(sav.gov.vn) - Ngày 28/8/2020, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính, Ngân sách phối hợp với Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan hữu quan đã tổ chức cuộc họp tiếp thu ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Dự cuộc họp, về phía KTNN có GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cùng bộ phận tham mưu xây dựng Chiến lược.
Tại cuộc họp, đại diện bộ phận tham mưu xây dựng Chiến lược của KTNN cho biết: Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) có ý nghĩa quan trọng và cấp bách, tạo cơ sở pháp lý cho KTNN hoạch định các kế hoạch dài hạn, trung hạn và hàng năm, quyết định sự phát triển của ngành KTNN trong 10 năm tới. Trước đó, tại phiên họp thứ 47, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí thông qua Nghị quyết ban hành Chiến lược. Đến nay Chiến lược đã được hoàn thiện thêm một bước trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cụ thể, bộ phận soạn thảo đã tiến hành rà soát, chỉnh lý dự thảo Chiến lược bảo đảm bố cục ngắn gọn, nội dung rõ ràng, dễ hiểu, hợp lý, chặt chẽ và tránh trùng lặp; đã lồng ghép nội dung về sứ mệnh, tầm nhìn, giá trị cốt lõi trong mục quan điểm phát triển; bổ sung nội dung “Kiểm toán nhà nước phải góp phần nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính công, tài sản công nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030” trong phần mục tiêu tổng quát. Ngoài ra, Chiến lược được chia thành 02 giai đoạn: 2021-2025 và 2026-2030 với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo từng giai đoạn. Giai đoạn 2026 -203, KTNN sẽ phấn đấu kiểm toán hàng năm đối với báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các bộ, cơ quan trung ương và quyết toán ngân sách các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong Chiến lược thống nhất việc nâng cấp Ban tài chính thành Vụ Tài chính, nâng cấp Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán thành Học viện Kiểm toán; việc nâng cấp cụ thể cần tuân thủ các quy định hiện hành và khi được cấp có thẩm quyền cho phép; biên chế của KTNN đến năm 2030 là không quá 2700 người; việc tăng biên chế ở mỗi giai đoạn phải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể…
Về tổng thể, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 gồm 07 nội dung: Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; Phát triển hệ thống tổ chức bộ máy; Phát triển nguồn nhân lực; Nâng cao chất lượng kiểm toán; Hội nhập và hợp tác quốc tế; Phát triển cơ sở vật chất, thông tin tuyên truyền và nghiên cứu khoa học; Phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.
Tán thành với dự thảo Chiến lược đã được KTNN chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tại cuộc họp các đại biểu đã đóng góp thêm một số ý kiến để ban tham mưu xây dựng Chiến lược của KTNN nghiên cứu, rà soát, gọt rũa thêm về mặt câu chữ, kỹ thuật văn bản; phối hợp với các bên hoàn thiện dự thảo Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký phát hành.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Bùi Đặng Dũng đánh giá cao công tác chuẩn bị, sự nỗ lực của ban tham mưu xây dựng Chiến lược cũng như quá trình phối hợp chặt chẽ của các cơ quan hữu quan. Trên cơ sở ý kiến tham gia tại cuộc họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đề nghị KTNN tiếp tục rà soát, tiếp thu ý kiến góp ý của các bên để hoàn thiện dự thảo. Ủy ban Tài chính ngân sách sẽ có báo cáo tổng hợp tiếp thu ý kiến góp ý gửi kèm dự thảo Nghị quyết ban hành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) để xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội trước khi trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.
Hà Linh