Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018
Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2018, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, qua tổng hợp kết quả từ 268 Báo cáo kiểm toán của 214 Cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2019 đối với niên độ ngân sách năm 2018, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã kiến nghị xử lý tài chính 81.095 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 8.151 tỷ đồng, giảm chi NSNN 18.884 tỷ đồng; chuyển 04 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang Cơ quan Cảnh sát điều tra, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tránh thất thoát, lãng phí.
Tỷ lệ huy động vào NSNN vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 5 năm, 2016-2020
Về các nội dung cụ thể, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc nêu rõ, dự toán thu nội địa Chính phủ giao tăng 8,73% so với ước thực hiện năm 2017, song tổng hợp dự toán thu NSNN do các địa phương lập chưa đảm bảo mức tăng bình quân tối thiểu theo quy định; dự toán thu xuất nhập khẩu lập và giao chỉ bằng 99,3% so với ước thực hiện năm 2017. Đặc biệt, Bộ Tài chính xây dựng dự toán hoàn thuế giá trị gia tăng đầu năm thấp hơn số địa phương lập và chưa sát với số phải hoàn trong năm dẫn đến hoàn vượt dự toán Quốc hội quyết định.
Quyết toán thu NSNN tăng 8,5% so với dự toán và bằng 110,7% thực hiện năm 2017, song kết quả tăng thu chủ yếu từ thu tiền sử dụng đất. Nếu loại trừ các khoản thu trên thu nội địa chỉ đạt 96,7% dự toán giao.
Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 26% GDP, vượt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm, 2016-2020 (23,5% GDP), song cơ cấu thu NSNN chuyển dịch chậm, tỷ lệ thu nội địa năm 2018 đạt 81% tổng thu NSNN tăng so với năm 2017, song chưa đạt mục tiêu đặt ra trong Kế hoạch tài chính 05 năm 2016-2020 (84-85%).
Tổng Kiểm toán nhà nước cũng chỉ rõ còn tình trạng các tổ chức, đơn vị, người nộp thuế hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, từ đó tính thiếu thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phải nộp khác vẫn diễn ra và chậm được khắc phục. Ngoài ra, tỷ lệ để lại đối với một số phí, lệ phí không phù hợp so với nhu cầu sử dụng dẫn đến cuối năm 2018 kinh phí tồn không có nhiệm vụ chi còn lớn, làm giảm hiệu quả sử dụng nguồn lực.
Công tác quản lý nợ thuế quá hạn do Ngành Hải quan quản lý tiếp tục có xu hướng giảm, giảm 1,7% so với năm 2017, song nợ nợ thuế do ngành thuế quản lý đến 31/12/2018 tăng 4,9% so với cùng kỳ của năm 2017 và bằng 8% số thực thu NSNN năm 2018, không đạt mức phấn đấu dưới 5% theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2018 của Chính phủ, trong đó 49/63 địa phương không đạt mức phấn đấu.
Việc quản lý thu NSNN tại một số cơ quan Thuế, Hải quan còn thiếu chặt chẽ; miễn giảm tiền thuê đất, ưu đãi thuế không đảm bảo điều kiện quy định; kết quả thanh tra, kiểm tra thuế còn một số hạn chế; việc quản lý tiền thuê đất, tiền sử dụng đất và khai thác khoáng sản còn chưa kịp thời, đầy đủ theo quy định.
Chi thường xuyên vẫn duy trì ở mức cao
Về chi NSNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, dự toán chi NSNN 1.523.200 tỷ đồng, quyết toán 1.435.435 tỷ đồng (bằng 94,2% dự toán giao). Trong đó: Quyết toán chi đầu tư phát triển bằng 27,4% tổng chi NSNN; Quyết toán chi thường xuyên giảm 4,4% so với dự toán bằng 64,9% tổng số chi NSNN, vẫn duy trì ở mức cao và cao hơn mục tiêu Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020 (dưới 64% tổng chi NSNN).
Kết quả kiểm toán cho thấy: Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao chi tiết kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2018 nguồn NSNN 05 lần sau ngày 20/12/2017; bố trí kế hoạch vốn cho một số dự án chưa đúng đối tượng, thứ tự ưu tiên; giao vốn dự phòng NSTW hỗ trợ cho một số dự án chưa phù hợp quy định tại điểm a, b khoản 2 Điều 10 Luật NSNN. Giao kế hoạch vốn ngoài nước cho 04 Dự án đường cao tốc do Tổng công ty Đầu tư và phát triển đường cao tốc làm chủ đầu tư không đúng Nghị quyết số 07-NQ/TW ngày 18/11/2016 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 của Quốc hội.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa chi tiết danh mục ngay từ đầu năm; phân bổ thiếu căn cứ hoặc chưa sát thực tế, chưa đủ điều kiện, không có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; bố trí vốn còn dàn trải và ứng trước kế hoạch vốn sai quy định; 15/45 địa phương ứng trước dự toán ngân sách Trung ương (NSTW) nhưng chưa bố trí để thu hồi, còn 34/45 địa phương được kiểm toán có số tạm ứng quá hạn chưa thu hồi; tạm ứng sai quy định; ngân sách địa phương tạm ứng từ NSTW kéo dài, quá thời hạn nhưng chưa thu hồi.
Bộ Tài chính tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017 đối với sự nghiệp giáo dục, sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cho các địa phương theo tiêu chí dân số không phù hợp, dẫn đến xác định số bổ sung cân đối năm đầu thời kỳ ổn định từ NSTW cho các địa phương trên cơ sở trên cơ sở quỹ lương không đảm bảo tính công bằng, khách quan (không có hướng dẫn chi tiết phương pháp xác định quỹ lương thay thế cho tiêu chí dân số); xác định lương cho giáo viên mầm non được các địa phương hợp đồng trong cơ cấu chi thường xuyên để xác định số bổ sung cân đối của NSTW cho một số địa phương không thuộc tiêu chí bổ sung theo quy định, không phù hợp với nguyên tắc hỗ trợ và không đảm bảo tính thống nhất trong xác định bổ sung cân đối cho các địa phương.
Còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án BOT, BT
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cũng chỉ rõ còn nhiều sai sót, tồn tại trong quản lý chi đầu tư từ khâu thẩm định, phê duyệt chủ trương, quyết định đầu tư dự án; tổ chức đấu thầu, thực hiện dự án; nghiệm thu, thanh và quyết toán...
Ngoài ra, qua kiểm toán 11 dự án BOT và 28 dự án BT tại các địa phương cho thấy còn hạn chế trong cơ chế, chính sách và quản lý đối với các dự án này, nổi bật là: Cho phép lập dự án BOT trước khi Chính phủ chấp thuận chủ trương dự án; không thực hiện quy trình lập, phê duyệt và công bố danh mục dự án, không tổ chức đấu thầu rộng rãi để lựa chọn nhà đầu tư và hầu hết chỉ định nhà thầu thi công; công tác thu xếp vốn tín dụng của Nhà đầu tư chưa đảm bảo quy định hợp đồng BOT hoặc chưa đảm bảo tiến độ thực hiện dự án; hầu hết các dự án BT và các dự án đối ứng đều chậm tiến độ so với hợp đồng; giao đất cho Nhà đầu tư thanh toán dự án chưa phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án đối ứng không qua đấu giá theo quy định của Luật Đất đai 2013; xác định đơn giá đất chưa phù hợp; xác định giá đất để giao cho nhà đầu tư tại một số dự án còn tồn tại, bất cập.
Công tác sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi còn tồn tại như: Việc đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn gặp những ràng buộc bất lợi; đăng ký nhu cầu vốn vượt khả năng thực hiện; nhiều dự án có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí không có khả năng giải ngân; điều chỉnh dự án có tiêu chí dự án quan trọng quốc gia khi chưa báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo và báo cáo Quốc hội; hầu hết các Bộ, ngành địa phương chậm hoặc không báo cáo tình hình tiếp nhận và sử dụng vốn ODA...
Đặc biệt, qua kiểm toán đối với các dự án sử dụng nguồn vốn Tập đoàn, Tổng công ty đối với Dự án Nhà máy sản xuất phân đạm từ than cám công suất 1.760 tấn ure/ngày (560.000 tấn ure/năm) và nhà máy sản xuất Ethanol Bình Phước còn cho thấy nhiều sai phạm, KTNN đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Tỷ lệ thực hiện dự toán chi của một số lĩnh vực thuộc NSTW đạt thấp; còn tình trạng chi không đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức; giao dự toán và đưa vào quyết toán chi thường xuyên một số nội dung chi đầu tư xây dựng cơ bản; còn 34/45 địa phương được kiểm toán sử dụng sai nguồn; 20/45 địa phương chi hỗ trợ không đúng nhiệm vụ chi theo phân cấp; 17/45 địa phương được kiểm toán báo cáo chưa đầy đủ nguồn cải cách tiền lương được để lại từ nguồn thu học phí, viện phí và thu sự nghiệp khác, nguồn năm trước chuyển sang hoặc xác định vượt nhu cầu cải cách tiền lương; một số đơn vị tại 37/45 địa phương chưa trích lập đủ nguồn cải cách tiền lương theo quy định; 37/45 địa phương chưa hoàn trả NSTW kinh phí bổ sung có mục tiêu và các chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, Bộ Tài chính tổng hợp đưa vào quyết toán NSNN năm 2018 một số khoản chi từ nguồn viện trợ không hoàn lại chưa được cấp có thẩm quyền phân bổ chi tiết cho các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương.
Qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học công lập, các cơ sở y tế công lập giai đoạn 2016-2018 còn vướng mắc, bất cập về cơ chế chính sách và các văn bản hướng dẫn thực hiện; không đồng bộ về quy định pháp lý đối với tổ chức bộ máy nhân sự, cơ chế quản lý tài chính, cơ chế góp vốn, sử dụng tài chính, tài sản công của các trường đại học công lập và hầu hết các Bệnh viện chưa được quyền chủ động trong công tác tuyển dụng, phê duyệt vị trí việc làm, cơ cấu tổ chức; tình trạng thu vượt trần học phí, thu vượt, thu sai viện phí và thu các khoản chưa có trong quy định diễn ra khá phổ biến.
Nợ công bằng 58,3% GDP
Theo người đứng đầu Kiểm toán nhà nước, về bội chi NSNN và kết dư NSĐP, theo Báo cáo quyết toán NSNN năm 2018 Chính phủ trình Quốc hội, Bội chi NSNN bằng 2,8% GDP thực hiện, kết dư NSĐP bằng 46,8% tổng số bổ sung từ NSTW cho NSĐP, trong đó 47/47 địa phương được bổ sung cân đối đều có kết dư NSĐP bằng 14,4% số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP.
Về nợ công, dư nợ công đến 31/12/2018 bằng 58,3% GDP thực hiện; nợ Chính phủ bằng 49,9% GDP thực hiện. Dư nợ công năm 2018 tiếp tục gia tăng tương đương 5,18% so với năm 2017. Nợ công tăng dẫn đến áp lực về nghĩa vụ nợ ngày càng cao đối với NSNN. Bên cạnh đó, còn tồn đọng một số dự án vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh sử dụng vốn không hiệu quả, không trả nợ đúng hạn, để quá hạn, phải khoanh nợ; năm 2018 còn phải ứng Quỹ tích lũy trả nợ để trả nợ cho 02 dự án Chính phủ.
Đề nghị các địa phương, đơn vị, đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời kết luận, kiến nghị của KTNN
Trên cơ sở kết quả kiểm toán, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị của KTNN.
Báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội, Quốc hội phân bổ nguồn tăng thu vốn viện trợ không hoàn lại chi thường xuyên năm 2018; điều chỉnh dự toán để quyết toán một số khoản chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn dự toán chi thường xuyên thuộc nguồn kinh phí đảm bảo hoạt động của ngành trong giai đoạn 2016-2018.
KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiểm tra, rà soát để xử lý theo quy định đối với các dự án nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn nguồn NSNN giai đoạn 2016-2020 nhưng không thuộc đối tượng, phạm vi của các Chương trình mục tiêu 790 tỷ đồng, gồm: Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các vùng giai đoạn 2016-2020; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch giai đoạn 2016-2020; Tiếp tục báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý dứt điểm việc chuyển đổi 04 dự án của VEC từ hình thức cho vay lại sang hình thức Nhà nước đầu tư trực tiếp.
KTNN đề nghị Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2018; ban hành Nghị quyết chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị hợp lý của KTNN, trong đó: Hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản (01 Luật, 01 Nghị quyết của Quốc hội, 13 Nghị định, 34 Thông tư và 149 văn bản khác)./.
Phương Vân