đạt 20,2%GDP, chưa đạt yêu cầu do Quốc hội đề ra là 21%GDP. Thu từ 3 khu vực doanh nghiệp đều không đạt dự toán. Điều này cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều khó khăn.Ủy ban TC-NSđề nghị Chính phủ cần tiếp tục có những giải pháp mới để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, góp phần bảo đảm thu NSNN ngày càng vững chắc hơn từ các khu vực kinh tế.

Ủy ban TC-NScũng đề nghị, từ nay đến cuối năm, Chính phủ cần lưu ý về dự báo giá dầu thế giới trong 3 tháng cuối năm 2019. Cần có biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập khẩu để tăng thu và đẩy mạnh việc truy thu trong lĩnh vực này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế sau hoàn thuế, sau thông quan, xác định số hoàn thuế giá trị gia tăng cho phù hợp; quyết liệt hơn trong việc đôn đốc thu hồi nợ đọng thuế xuát nhập khẩu nhằm phấn đấu vượt thu cao hơn so với số dự ước.
 
Vẫn còn hạn chế trong chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển

Theo Báo cáo của Chính phủ, ước thực hiện chi NSNN cả năm tăng 2,1% so với dự toán (thấp hơn năm 2018 là 2,6%). Ủy ban TC-NScho rằng, trong năm 2019, Chính phủ và các địa phương đã tích cực cơ cấu lại chi ngân sách, giảm dần chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát chặt chẽ bội chi, giảm nợ công và quyết liệt điều hành chi NSNN theo hướng tiết kiệm, chú trọng hiệu quả. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải cũng chỉ rõ, mặc dù Chính phủ đã nỗ lực để giảm chi thường xuyên, chú trọng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… nhưng về cơ bản, những tồn tại trong chi thường xuyên đã được Quốc hội đề cập trong những năm gần đây vẫn chưa được khắc phục triệt để.
 

Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS của Quốc hội trình bày báo cáo Thẩm tra trước Quốc hội

Ủy ban TC-NS cũng ghi nhận kết quả thực hiện chi đầu tư pháp triển cả năm 2019 ước đạt 443,4 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với dự toán. Qua giám sát cho thấy, trong điều kiện ngân sách hạn hẹp, nhu cầu chi lớn, Chính phủ và các địa phương đã thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, dành nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Ủy ban TC-NScũng thấy nổi lên một số vấn đề như tình trạng chậm giao vốn, giao nhiều đợt và chậm điều chỉnh vốn đầu tư phát triển, trong đó có vốn ODA vẫn chưa được khắc phục. Vốn đầu tư phát triển tiếp tục giải ngân rất chậm. Tỷ lệ giải ngân đến nay mới chỉ đạt 49,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Tình trạng chuyển nguồn vẫn còn lớn, đặc biệt là có vướng mắc về phạm vi chuyển nguồn đối với một số khoản chi sự nghiệp kinh tế có tính chất chi đầu tư theo Luật NSNN, về nguồn vốn bổ sung có mục tiêu từ NSTƯ…

Về bội chi và cân đối NSNN năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải đánh giá cao kết quả điều hành NSNN theo hướng siết chặt bội chi, mức bội chi không cao hơn so với dự toán. Mức bội chi giảm (12.500 tỷ đồng) là do giảm phần bội chi của NSĐP. Theo báo cáo của Chính phủ, bội chi NSNN năm 2019 bằng 3,4%GDP ước thực hiện (thấp hơn dự toán: 3,6%GDP); đồng thời, về tổng thể đã giảm bội chi NSĐP.

Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh, điều này thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ và chính quyền địa phương trong kiểm soát và điều hành ngân sách, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia.

Theo báo cáo của Chính phủ, so với GDP ước thực hiện thì các chỉ tiêu về nợ công (56,1%GDP), nợ chính phủ (49,2%GDP) và nợ nước ngoài của quốc gia (45,8%GDP) đều giảm so với dự toán. Điều này cho thấy, cân đối NSNN đang có những tín hiệu tích cực, ổn định hơn, các chỉ tiêu nợ công vẫn trong giới hạn an toàn.
 
Đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng

Liên quan đến dự toán NSNN năm 2020, cơ quan thẩm tra  đề nghị đẩy mạnh hơn việc thực hiện cơ chế tự chủ để giảm chi thường xuyên, quyết liệt việc tinh giản biên chế, tiến tới trình Quốc hội quyết định tổng mức biên chế của Nhà nước trong năm dự toán.
 
Quang cảnh phiên họp

Về nội dung cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Uỷ ban nhất trí với đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,6 triệu đồng/tháng. Cũng có một số ý kiến cho rằng cần cân nhắc việc tăng lương vì có thể làm cho chi NSNN mang tính chất chi tiêu dùng nhiều hơn cho chi đầu tư khi sẽ phải dùng 50% nguồn tăng thu so với dự toán của NSĐP và 40% tăng thu của NSTƯ cho cải cách tiền lương.

Các thành viên Uỷ ban TC-NS cũng tán thành với đề nghị của Chính phủ giữ mức bội chi NSNN năm 2020 là 3,44%GDP. Về nợ công, Uỷ ban TC-NSnhất trí đến hết năm 2020, dự kiến mức dư nợ công là 54,3%GDP, nợ Chính phủ là 48,5%GDP, nợ nước ngoài của quốc gia là 45,5%GDP. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ Quốc hội tại kỳ họp này về tất cả các khoản nợ của NSNN như: Nợ đọng xây dựng cơ bản, nợ vốn ứng trước, nợ nguồn thanh toán của NSNN; đồng thời lưu ý về rủi ro thanh khoản, kỳ hạn trái phiếu, lãi suất huy động và vấn đề đảo nợ… để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Đánh giá chung về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia 2016 - 2020, báo cáo của Chính phủ dự ước thu NSNN từ thuế, phí, lệ phí so với tổng sản phẩm trong nước, tỷ lệ thu nội địa trong tổng thu NSNN và tỷ trọng thu NSTƯ gần đạt mục tiêu đề ra và chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn NSNN giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 2,15 triệu tỷ đồng.

Nhiều ý kiến trong cơ quan thẩm tra cho rằng, khả năng vượt kế hoạch đầu tư nhưng không cân đối được nguồn, nên đề nghị Chính phủ có giải pháp tích cực hơn để đạt được mục tiêu tăng chiĐTPT ở mức 28% tổng chi NSNN. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý chi ĐTPT, chấn chỉnh việc phân bổ và giao kế hoạch vốn ở các bộ, ngành, địa phương, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công có hiệu quả.

Ngoài ra, Chính phủ cũng có một số kiến nghị khác về quản lý, điều hành NSNN các năm 2019 - 2020 gồm: Nguồn thực hiện cải cách tiền lương của năm 2020 và các năm tiếp theo; xác định số tăng thu thực hiện NSĐP năm 2019 và dự toán năm 2020; việc thu, nộp, sử dụng phí đường bộ thu qua đầu phương tiện ô tô. Đồng thời đưa vào Nghị quyết của Quốc hội nội dung: Giao Chính phủ phân bổ cụ thể trong điều hành ngân sách đối với một số khoản chi đã có cơ chế, chính sách, nhiệm vụ cụ thể nhưng chưa đủ điều kiện để phân bổ; cho phép sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường để thực hiện một số nội dung có tính chất đầu tư; bố trí tăng thêm 2% số bổ sung cân đối cho các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017 - 2020.

Theo Uỷ ban TC-NS, các kiến nghị trên là cần thiết và có cơ sở. Việc Quốc hội chấp thuận, cho phép sẽ tạo cơ sở pháp lý cho Chính phủ trong quá trình điều hành ngân sách, vì vậy Uỷ ban TC-NS đồng ý với kiến nghị của Chính phủ.

Để Quốc hội có đủ cơ sở xem xét, quyết định về đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN và phương án phân bổ NSTƯ năm 2020, Chủ nhiệm Uỷ ban TC-NSNguyễn Đức Hải đề nghị đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận về: đánh giá tình hình thu, chi NSNN; những vấn đề nổi lên trong quản lý thu, chi NSNN năm 2019; bội chi và giải pháp điều hành, cân đối NSNN năm 2019; Tổng thu, tổng chi, cơ cấu thu - chi NSNN và mức bội chi NSNN năm 2020; giải pháp thực hiện dự toán NSNN năm 2020; Các nguyên tắc, cơ cấu phân bổ chi thường xuyên, chi đầu tư phát triển của NSTƯ năm 2020; quy mô và tỷ trọng NSTƯ để đảm bảo vai trò chủ đạo và việc phân bổ chi ĐTPT (dự án quan trọng quốc gia, chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu), chi thường xuyên của NSTƯ năm 2020./.

Phương Ngọc
 

Xem thêm »