Họp Ban chỉ đạo dự án “Hỗ trợ KTNN Việt Nam nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính công”

17/12/2019
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Sáng 17/12/2019, Ban chỉ đạo Dự án “Hỗ trợ KTNN Việt Nam nâng cao trách nhiệm giải trình, tính minh bạch và vai trò giám sát hoạt động quản lý tài chính công” (EU-PFMO) đã họp lần thứ ba tại Hà Nội dưới sự chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng Ban. Tham dự cuộc họp, về phía KTNN có Ông Trần Kim Lộc, Vụ trưởng Vụ HTQT, Phó Trưởng ban; ông Trần Khánh Hòa, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Phó Trưởng ban và các thành viên trong Ban.

Về phía EU có Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Phó Trưởng Ban; ông Tom Corrie, Phó Trưởng ban hợp tác; bà Paulina GajeskaAntonio, Trưởng Ban Tài chính và Hợp đồng; bà Ngô Thị Kim Thu, Quản lý chương trình.

Về phía Cơ quan hợp tác kỹ thuật Pháp (EF) và Văn phòng Dự án (VPDA) có bà Alisa Rozanova, Phó Trưởng Ban quản trị Tài chính và Kinh tế, EF; ông Robert Reeve, Chuyên gia chính, VPDA; ông Simon Soustelle, Quản lý dự án, Thành viên Ban chỉ đạo; bà Carol Normal, Quản lý Chương trình hợp tác kỹ thuật quốc tế, KTNN Vương quốc Anh; ông Laurent Onguene, Điều phối viên Dự án.
 


Báo cáo tiến độ và kết quả triển khai Dự án, chuyên gia chính Văn phòng dự án Robert Reeve cho biết, đến ngày 17/12/2019, Dự án đã hoàn thành: 05 báo cáo khuyến nghị về lĩnh vực quản lý nhân sự và đào tạo; 03 bộ tài liệu đào tạo về kiểm toán tài chính, kiểm toán nợ công và kiểm toán dự toán ngân sách Nhà nước; 02 tài liệu hướng dẫn về kiểm toán tài chính và lập kế hoạch kiểm toán trung hạn; 03 báo cáo khuyến nghị về tăng cường chất lượng báo cáo kiểm toán, theo dõi sau kiểm toán và trao đổi thông tin với các bên liên quan; 05 khóa đào tạo kiểm toán tài chính (trên tổng số 7 khóa); 02 khóa đào tạo về kiểm toán nợ công và kiểm toán dự toán ngân sách Nhà nước (trên tổng số 3 khóa); 05 hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về các lĩnh vực kiểm toán; 12 bản quyền phần mềm phân tích dữ liệu lớn IDEA, 03 khóa đào tạo hướng dẫn sử dụng IDEA; 04 chuyến khảo sát học tập tại New Zealand, Vương quốc Anh, Indonesia và Cộng hòa Pháp; biên dịch 12 tài liệu chuyên môn tham khảo.
        
Tại cuộc họp, các thành viên trong Ban chỉ đạo đánh giá cao đóng góp của các chuyên gia và sản phẩm đầu ra của dự án. Tuy nhiên, việc triển khai dự án vẫn còn một số hạn chế như: Các sản phẩm của Dự án chỉ làm tài liệu tham khảo, không phải là sản phẩm của KTNN; cơ cấu tổ chức thực hiện Dự án còn cồng kềnh, nhiều cấp bậc và nhiều bên, gây khó khăn và phức tạp trong quá trình báo cáo, trao đổi thông tin; nhiều hoạt động của Dự án tập trung vào một thời gian nhất định, gây khó khăn cho công tác tổ chức.
           
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đánh giá cao sự hợp tác của KTNN Việt Nam cũng như sự nỗ lực, cố gắng của các chuyên gia trong quá trình triển khai Dự án. Ông bày tỏ vui mừng trước những đánh giá tích cực từ phía KTNN Việt Nam và  tin tưởng sự hợp tác giữa EU và KTNN ngày một chặt chẽ, thiết thực.
 

            
Phát biểu kết thúc cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh chân trọng cảm ơn các nhà tài trợ, các đối tác, các chuyên gia và đồng nghiệp đã luôn đồng hành và ủng hộ KTNN Việt Nam. Sau 02 năm nghiên cứu, tìm hiểu và phân tích bối cảnh của KTNN cũng như chuẩn bị cho những hoạt động chính thức, 02 năm tiếp theo giai đoạn triển khai, Dự án EU-PFMO đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng được mục tiêu đề ra và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, cụ thể là xây dựng và hoàn thiện 12 tài liệu hướng dẫn, báo cáo khuyến nghị và tài liệu đào tạo các lĩnh vực; mua sắm, lắp đặt 12 bản quyền phần mềm phân tích dữ liệu lớn IDEA; tổ chức 13 khóa đào tạo về kiểm toán và áp dụng IDEA cho khoảng 400 lượt công chức, Kiểm toán viên KTNN Việt Nam, 04 chuyến khảo sát học tập tại cho khoảng 50 lượt công chức của KTNN.  Những sản phẩm đầu ra quan trọng này đã cung cấp những nền tảng lý thuyết và thực tiễn quan trọng với những thông lệ tốt của quốc tế được hỗ trợ bởi những kiến nghị quan trọng, mang tính xây dựng giúp KTNN Việt Nam hoàn thiện các chức năng về nhân sự, đào tạo cũng như kỹ năng, phương pháp kiểm toán theo hướng hiện đại hóa, chuẩn mực hóa. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết: Trong thời gian tới, KTNN Việt Nam sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các sản phẩm đầu ra của dự án để ứng dụng trong hoạt động của mình./.
 
Dự án “Hỗ trợ KTNN cải thiện trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, tính minh bạch và công tác giám sát hoạt động quản lý tài chính công” bắt đầu từ năm 2015 là Dự án hợp phần 1 của Chương trình hiện đại hóa tài chính công của Liên minh châu Âu tại Việt Nam.
Mục tiêu: Cải thiện trách nhiệm giải trình, lập báo cáo, tính minh bạch và công tác giám sát hoạt động quản lý tài chính công nhằm góp phần cải thiện hoạt động quản lý và giám sát tài chính công tại Việt Nam.
Thời gian thực hiện: Dự kiến 05 năm, kể từ năm 2015; tuy nhiên, thực tế chỉ còn 02 năm (từ tháng 12/2017 – 12/2019)
Nội dung và các sản phẩm đầu ra: tập trung vào 02 trụ cột chính:
Trụ cột 1: Tăng cường công tác quản lý nhân sự của KTNN tập trung vào đào tạo và tăng cường năng lực cho cán bộ KTNN;
Trụ cột 2: Xây dựng công tác lập kế hoạch, phương pháp kiểm toán, báo cáo và quản lí kiểm toán hiện đại có chất lượng.

Hà Linh

Xem thêm »