Quốc hội chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường

07/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình ngày làm việc thứ 13, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, ngày 06/11/2019, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường - thành viên Chính phủ đầu tiên đã đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội về Nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn trước Quốc hội

Trong quá trình chất vấn, đã có 43 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi chất vấn và 14 đại biểu Quốc hội tranh luận. Cùng với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng các Bộ: Y tế, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Công an và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tham gia trả lời những nội dung có liên quan.

Tại phiên chất vấn, các đại biểu ghi nhận sự nỗ lực và những kết quả tích cực của ngành nông nghiệp, sự chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng và bày tỏ mong muốn Bộ trưởng tiếp tục nâng cao trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể khắc phục tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này. Bên cạnh các vấn đề về công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; ứng dụng khoa học công nghệ cao trong nông nghiệp; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng..., Chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới cũng là một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu.

Cần quan tâm đến vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Về việc thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đa số đại biểu tán thành với những kết quả nổi bật đạt được, tuy nhiên một số cho rằng công tác chỉ đạo còn chưa đồng bộ, có lúc, có nơi cấp ủy, chính quyền chưa sát sao, chưa quyết liệt, chưa sát dân, chưa sát cơ sở, công tác dân vận chưa tốt; chênh lệch về kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các vùng miền còn thể hiện rõ, cho thấy sự phân bổ nguồn lực, phương thức chỉ đạo, cách thức huy động nguồn lực chưa phù hợp, hiệu quả; mặt trái của kinh tế thị trường đã có những tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nông thôn; an ninh trật tự nông thôn trong một số địa phương còn bất cập; môi trường ngày càng là vấn đề bức xúc, rác thải không được xử lý, các nguồn nước bị ô nhiễm,…
 

Đại biểu Phạm Văn Tuân  (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình)

Quan tâm đến những vấn đề về ô nhiễm môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình) cho rằng thời gian qua việc thực hiện Chương trình nông thôn mới mới chủ yếu xây dựng các thiết chế, hạ tầng kinh tế-xã hội chưa thực sự có sự chuyển biến trong nâng cao hiệu quả sản xuất, hạn chế về vấn đề môi trường và giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn. Do đó, với trách nhiệm của Bộ chủ quản, đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ ra giải pháp để khắc phục những vấn đề về ô nhiễm môi trường?

Cùng mối quan tâm, đại biểu Bùi Thanh Tùng (Đoàn ĐBQH Tp. Hải Phòng) đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là nút thắt khó khăn lớn nhất sau 10 năm thực hiện Chương trình nông thôn mới, nhất là các xã vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn? Và đâu là giải pháp để các xã đã về đích rồi thì duy trì được kết quả đạt được?

Giải đáp chất vấn của đại biểu Phạm Văn Tuân, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, tại tổng kết tham mưu về Chương trình Quốc gia xây dựng nông thôn mới mà Chính phủ giao cho các Bộ, ngành để chuẩn bị cho giai đoạn 2021-2025, Bộ NN&PTNT đã nhận định rõ các vấn đề về định dạng, tập trung nguồn lực, tập trung nhóm giải pháp để thực hiện cho được các vấn đề về tập trung sản xuất, nâng cao đời sống văn hóa xã hội, khắc phục các vấn đề về môi trường.

Trả lời các vấn đề mà đại biểu Bùi Thanh Tùng quan tâm, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng các vùng miền núi, hải đảo, vùng biên giới là những vùng nút thắt khó khăn trong vấn đề xây dựng nông thôn mới từ chỉ đạo, nguồn lực, đến tổ chức xây dựng nông thôn mới. Những nơi thuận lợi đã đạt được rồi thì bây giờ sẽ tập trung vào những vùng còn khó khăn. "Nhưng giải pháp quan trọng nhất ở đây là bản thân người dân ở những nơi đây phải có ý thức tự vươn lên, ý thức thoát nghèo, đây mới là sức mạnh lâu bền, cốt lõi, đồng lòng cùng với sự chỉ đạo, quan tâm của Đảng, Nhà nước" - Bộ trưởng nói.

Về giải pháp khắc phục trong thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chỉ rõ, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ và cư dân nông thôn, trong đó, chú trọng nâng cao vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng tham gia xây dựng nông thôn mới; hoàn thiện khung khổ pháp luật, cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng đồng bộ, linh hoạt; triển khai hiệu quả Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021- 2025.

Còn nhiều chênh lệch giữa các vùng miền 

Đặt câu hỏi cho Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường xung quanh Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) cho hay, trong thời gian đầu thực hiện mục tiêu nông thôn mới thường tập trung vào những xã dễ và có điều kiện. Tuy nhiên, bây giờ còn rất nhiều vùng, đặc biệt là các xã an toàn khu, các xã vùng căn cứ kháng chiến, chưa được đầu tư các chương trình nông thôn mới. Đại biểu cho biết, thường đây là những xã ở vùng sâu cho nên chưa được quan tâm, cho nên rất nhiều cán bộ lão thành và các xã căn cứ kháng chiến có công với cách mạng mong muốn được Nhà nước quan tâm đầu tư các chương trình nông thôn mới cho các xã này. "Xin hỏi quan điểm Bộ trưởng thế nào và bao giờ thì sẽ quan tâm đầu tư các vùng này. Nếu Bộ trưởng chưa trả lời được thì đây cũng là đề xuất để Bộ trưởng quan tâm hơn nữa trong thời gian tới" - Đại biểu nêu chất vấn.
 
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh (Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long) chất vấn Bộ trưởng

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận hiện nay những vùng sâu, vùng xa, vùng chiến khu, vùng căn cứ địa cách mạng đang có kết quả xây dựng nông thôn mới rất thấp, thua so với vùng khác. Bộ trưởng cho biết, nguyện vọng, yêu cầu và trách nhiệm của chúng ta là phải tập trung chăm lo vùng này hơn. Do đó, giải pháp tới đây, Thủ tướng đang giao nhiệm vụ cho Bộ NN&PTNT đánh giá kết quả 10 năm hoàn thiện lại báo cáo, trong đó sẽ có một nội dung là đề xuất nguồn lực cho giai đoạn mới, đề xuất phương thức. "Đây là nhóm đối tượng đầu tiên chúng ta phải chú ý. Chúng tôi cho rằng ý kiến này rất chính xác, chúng tôi xin ghi nhận để tiếp tục tham mưu cho giai đoạn tới 2021-2025" - Bộ trưởng Cường trả lời.

Đánh giá chương trình xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao dân trí và kinh tế của các vùng nói riêng và của quốc gia nói chung, song đại biểu Trương Thị Yến Linh (Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau) cho rằng, quá trình thực hiện chương trình đã cho thấy còn tồn tại nhiều hạn chế như: Tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới, chênh lệch giữa các vùng miền còn thể hiện rõ; chênh lệch về giàu nghèo, chênh lệch về chất lượng giáo dục, y tế giữa vùng nông thôn và thành thị chưa được quan tâm đúng mức… Trước thực tế này, đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị Bộ trưởng chia sẻ những giải pháp căn cơ mang tính đòn bẩy nhằm giải quyết tình trạng chênh lệch nêu trên.

Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng khẳng định đến nay cả nước có hơn 50% số xã đạt nông thôn mới, tuy nhiên tỷ lệ giữa vùng miền thì rất khác nhau, và đang có khoảng giãn dần dần. Trong khi mục tiêu đặt ra là để khu vực miền núi và miền xuôi ngày càng thu hẹp khoảng cách về tiến bộ, nếu không điều chỉnh chính sách, không có biện pháp chỉ đạo quyết liệt thì khoảng giãn ngày càng lớn. "Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các thiết chế hạ tầng xã hội được tận dụng kém hiệu quả" - Bộ trưởng nhận định.

Nêu lên thực tế, miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng là khu vực trũng về công tác giáo dục, y tế, Bộ trưởng cho biết đây là một nội dung mà khi xây dựng các chính sách giai đoạn 2021 - 2025 cần điều chỉnh kể cả về mặt chủ trương, nguồn lực và biện pháp chỉ đạo để cố gắng giảm dần khoảng cách, tiến tới đồng đều trong sự phát triển chung của đất nước.
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai hiệu quả các giải pháp trước mắt và lâu dài về việc đẩy mạnh tái cơ cấu trong nông nghiệp, thực hiện liên kết trong sản xuất, hình thành cơ cấu sản xuất lớn, sản xuất theo chuỗi; Thực hiện hiệu quả công tác kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm; giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, quản lý chặt chẽ việc sử dụng và chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp; Thực hiện hiệu quả công tác kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm; giám sát chất lượng sản phẩm nông nghiệp, nhất là kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu, sử dụng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp...

Đặc biệt, đối với việc xây dựng nông thôn mới, cần tiếp tục triển khai Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết 32 của Quốc hội về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; nghiên cứu điều chỉnh các tiêu chí xây dựng nông thôn mới cho phù họp với thực tế vùng, miền, tăng cường nguồn lực, chính sách cho vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa,vùng di tích và căn cứ cách mạng./.

M. Thúy
 

Xem thêm »