Về phía Kiểm toán nhà nước (KTNN) có sự tham dự của: Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc; Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đoàn Xuân Tiên và đại diện lãnh đạo: Văn phòng KTNN, Vụ Tổng hợp, Vụ Tổ chức - Cán bộ KTNN.
Xây dựng Chiến lược tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm
Trình bày tờ trình xây dựng Chiến lược,Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong bối cảnh Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010-2020 sắp kết thúc, KTNN đã tổ chức tổng kết, đánh giá toàn diện những kết quả đạt được, chỉ rõ hạn chế, tồn tại và rút ra bài học kinh nghiệm; đồng thời nhìn nhận và đánh giá những yêu cầu đổi mới đất nước, hội nhập quốc tế, nhiệm vụ và chức năng của KTNN đang đứng trước nhiều cơ hội, thách thức và yêu cầu mới.
Từ những thành tựu căn bản đã đạt được trong những năm qua, trước yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ mới, quán triệt các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đặc biệt là việc tiếp tục củng cố, tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và tăng cường kiểm tra, giám sát các khoản chi tiêu công, nguồn lực công của Nhà nước…, đòi hỏi KTNN phải tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế, bất cập để vượt qua thách thức, thể hiện rõ tầm nhìn chiến lược trong nhiều năm tới. Do đó, việc xây dựng
“Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035” là hết sức cần thiết.
Việc xây dựng và phê duyệt Chiến lược không những có ý nghĩa quan trọng và cấp bách trong việc hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, mà còn tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, khắc phục những bất cập và hoàn thành tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được Ðảng, Nhà nước giao
Chiến lược xác định tầm nhìn của KTNN:Xây dựng KTNN xứng đáng là cơ quan thực hiện kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm, uy tín, chuyên nghiệp và hiện đại; đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó; hội nhập, phát triển ngang tầm khu vực và thế giới.
Sứ mệnh của KTNN được xác định:Là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công hoạt động độc lập, khách quan;
góp phần quan trọng phát triển ổn định, bền vững, minh bạch nền tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực đất nước và phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao trách nhiệm giải trình, bảo vệ pháp luật, sự liêm chính, giữ vững niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.
Các giá trị cốt lõi bao gồm:Độc lập - Liêm chính - Chuyên nghiệp - Uy tín - Không ngừng gia tăng giá trị.
Chiến lược xác định mục tiêu tổng quát phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2020-2030) và tầm nhìn đến năm 2035 là “Phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công; phục vụ đắc lực cho hoạt động của Quốc hội, Chính phủ trong thực hiện chức năng lập pháp, giám sát, quản lý điều hành và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước; hỗ trợ Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định vấn đề quan trọng của địa phương; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng công nghệ thông tin và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại, xứng đáng là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng được yêu cầu của Đảng, Nhà nước và nhân dân”.
Chiến lược gồm 07 nội dung chính: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển công nghệ thông tin.
Xây dựng Chiến lược phát triển KTNN phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội
Trình bày báo cáo thẩm tra về Dự thảo Chiến lược phát triển KTNN
, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, việc xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển cho KTNN trong giai đoạn tới là cần thiết và phù hợp thực tiễn để định hướng rõ các mục tiêu và các giải pháp thực hiện phát triển KTNN giai đoạn 2021-2030 phù hợp với chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công.
Ủy ban TC-NS cơ bản nhất trí với quan điểm, mục tiêu phát triển KTNN đã nêu trong Dự thảo Chiến lược cũng như 7 nội dung cơ bản của Chiến lược. Bên cạnh đó, cơ quan thẩm tra cũng phân tích, đề nghị làm rõ thêm một số vấn đề nhằm đảm bảo tính thống nhất, phù hợp và hiệu quả trong triển khai Chiến lược.Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Dự thảo Chiến lược căn cứ từ chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thuyết minh rõ hơn đối với từng nội dung xây dựng trong chiến lược cũng như giải pháp và việc tổ chức thực hiện để bảo đảm đầy đủ căn cứ và tính khả thi của Chiến lược.
Về quan điểm phát triển KTNN, Ủy ban TCNS cho rằng cần nhấn mạnh, thể hiện rõ hơn một số điểm như sau: Phát triển KTNN phải bảo đảm KTNN thực sự là công cụ hữu hiệu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phục vụ đắc lực cho Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân địa phương trong quản lý, điều hành, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng về tài chính, tài sản công; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững kỷ luật về quản lý tài chính, tài sản công; Bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của KTNN, tính độc lập của cơ quan KTNN trong hoạt động kiểm toán, trong đó chú trọng nâng cao tính hiệu quả của hoạt động kiểm toán...
Thảo luận tại Phiên họp, đa số ý kiến trong UBTVQH nhấn mạnh sự cần thiết của việc xây dựng và ban hành Chiến lược phát triển KTNN; đánh giá cao tính chủ động, tích cực của KTNN trong xây dựng Dự thảo Chiến lược, trình UBTVQH xem xét, phê duyệt.
Cho ý kiến về các nội dung của Dự thảo Chiến lược, nhiều ý kiến nhấn mạnh, việc xây dựng chiến lược phát triển KTNN phải đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động của KTNN trong giai đoạn 2021-2030. Chiến lược phát triển KTNN cũng cần phảibám sát tình hình chiến lược phát triển KT-XH 10 năm tới; các quan điểm, định hướng phát triển đất nước để phát triển KTNN trở thành một công cụ hữu hiệu để kiểm soát quyền lực trong điều hành, quản trị đất nước; là một thiết chế độc lập do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Việc phát triển cơ cấu tổ chức của KTNN phải phù hợp với yêu cầu của cải cách hành chính, hạn chế phát triển về số lượng, coi trọng và tập trung phát triển về chất lượng, bảo đảm bộ máy tinh gọn, tiết kiệm kinh phí, hoạt động có hiệu quả.
Giải trình tại Phiên họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc làm rõ một số nội dung liên quan đến đề xuất của KTNN về nâng cấp Ban Tài chính thành Vụ Tài chính; nâng cấp Trường Đào tạo và bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán và vấn đề biên chế của KTNN trong giai đoạn tới. "KTNN tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý của các thành viên UBTVQH để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Chiến lược" - Tổng Kiểm toán nhà nướcphát biểu.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, về cơ bản, các thành viên UBTQH tán thành với chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035. Tuy nhiên, để làm cơ sở xây dựng Chiến lược phát triển KTNN trong giai đoạn tới, UBTVQH đề nghị KTNN đánh giálàm rõ hơn kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển KTNN giai đoạn 2010 - 2020, để chỉ ra những mặt mạnh, mặt yếu, những khó khăn, bất cập, các bài học rút ra.KTNN cần tiếp thu tinh thần của Dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đối chiếu với các chiến lược, nghị quyết, chủ trương của Đảng liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, sắp xếp bộ máy tổ chức để hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN trong giai đoạn tới./.
Ngọc Bích