Kiểm toán nhà nước báo cáo công tác năm 2020 và dự kiến kế hoạch kiểm toán năm 2021

08/09/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 08/9/2020, tại nhà Quốc hội, Ủy ban Tài chính – Ngân sách (TC-NS) của Quốc hội đã có buổi làm việc với Kiểm toán nhà nước (KTNN) về Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2020 của KTNN và Báo cáo dự kiến kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 của KTNN. Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Bùi Đặng Dũng chủ trì buổi làm việc. Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa tham dự buổi làm việc.

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu tại cuộc họp

Buổi làm việc có sự tham dự của các Phó Chủ nhiệm, Ủy viên Thường trực Ủy ban TC-NS; đại diện: Ủy ban các vấn đề xã hội, Thanh tra Chính phủ, Kho bạc Nhà nước và Thanh tra Bộ Tài chính.
 
Cơ bản hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2020 của KTNN

Trình bày dự thảo báo cáo tóm tắt của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2020 của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết: Mặc dù trong những tháng đầu năm, tình hình quốc tế và trong nước có những biến động phức tạp do tác động của đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh tế - xã hội toàn cầu và công tác kiểm toán. Song với tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, KTNN đã cơ bản hoàn thành toàn diện Kế hoạch công tác năm 2020 của KTNN.

Năm 2020 ghi nhận những kết quả nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, góp phần quan trọng siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý và sử dụng tài chính, tài sản công. Theo Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2020, KTNN thực hiện kiểm toán 164 cuộc kiểm toán (bao gồm 158 cuộc kiểm toán được lập từ đầu năm và bổ sung 06 cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ và đề nghị của các đơn vị có liên quan). Trong điều kiện của dịch bệnh Covid-19, với các giải pháp tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động kiểm toán quyết liệt và đồng bộ, cùng sự nỗ lực, quyết tâm cao của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, Kiểm toán viên, đến 20/8/2020, KTNN đã triển khai 117/164 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 76/117 cuộc kiểm toán (đạt 65% số cuộc đã triển khai), phát hành 84 BCKT. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, phát hành BCKT theo đúng quy định của Luật KTNN. Dự kiến đến 30/11/2020 KTNN sẽ hoàn thành tất cả các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước 31/01/2021.

Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 20/8/2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 21 nghìn tỷ đồng, cung cấp 93 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.

Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đến 20/8/2020, KTNN ban hành 23/23 kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 cho 23 đơn vị trong Ngành; các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 45.383 tỷ đồng, đạt 55,9% (cao hơn 2,5% so với cùng kỳ năm 2019).

Nổi bật trong năm, công tác xây dựng, lấy ý kiến và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được KTNN chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, nhận được sự đánh giá cao của các cơ quan hữu quan, các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đến thời điểm này, Chiến lược đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua, làm cơ sở pháp lý quan trọng cho quá trình phát triển trong giai đoạn mới của KTNN.

Đặc biệt, trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp, cả nước phải thực hiện cách ly, giãn cách xã hội trong thời gian dài, song KTNN đã có những giải pháp đồng bộ, kịp thời trong triển khai nhiệm vụ. Trong đó, Ban Cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị trong toàn Ngành điều chỉnh KHKT để vừa đảm bảo hoàn thành toàn diện KHKT năm 2020, đồng thời giảm thiểu ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến hoạt động phòng, chống dịch của đơn vị được kiểm toán và không thực hiện đối chiếu thuế để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Trong công tác: Xây dựng và phổ biến pháp luật, tổ chức cán bộ và đào tạo, hợp tác quốc tế, công nghệ thông tin, nghiên cứu khoa học và thông tin khoa học, công nghệ thông tin… KTNN cũng đã có nhiều kết quả quan trọng, góp phần vào kết quả hoạt động chung của KTNN năm 2020.

Cơ bản nhất trí với Báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của KTNN, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách (UB TC-NS) khẳng định năm 2020, KTNN đã đạt được nhiều kết kết quả quan trọng, thể hiện trên một số mặt: Triển khai thực hiện các nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước; Công tác tổ chức hoạt động kiểm toán tiếp tục đổi mới, đảm bảo khoa học, chặt chẽ, phù hợp với thực tiễn, ứng dụng công nghệ thông tin, xác định  rủi ro trọng yếu khi lập KHKT, cắt giảm số cuộc kiểm toán, quy mô, rút ngắn thời gian kiểm toán để tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán; Chủ động điều chỉnh kế hoạch và chia sẻ với các đơn vị được kiểm toán trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19… Đặc biệt, công tác phòng, chống tham nhũng trong hoạt động kiểm toán và trong nội bộ KTNN đạt được nhiều kết quả tích cực, quan tâm chuyển hồ sơ một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định…

Tiểu ban cũng lưu ý KTNN cần bổ sung một số nội dung liên quan đến: Việc thực hiện kế hoạch kiểm toán; Kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN; Công tác giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp cán bộ Kiểm toán viên…

Phát biểu tại buổi làm việc, các ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với các nội dung báo cáo và đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2020 của KTNN. Các đại  biểu cũng đề nghị KTNN tập trung phân tích, làm rõ hơn các nguyên nhân khách quan và chủ quan về tình trạng tỷ lệ thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN còn chưa cao; việc thực hiện toàn diện KHKT năm 2020 từ nay đến cuối năm; đánh giá về tình hình thực hiện thực hành tiết kiệm và giải ngân đầu tư công cũng như dự kiến đầu tư công của KTNN trong giai đoạn tới…
 
Đại diện Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội phát biểu ý kiến

 Dự kiến KHKT 2021: Thực hiện kiểm toán các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm

Trình bày về dự kiến Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 của KTNN, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa cho biết, KHKT 2021 được xây dựng trên cơ sở 4 định hướng chính:

Ưu tiên lựa chọn kiểm toán tại các đơn vị quản lý tài chính tổng hợp ở Trung ương và địa phương để đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư trong cả giai đoạn 2015-2020. 

Tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán NSNN hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.

Lựa chọn kiểm toán đối với một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành nhằm đánh giá toàn diện việc hiện hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Chủ động bố trí nhân lực và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Luật Kiểm toán nhà nước.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2021, KTNN cũng xác định 9 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của Ngành một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán, nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán: Triển khai thực hiện và khẩn trương đưa vào ứng dụng các phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán theo lĩnh vực và các phần mềm phục vụ quản lý, kiểm soát hoạt động kiểm toán.

Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ để rà soát, kiểm tra và có giải pháp nhằm tránh trùng lặp, chồng chéo giữa hoạt động của KTNN và hoạt động của cơ quan thanh tra các cấp; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán và lồng ghép các đoàn, nội dung kiểm toán hợp lý, hiệu quả tại các đơn vị, đầu mối (Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương) có triển khai nhiều Đoàn kiểm toán trong năm 2020 để giảm thiểu tác động và ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán đến các hoạt động thường xuyên của đơn vị (đặc biệt là các đơn vị tuyến đầu chống dịch Covid - 19).

Trao đổi về dự kiến KHKT năm 2021của KTNN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Hoàng Quang Hàm nói: “Dự kiến KHKT 2021 đã bám sát mục tiêu, nhiệm vụ quản lý tài chính, tài sản công theo các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về kinh tế-xã hội năm 2020 nói riêng và giai đoạn 2016-2020 nói chung. Mục tiêu, nội dung kiểm toán chủ yếu đối với từng lĩnh vực khá phù hợp, đảm bảo từng bước thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua”.

Ủy ban TC-NS cũng đánh giá cao việc xây dựng KHKT năm 2021 đã hướng tới tăng cường kiểm toán hoạt động, dự kiến nhiều cuộc kiểm toán chuyên đề trên diện rộng để đánh giá toàn diện việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; thí điểm thực hiện kiểm toán một số nội dung mới; ưu tiên kiểm toán việc thực hiện chính sách tài chính để ứng phó với ảnh hưởng của dịch Covid-19…
 
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Bùi Đặng Dũng phát biểu kết luận cuộc họp

Phát biểu tại buổi làm việc, các ý kiến cơ bản nhất trí và đánh giá cao với dự kiến KHKT năm 2021. Một số ý kiến cũng trao đổi thêm về một số vấn đề: Công tác phối hợp giữa Thanh tra, Kiểm toán, các giải pháp tránh chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; việc công khai minh bạch kết quả kiểm toán cũng như việc thực hiện kiểm tra kiến nghị thực hiện kết quả kiểm toán… Có ý kiến cũng cho rằng để thực hiện thành công KHKT năm 2021, đặc biệt là các cuộc kiểm toán hoạt động, KTNN cần chú trọng thực hiện các khâu từ khâu lập Kế hoạch kiểm toán đến giai đoạn lập và phát hành Báo cáo kiểm toán, trong đó cần có nguồn nhân sự đáp ứng được kiến thức về lĩnh vực chuyên sâu, lựa chọn chủ đề bám sát vào nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước….

Phát biểu làm rõ về các nội dung các đại biểu quan tâm tại cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, KTNN trân trọng tiếp thu ý kiến góp ý của các đại biểu để hoàn thiện các Báo cáo. Trong tháng 9/2020, KTNN sẽ triển khai toàn diện các cuộc kiểm toán còn lại trong KHKT năm 2020 và kết thúc vào 30/11, Báo cáo kiểm toán được phát hành trước 31/12/2020. Một số cuộc kiểm toán được giao đột xuất trong năm, KTNN cũng phấn đấu hoàn thành trong năm 2020 và phát hành BCKT trong năm 2021. Về vấn đề trùng lặp giữa Thanh tra, Kiểm toán. Thời gian qua, KTNN và TTCP đã có sự phối hợp chặt chẽ, không có vướng mắc trong triển khai nhiệm vụ.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban TC-NS Bùi Đặng Dũng đánh giá cao những kết quả của KTNN đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2020. Phó chủ nhiệm Ủy ban TC-NS đề nghị KTNN nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện Báo cáo của Tổng Kiểm toán nhà nước về công tác năm 2020 của KTNN và Báo cáo dự kiến KHKT năm 2021 của KTNN trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội./.

Phương Vân

Xem thêm »