Quốc hội tán thành với nội dung tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

25/10/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều ngày 25/10/2019, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước.  

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc giải trình một số nội dung ĐBQH quan tâm

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tại Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính, Ngân sách, chủ trì, phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các cơ quan liên quan chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.
 
Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý tập trung vào các nội dung: Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán; Bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia; Quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán; Bổ sung quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính...
 
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như nội dung của dự thảo Luật; cho rằng Báo cáo của UBTVQH đã tiếp thu, giải trình thỏa đáng các ý kiến của ĐBQH, nhiều ý kiến được nêu cụ thể. Các ý kiến cũng khẳng định tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước xuất phát từ vị trí, vai trò và đóng góp của KTNN thời gian qua trong hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Các ý kiến thảo luận tại phiên họp cũng tập trung vào các nội dung được nêu tại Báo cáo giải trình, tiếp thu.
 
Làm rõ về “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”

Nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH là việc làm rõ khái niệm về cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, tờ trình của UBTVQH nêu rõ, dự thảo Luật bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân mà Kiểm toán viên xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.
 
Báo cáo giải trình nêu rõ, để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, dự thảo Luật bổ sung quy định KTNN chỉ được kiểm tra, đối chiếu để làm rõ các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung đang được kiểm toán. Đồng thời, Dự thảo luật cũng bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước.
 
Phát biểu về nội dung này, đa số các ý kiến thống nhất việc bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán như dự thảo Luật đã đảm bảo tính chặt chẽ, hạn chế việc lạm dụng quyền lực, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các Bên liên quan. Đồng ý với nội dung này, tuy nhiên đại biểu Mai Ánh Tuyết (An Giang) lưu ý thêm báo cáo giải trình cần làm rõ việc kiểm toán đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán không liên quan đến kiểm toán toàn diện vì nếu kiểm toán toàn diện cần bổ sung vào kế hoạch kiểm toán.
 
Đại biểu Mai Ánh Tuyết (An Giang) phát biểu
 
Bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia.
 
Báo cáo giải trình của UBTVQH nêu rõ, việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử cho KTNN là cần thiết, nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật Nhà nước... nên cần phân cấp quyền truy cập phù hợp và phải quản lý, giám sát chặt chẽ. Vì vậy, UBTVQH xin tiếp thu, quy định rõ: Chỉ cho phép KTNN truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử để thu thập thông tin trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán; chỉ Trưởng đoàn kiểm toán được phép truy cập dưới sự giám sát và thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán (Trưởng Đoàn kiểm toán có thể ủy quyền truy cập bằng văn bản theo quy định của pháp luật); đồng thời, KTNN chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật.

Các ý kiến phát biểu nhất trí việc bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan và cơ sở dữ liệu quốc gia là phù hợp với thông lệ quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện nhiệm vụ của KTNN, nâng cao hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý đến việc tuân thủ các nguyên tắc bảo mật và giới hạn phạm vi thông tin truy cập, trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán, việc phân cấp thẩm quyền truy cập và việc giám sát thực hiện.
 
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) băn khoăn nếu quy định việc truy cập dữ liệu điện tử cần có sự thống nhất về phạm vi truy cập của đơn vị được kiểm toán hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán như dự thảo thì “Việc xử lý sẽ như thế nào nếu đối tượng kiểm toán và đối tượng có liên quan đến hoạt động kiểm toán không đồng thuận với phạm vi truy cập dữ liệu điện tử”.
 
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) cho rằng nên có sự phân định giữa truy cập cơ sở dữ liệu quốc gia với cơ sở dữ liệu điện tử của các đơn vị được kiểm toán. Theo đó, đối với cơ sở dữ liệu quốc gia cần quy định về truy trình khai thác, tiếp cận hợp lý, chặt chẽ; còn dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán thì quy định để đảm bảo sự quyền tương đương với quyền yêu cầu cung cấp và tiếp cận tài liệu giấy hiện nay.
 
Quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán

Báo cáo tiếp thu, giải trình của UBTVQH nêu rõ, Luật KTNN đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị KTNN. Vì vậy, dự thảo Luật quy định rõ đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.

 Dự thảo Luật cũng bổ sung, quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN. Đồng thời, quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa; trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện theo Luật Tố tụng hành chính.
 
Để thực hiện được việc khởi kiện, UBTVQH đề xuất được sửa đổi 2 điều khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính, không ảnh hưởng hay thay đổi hoạt động tố tụng hành chính hiện hành đang triển khai thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Các ý kiến phát biểu đánh giá cao việc bổ sung các quy định quyền khiếu nại, khởi kiện của đơn vị được kiểm toán và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán, đảm bảo quyền lợi của các đối tượng này. Một số ý kiến đề xuất nhanh chóng sửa đổi Luật Tố tụng hành chính để đảm bảo quyền khiếu nại, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán có thể thực hiện ngay khi Luật sửa đổi, bổ sung Luật KTNN có hiệu lực; đồng thời cũng xem xét việc phân cấp trong giải quyết khiếu nại, khởi kiện của KTNN để đảm bảo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động kiểm toán được nhanh chóng.
 
Tiếp thu các ý kiến góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật
 
Phát biểu và giải trình một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, KTNN đánh giá cao và ghi nhận các ý kiến góp ý cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; khẳng định sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra, tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo Luật.
 
Đối với nội dung về truy cập dữ liệu điện tử, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong xu thế thời đại cuộc cách mạng công nghệ 4.0 của thể giới hiện nay, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều sử dụng dữ liệu điện tử, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, thanh toán điện tử và báo cáo điện tử. Do vậy, KTNN bắt buộc phải theo kịp xu thế này.
 
Về lo lắng của các ĐBQH trong việc mật bí mật của các cá nhân, doanh nghiệp có được đảm bảo hay không, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng điều này không đáng ngại, bởi lẽ dự thảo Luật đã có các quy định chặt chẽ về đối tượng, phạm vi được truy cập; giám sát việc truy cập và quy định về trách nhiệm của KTNN trong việc truy cập các dữ liệu điện tử.
 
Liên quan đến công tác phối hợp với cơ quan thanh tra, Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, hiện nay KTNN đang phối hợp rất tốt với Thanh tra Chính phủ. Các kế hoạch, dự án kiểm toán của KTNN đều được công khai đến các cơ quan thanh tra nên đã giảm đi sự trùng lắp trong thanh tra.
 
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết,  tại phiên thảo luận, các ĐBQH đã cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu trên cơ sở các ý kiến đã được các ĐBQH đóng góp, UBTVQH chỉ đạo Ủy ban Tài chính – Ngân sách và cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội biểu quyết thông qua. Theo dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ xem xét, biểu quyết thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước vào chiều ngày 26/11 tới./.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »