Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP): Cần thiết phải có sự tham gia của KTNN để kiểm tra các dự án PPP

28/05/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 28/5/2020, tại Hà Nội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể trực tuyến, cho ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là quy định về kiểm toán các dự án PPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP

Thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP khi chuyển giao cho Nhà nước

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP). Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, ý kiến các cơ quan của Quốc hội và các báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu và chỉnh lý một số nội dung chủ yếu của dự án Luật như: Áp dụng luật và điều ước quốc tế; lĩnh vực đầu tư dự án PPP; quy mô đầu tư dự án PPP; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP; điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án PPP...

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, về hoạt động kiểm toán Nhà nước trong đầu tư theo phương thức PPP (Điều 87), một số ý kiến cho rằng Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ kiểm toán tài sản công, tài chính công trong dự án PPP, không kiểm toán vốn đầu tư tư nhân trong dự án. Một số ý kiến khác cho rằng dự án PPP bản chất là đầu tư công nên phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. Có ý kiến đề nghị cần cân nhắc kỹ thời điểm nào, giai đoạn nào thực hiện kiểm toán dự án PPP, tránh gây khó khăn trong hoạt động của dự án; đề nghị nghiên cứu việc kiểm toán khi dự án đã tiến hành vận hành, khai thác ổn định từ 2 - 3 năm trên cơ sở xem xét các chỉ số chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoạt động sản xuất kinh doanh để đánh giá tính kinh tế và hiệu quả kinh tế của dự án.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng: Bản chất dự án PPP là nhằm mục tiêu công nhưng có sự kết hợp công - tư trong đầu tư vốn, quản trị dự án. Dự án đã trải qua quá trình lựa chọn nhà đầu tư với nhiều quy trình, thủ tục chặt chẽ. Cơ chế, chính sách pháp luật vừa phải bảo đảm chất lượng dịch vụ công nhưng đồng thời phải tạo điều kiện thu hút, huy động tối đa nguồn vốn từ khu vực tư nhân đầu tư vào các dự án PPP.

Hiến pháp và pháp luật về KTNN quy định: KTNN chỉ thực hiện kiểm toán tài chính công, tài sản công. Do đó, nếu quy định khó thu hút, huy động được nguồn vốn từ khu vực tư nhân cho sự phát triển. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao quốc tế, đối với tài liệu liên quan của bên đối tác tư nhân, KTNN chỉ được tiếp cận nếu các bên có thỏa thuận trong hợp đồng dự án PPP mà không đương nhiên có quyền tiếp cận như đối với tài liệu của bên đối tác là khu vực công.
 

Quang cảnh phiên họp

Với các lý do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, sửa đổi, bổ sung quy định về hoạt động của KTNN trong dự thảo Luật theo hướng: Kiểm toán tuân thủ về quá trình chuẩn bị dự án, kết quả lựa chọn nhà đầu tư đối với dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công; Kiểm toán việc sử dụng vốn nhà nước để bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ xây dựng công trình tạm (nếu có) quy định tại Điều 74 của dự Luật; hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng khi tách thành một dự án thành phần quy định tại điểm a khoản 5 Điều 72 của dự Luật; sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT quy định tại khoản 3 Điều 45 của dự Luật; Kiểm toán hoạt động để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trên cơ sở các chỉ số đánh giá chất lượng sản phẩm, dịch vụ của dự án PPP có sử dụng tài chính công, tài sản công sau thời gian vận hành, khai thác tối thiểu 03 năm; khi chuyển giao cho Nhà nước, thực hiện kiểm toán toàn bộ giá trị tài sản của dự án PPP.

Cần thiết phải có sự tham gia của KTNN để kiểm tra các dự án PPP

Sau khi nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo hình thức PPP, đã có 38 đại biểu đăng ký phát biểu ngay từ đầu phiên thảo luận.

Dẫn chứng sự việc Công ty Tenma Việt Nam bị nghi hối lộ, công chức, vẫn đang bị ráo riết điều tra, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) khẳng định sự cần thiết phải có sự tham gia của KTNN để kiểm tra các dự án. “Phải xác định PPP là dự án đầu tư công nên phải tuân thủ kiểm toán theo đúng quy định của Luật Kiểm toán hiện hành” - Đại biểu tỉnh Quảng Bình nói.

Theo đại biểu, Dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư chưa đề cập toàn diện về chức năng nhiệm vụ của KTNN, trách nhiệm và nghĩa vụ các Bên tham gia dự án. Các dự án đầu tư theo hình thức PPP chưa được KTNN kiểm toán, đánh giá tuân thủ về tính kinh tế, hiệu quả hiệu lực của dự án một cách đầy đủ. Về các tài sản hình thành từ dự án, đây là tài sản công, việc quản lý sử dụng tài sản này phải là đối tượng kiểm toán của KTNN.

Đồng quan điểm, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, dự án PPP bản chất là đầu tư công vì dự án PPP do Nhà nước chủ trì đứng ra. Dự án được lập dựa trên kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước, do Nhà nước thiếu vốn nên cần hợp tác. Bởi vậy, phải kiểm toán toàn bộ, kể cả phần đầu tư từ nguồn vốn tư nhân. “Việc kiểm toán toàn bộ sẽ là căn cứ để Nhà nước “trả nợ” trong trường hợp liên quan đến trách nhiệm của Nhà nước khi phải hoàn tiền lại cho nhà đầu tư. Đồng thời, việc kiểm toán cũng để Nhà nước tránh được những dự án thua lỗ nghìn tỷ, thậm chí là hàng chục nghìn tỷ như đã từng xảy ra” - Đại biểu Phương nói.

Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), bản chất dự án PPP là hoạt động đầu tư của Nhà nước để thu hút nguồn lực đầu tư. Do đó, nếu không kiểm toán chi phí đầu tư, toàn diện PPP thì không xác định được mức thu phí, thời gian thu phí, giá đất để thanh toán cho nhà đầu tư. Vì vậy, Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền đề nghị Kiểm toán nhà nước toàn diện hợp đồng đầu tư PPP.

Tranh luận tại nghị trường, đại biểu Đỗ Văn Sinh (Quảng Trị) nêu ý kiến, trong quá trình bắt đầu triển khai dự án tới khi vận hành dự án thì có cả vốn Nhà nước, vốn tư nhân. Chỉ khi nào hết quá trình vận hành nhà đầu tư chuyển giao dự án cho Nhà nước thì lúc đó mới là đầu tư công. Vì vậy, yêu cầu kiểm toán toàn diện là không hợp lý, bởi có những dự án nhà đầu tư chỉ yêu cầu Nhà nước hỗ trợ phần giao đất, hỗ trợ mặt bằng, thì phần đấy là tài sản công; Còn toàn bộ phần vốn của nhà đầu tư họ đầu tư vào thì chỉ có thể kiểm soát giá trị đầu ra, sản phẩm chất lượng đầu ra.

Đại biểu tỉnh Quảng Trị cho rằng, có 3 nội dung phải kiểm toán toàn diện tất cả các dự án, gồm: Toàn bộ quá trình lập, thẩm định, phê duyệt đấu thầu; toàn bộ về đánh giá chất lượng sản phẩm dịch vụ đầu ra cho xã hội; toàn bộ giá trị tài sản khi nhà đầu tư chuyển giao cho Nhà nước.
 
Đại biểu Đặng Thế Vinh phát biểu tại Hội trường

Phát biểu thảo luận, đại biểu Đặng Thế Vinh (Hậu Giang) cho rằng một dự án thực hiện 4 cuộc kiểm toán là quá nhiều và gây bất cập. Theo đại biểu, nếu thực hiện kiểm toán ngay khi bắt đầu triển khai dự án về việc tuân thủ lựa chọn nhà đầu tư thì quá sớm. "Kiểm toán ban đầu cũng không phải là chứng chỉ để sau này không phải kiểm toán nữa” – ông Đặng Thế Vinh nói.

Kết luận Phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, sau thời gian thảo luận thẳng thắn, tập trung vào các vấn đề cần làm rõ, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với nhiều nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Đối với các nội dung còn ý kiến khác nhau, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiên cứu, cân nhắc kỹ và gửi xin ý kiến các đại biểu Quốc hội. Đề nghị Cơ quan soạn thảo, Cơ quan thẩm tra tiếp thu tối đa các ý kiến thảo luận, hoàn thiện Dự án Luật trình các đại biểu Quốc hội xem xét thông qua./.

M. Thúy

Xem thêm »