Nhiệm kỳ 2016-2021: KTNN kiến nghị xử lý tài chính gần 354 nghìn tỷ đồng

25/03/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 (sav.govvn) - Tiếp tục chương trình làm việc Lỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, sáng 25/03/2021, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội nghe báo cáo công tác và Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016 -2021 của Kiểm toán nhà nước (KTNN).

Toàn cảnh phiên họp

Thực hiện kế hoạch kiểm toán với nhiều kết quả nổi bật

Trình bày báo cáo tóm tắt hoạt động của KTNN nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, giai đoạn 2016 - 2021, Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành hoạt động kiểm toán của KTNN được thực hiện với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt và sát hợp, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực hoạt động kiểm toán. Việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng Kiểm toán nhà nước trong cả giai đoạn 2016-2021 được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục; kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình thực hiện kiểm toán; tăng cường kiểm tra, giám sát các đoàn kiểm toán trong suốt quá trình kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm toán.

Công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán có nhiều đổi mới cả về nội dung và cách thức tổ chức thực hiện, chất lượng ngày càng được nâng cao, bám sát các định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm, các vấn đề có rủi ro cao về quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công theo hướng ngày càng khoa học, minh bạch và công khai...
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc báo cáo tóm tắt hoạt động KTNN giai đoạn 2016-2021

Trong nhiệm kỳ, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý; cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan Nhà nước khác có thẩm quyền; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Nhiệm kỳ 2016-2021, số kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN đã được các đơn vị thực hiện là 237.578 tỷ đồng, đạt 73,6% tổng số kiến nghị; có 136/786 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN.

Giai đoạn 2016-2021, KTNN luôn quan tâm đến công tác xây dựng và hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN. Ngay từ năm 2016, để triển khai thi hành Luật KTNN năm 2015, thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, KTNN đã ban hành Kế hoạch xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến hoạt động của KTNN. Kết quả, đã ban hành 32 văn bản quy phạm pháp luật và 57 văn bản quản lý nội bộ, trong đó đã xây dựng và ban hành mới hệ thống 39 Chuẩn mực KTNN theo chuẩn quốc tế ISSAI phù hợp với đặc thù của Việt Nam.

Trong nhiệm kỳ, KTNN đã hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy, được tổ chức theo mô hình tập trung thống nhất với chức năng, nhiệm vụ được phân công rõ ràng, khoa học gồm 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương. Đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được hoàn thiện cả về số lượng, cơ cấu, có năng lực, trình độ phù hợp để thực hiện nhiệm vụ. Đến nay, biên chế công chức của KTNN được UBTVQH giao ổn định từ năm 2013 là 1.974 công chức và 135 viên chức.

Hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế của KTNN không ngừng được mở rộng, tăng cường về chiều sâu, thiết thực và có hiệu quả; vai trò, vị thế của KTNN trong cộng đồng kiểm toán tối cao khu vực và thế giới ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong khuôn khổ ASOSAI, KTNN Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 tại Hà Nội, theo đó KTNN là thành viên Ban Điều hành ASOSAI giai đoạn 2015-2024 và Chủ tịch ASOSAI giai đoạn 2018-2021.

KTNN luôn xác định ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán là rất quan trọng. Từ năm 2018, KTNN đã tổ chức thực hiện số hóa toàn bộ hồ sơ kiểm toán, đến nay đã số hóa được hơn 7 triệu trang tài liệu các loại để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác thông tin phục vụ công tác kiểm toán.

Trong nhiệm kỳ, KTNN đã hoàn thiện việc xây dựng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và được UBTVQH phê duyệt với Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020, đã góp phần hoàn thiện và nâng cao hiệu lực hoạt động của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho hoạt động của KTNN.

Báo cáo của KTNN cũng đã xác định những phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới: Tiếp tục rà soát hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN để cụ thể hóa Hiến pháp, Luật KTNN và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật KTNN; Quyết liệt đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán nhằm nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán; Tiếp tục rà soát, củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, phát triển nguồn nhân lực KTNN theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Mở rộng hợp tác quốc tế cả chiều rộng và chiều sâu; Phát triển cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa KTNN; Nâng cao hiệu quả công tác thông tin, truyền thông; Phát triển công nghệ thông tin và công nghệ cao.
 
Tiếp tục đổi mới khẳng định vị thế
 
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN

Trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá, trong nhiệm kỳ vừa qua, với sự cố gắng, nỗ lực, KTNN đã từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, là công cụ của Nhà nước trong kiểm tra, giám sátviệc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. “Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với những nhận định, đánh giá trong Báo cáo của KTNN, Báo cáo đã thể hiện tương đối đầy đủ kết quả đạt được trong hoạt động của KTNN” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách phát biểu.

Để phát huy tốt hơn những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2016-2021, trong nhiệm kỳ tới, Ủy ban TCNS đề nghị KTNN lưu ý một số vấn đề:

Tiếp tục nghiên cứu đổi mới phương pháp kiểm toán và tổ chức kiểm toán để cung cấp thông tin phục vụ HĐND xem xét, phê chuẩn quyết toán hàng năm. Đồng thời nâng cao chất lượng tham gia ý kiến để Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của quốc gia về tài chính, ngân sách.

KTNN cần báo cáo rõ hơn vướng mắc, nguyên nhân khách quan, chủ quan, đề xuất giải pháp cụ thể để tiếp tục nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị của KTNN. Trường hợp cần thiết cần tổng hợp danh sách các đơn vị không thực hiện hoặc thực hiện chưa đầy đủ, kịp thời kiến nghị kiểm toán, đề xuất phương án xử lý để báo cáo UBTVQH, Quốc hội để xử lý.

Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán đã có bước tiến đáng kể nhưng cần tiếp tục triển khai quyết liệt để rút ngắn thời gian kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.

KTNN cần tiếp tục triển khai để sớm ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNNđặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, quy định để xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm tra đối chiếu, quy định việc truy cập dữ liệu điện tử tại đơn vị kiểm toán....

Về phương hướng, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới của KTNN, Ủy ban TCNS cơ bản nhất trí với đề xuất của KTNN và đề nghị KTNN tập trung thực hiện một số nội dung chính: Đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN;  Sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp; Tiếp tục kế thừa, phát huy các kết quả đạt được trong đổi mới phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu và kiểm toán; Tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán; Đẩy mạnh công khai kết quả kiểm toán theo quy định của Luật KTNN.../.
 
Ngọc Bích
 
 

Xem thêm »