Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm việc tại tỉnh Ninh Bình

16/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Thực hiện chương trình công tác năm 2019 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN), ngày 13/12/2019, Đoàn công tác Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN do đồng chí Hồ Đức Phớc - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thành viên Ban chỉ đạo làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình và các cơ quan, đơn vị có liên quan về tình hình, kết quả công tác PCTN 11 tháng đầu năm 2019.

Toàn cảnh buổi làm việc

Dự buổi làm việc có đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; đồng chí Trần Hồng Quảng, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy; đồng chí Đinh Văn Điến - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo: HĐND tỉnh, UBND tỉnh, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội Tỉnh, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh, Công an tỉnh, VKSND tỉnh, TAND tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Tư pháp, Sở Tài chính, Cục Hải quan Hà Nam Ninh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh Ninh Bình.

Đoàn công tác thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn tỉnh Ninh Bình theo Chương trình công tác năm 2019 của Ban chỉ đạo. Trước đó, Ban thường vụ Tỉnh ủy Ninh bình đã chỉ đạo xây dựng báo cáo tình hình, kết quả công tác PCTN của Tỉnh ủy. Đồng thời, chỉ đạo Ban cán sự đảng các cơ quan, đơn vị được kiểm tra chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ cho công tác kiểm tra, đôn đốc của Đoàn công tác; cử cán bộ có trách nhiệm, tham gia đầy đủ các buổi làm việc với Đoàn công tác.

Từ kết quả làm việc, Đoàn công tác đã xây dựng báo cáo kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại tỉnh Ninh Bình trong năm 2019.
 

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu


Theo báo cáo của Đoàn công tác, trong 11 tháng đầu năm 2019, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã nghiêm túc tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh về công tác PCTN, trọng tâm là: Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X); Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; Kết luận của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018… qua đó góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên đối với công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Bên cạnh đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành 07 Kế hoạch và nhiều văn bản chỉ đạo về công tác PCTN để cụ thể hoá các quy định của Trung ương về công tác PCTN.

Hàng năm, Ban thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nhiều cuộc kiểm tra, giám sát (thường xuyên hoặc đột xuất) về công tác PCTN. Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Ninh Bình quan tâm đẩy mạnh, trong đó đã chú trọng đổi mới nội dung, hình thức, tuyên truyền, đưa nội dung PCTN vào trường học theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về PCTN, lãng phí, tiêu cực.

Một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước được lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai quyết liệt như: tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động công vụ; xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Trong đó, Tỉnh ủy đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng “tham nhũng vặt”, nhất là việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và tăng cường thu hút đầu tư...

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát được cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Ninh Bình chỉ đạo thực hiện đồng bộ, nghiêm túc góp phần giữ vững kỷ cương, kỷ luật. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí cũng không ngừng được nâng cao.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả tích cực đã đạt được, báo cáo kiểm tra của Đoàn công tác cũng nêu rõ một số hạn chế trong công tác PCTN của cấp ủy, chính quyền các cấp cần khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm đến công tác PCTN trong các lĩnh vực như đất đai, xây dựng cơ bản, khai thác khoáng sản, thuế, tín dụng ngân hàng, công tác cán bộ...

Thay mặt Tỉnh ủy Ninh Bình, đồng chí Nguyễn Thị Thanh - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh trân trọng cảm ơn những ý kiến trao đổi, góp ý sát sao, thiết thực, trách nhiệm của Đoàn công tác.

 
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thị Thanh phát biểu

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh cho biết, nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCTN của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình hiện nay, những năm qua, tỉnh Ninh Bình đã có những chỉ đạo thực hiện quyết liệt giúp công tác PCTN từng nước đi vào nền nếp, có nhiều kết quả quan trọng thể hiện trên nhiều mặt, nhiều lĩnh vực. Nổi bật như việc tỉnh đã chủ động ban hành nhiều văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt đối với công tác PCTN, lãng phí; đôn đốc các cơ quan, đơn vị có liên quan của tỉnh thực hiện nghiêm túc và đạt kết quả khá cao những kết luận, kiến nghị của KTNN, các kết luận thanh tra về kinh tế, đất đai.

Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình cũng nhấn mạnh, trong thời gian làm việc tại địa phương, Đoàn kiểm tra đã thể hiện tinh thần làm việc khoa học, có chuyên môn cao; dự thảo Báo cáo của Đoàn được xây dựng khá toàn diện, có những đánh giá, nhận định xác đáng đối với công tác PCTN của tỉnh. “Chúng tôi tiếp thu các ý kiến kiến nghị của Đoàn kiểm tra. Sau khi có kết luận chính thức, tỉnh sẽ có kế hoạch triển khai cụ thể, phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế để công tác PCTN của tỉnh ngày càng đạt được kết quả cao hơn” – đồng chí Nguyễn Thị Thanh khẳng định.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc - Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước, Trưởng Đoàn kiểm tra đánh giá cao tinh thần phối hợp nghiêm túc của Ban thường vụ Tỉnh ủy và các cơ quan, đơn vị của địa phương; công tác chuẩn bị báo cáo, tài liệu phục vụ cho Đoàn kiểm tra rất kịp thời, đầy đủ. Qua kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác PCTN, đồng chí đánh giá: thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh Ninh Bình đã có nhiều nỗ lực cố gắng, đẩy mạnh công tác đấu tranh PCTN và đạt được nhiều kết quả tích cực. 

Tuy nhiên, theo Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, công tác tham nhũng, lãng phí vẫn còn nghiêm trọng, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, phức tạp, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, cấp, ngành, làm cản trợ sự phát triển kinh tế-xã hội, gây bức xúc trong dư luận, là thách thức nghiêm trọng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và hiệu lực quản lý của Nhà nước. Để công tác phòng chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình đạt hiệu quả và phát huy dân chủ hơn nữa, đồng chí yêu cầu Tỉnh ủy cần tiếp tục thực hiện với tinh thần kiên quyết, kiên trì, nỗ lực quyết tâm cao, trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc các chủ trương, nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN; Tiếp tục tăng cường vai trò của cấp ủy, người đứng đầu trong lãnh đạo chỉ đạo trong công tác PCTN, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác PCTN; Tiếp tục chỉ đạo rà soát, xây dựng, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế xã hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động công vụ nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, phòng ngừa lợi ích nhóm, sách nhiễu, phiền hà trong thực thi công vụ; Tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động công vụ, quản lý tài chính, ngân sách; Đặc biệt quan tâm, coi trọng công tác xây dựng Đảng, tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, Đảng viên nhất là lãnh đạo chủ chốt các cấp; Nâng cao chất lượng kiểm tra, giám sát nội bộ, kiên quyết xử lý khi có sai phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm tra, kiểm toán và giám sát nội bộ; Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ nâng cao chất lượng điều tra, truy tố, xử lý nghiêm minh đúng quy định các vụ việc, vụ án tham nhũng kinh tế. Chú trọng hơn nữa công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Hà Linh
 
 
 

Xem thêm »