94% Đại biểu tán thành: Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước

26/11/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 26/11/2019, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, với 454/458 Đại biểu tham dự biểu quyết tán thành, chiếm 94% Đại biểu Quốc hội, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước  

Kết quả biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước  

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, ngày 25/10/2019,  các Đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước. Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách chủ trì, phối hợp với Kiểm toán nhà nước (KTNN) và các cơ quan liên quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước được thông qua có bố cục gồm 03 Điều: Điều 1 quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước số 81/2015/QH13; Điều 2 quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015; Điều 3 quy định về hiệu lực thi hành.
 
Luật đã làm rõ về “cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán”. Tại Điều 1, Luật  bổ sung vào phần giải thích thuật ngữ để làm rõ khái niệm cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán là: “Các cơ quan, tổ chức, cá nhân được xác định trong quá trình kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán là có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.
 
Để bảo đảm tính chặt chẽ, tránh cách hiểu, cách vận dụng khác nhau, có thể ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, Luật bổ sung quy định KTNN chỉ thực hiện kiểm tra, đối chiếu các nội dung liên quan trực tiếp đến nội dung, phạm vi kiểm toán của đơn vị được kiểm toán tại các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan . Trong trường hợp cần kiểm toán toàn diện đối với nhóm đối tượng này, Kiểm toán nhà nước phải thực hiện quy trình để bổ sung vào Kế hoạch kiểm toán và ban hành Quyết định kiểm toán theo quy định tại Mục 1 Chương IV Luật hiện hành (quy định tại Khoản 3, Điều 1). Đồng thời, Luật sửa đổi, bổ sung cũng bổ sung quyền được nhận thông báo kết luận, kiến nghị của KTNN, quyền được khiếu nại kết luận, kiến nghị kiểm toán, khởi kiện quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước (quy định tại khoản 13, 14, Điều 1).
 
Luật được thông qua đã bổ sung quyền truy cập dữ liệu điện tử cho KTNN nhằm phục vụ cho hoạt động kiểm toán và phù hợp với thời đại công nghệ thông tin, xu thế của cách mạng 4.0. Tuy nhiên, cơ sở dữ liệu quốc gia, dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán và của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có nhiều loại thông tin khác nhau, có cả những thông tin mật, tối mật, tuyệt mật, có những thông tin là bí mật riêng tư, bí mật Nhà nước,… nên Luật đã phân cấp quyền truy cập phù hợp để đảm bảo quản lý, giám sát chặt chẽ quyền truy cập dữ liệu điện tử của KTNN. Vì vậy, tại khoản khoản 3, Điều 1 Luật bổ sung quy định: KTNN được truy cập vào dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và cơ sở dữ liệu quốc gia để khai thác, thu thập thông tin, tài liệu liên quan trực tiếp liên quan đến nội dung kiểm toán; chịu trách nhiệm bảo vệ bí mật, bảo mật, an toàn theo quy định của pháp luật”. Khoản 6, Điều 1 quy định phân quyền truy cập cho Kiểm toán trưởng: “...được quyền truy cập , khai thác hoặc ủy quyền bằng văn bản theo quy định của pháp luật cho thành viên đoàn kiểm toán truy cập, khai thác trên hệ thống dữ liệu điện tử của đơn vị được kiểm toán, của tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán và cơ sở dữ liệu quốc gia...”
 
Luật KTNN hiện hành đã có quy định về giải quyết khiếu nại của đơn vị được kiểm toán đối với báo cáo kiểm toán nhưng chưa thực sự đầy đủ, đặc biệt là chưa bảo đảm quyền khởi kiện ra tòa khi đơn vị được kiểm toán không đồng ý với đánh giá, xác nhận, kết luận, kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Đồng thời, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cũng chưa có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với kết luận, kiến nghị KTNN. Vì vậy, tại khoản 8, 9, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung, quy định rõ đơn vị được kiểm toán, tổ chức cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về hành vi của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán và các thành viên của Đoàn kiểm toán; đơn vị được kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về các đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng Kiểm toán nhà nước về kết luận, kiến nghị trong Thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán.
 
Luật cũng bổ sung, quy định rõ trình tự, thủ tục, thời gian khiếu nại và giải quyết khiếu nại; quy định hết thời hạn giải quyết khiếu nại, Tổng Kiểm toán nhà nước phải ban hành quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động KTNN. Đồng thời, quy định rõ nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng Kiểm toán nhà nước thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán có quyền khởi kiện ra tòa; trình tự thủ tục khởi kiện thực hiện theo Luật Tố tụng hành chính (khoản 12,13,14, Điều 1).
 
Để thực hiện được việc khởi kiện, tại Điều 2, Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính số 93/2015/QH2013: Sửa đổi, bổ sung 2 điều khoản và một số nội dung mang tính kỹ thuật của Luật Tố tụng hành chính (bổ sung cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại trong hoạt động kiểm toán” vào sau cụm từ “quyết định giải quyết khiếu nại về quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh” tại một số điều khoản của Luật Tố tụng hành chính). Các sửa đổi này chỉ bổ sung thêm tố tụng trong hoạt động kiểm toán,  không ảnh hưởng hay thay đổi hoạt động tố tụng hành chính hiện hành đang triển khai thực hiện. Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tố tụng hành chính nhằm bảo đảm các quy định về khởi kiện có thể thực hiện được ngay khi Luật có hiệu lực thi hành, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đơn vị được kiểm toán và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
 
Ngoài ra, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến: Kiểm soát chất lượng kiểm toán của KTNN; Quy định để thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng; Thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý vi phạm hành chính...
 
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2020.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »