Chú trọng xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2022 và trung hạn 2022-2024

08/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Linh hoạt thích ứng với bối cảnh, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chỉ đạo, trong điều kiện dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tác động xấu đến mọi hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội, thời điểm hiện tại, tổng số cuộc kiểm toán hằng năm trong giai đoạn 2022-2024 sẽ không tăng so với năm 2021 (181 cuộc theo KHKT đầu năm). Theo đó, tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 được KTNN dự kiến là 181 cuộc. Trong đó, tối thiểu 23 cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan T.Ư; 50 cuộc kiểm toán quyết toán NSĐP; 44 cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, CNTT.

Việc xây dựng KHKT năm 2021 và KHKT trung hạn 2022-2024 cần phải gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030

Đảm bảo kế hoạch kiểm toán gắn với lộ trình phát triển KTNN

Theo chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, việc xây dựng Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2021 và KHKT trung hạn 2022-2024 cần phải gắn với lộ trình thực hiện các mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Theo đó, đối với các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách Bộ, cơ quan T.Ư và ngân sách địa phương (NSĐP) đến năm 2025, KTNN sẽ kiểm toán thường xuyên hằng năm khoảng 80%, còn lại 20% kiểm toán tối thiểu 2 năm/lần và đến năm 2030 phấn đấu kiểm toán thường xuyên hằng năm đạt 100%. Đối với các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán môi trường, kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới phấn đấu đến năm 2025 đạt khoảng 30% và đến năm 2030 đạt từ 40% các cuộc kiểm toán trở lên hằng năm. Cùng với đó là định hướng kiểm toán các chủ đề lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN, những vấn đề dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, những vấn đề quan trọng của đất nước, phục vụ tích cực cho các hoạt động của Quốc hội về lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.

Việc “chốt” số cuộc kiểm toán dự kiến năm 2022 khiêm tốn như trên, theo lãnh đạo KTNN là để đảm bảo tính độc lập của KTNN theo quy định của pháp luật, cũng như đảm bảo định hướng Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và KHKT trung hạn 2022-2024. Số lượng này cũng phù hợp với nguồn lực của KTNN; cân đối chung giữa KHKT với kế hoạch công tác, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng của KTNN và nhất là chủ động dự phòng nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao.

Tuy nhiên, Tổng Kiểm toán nhà nước cũng lưu ý, để thực hiện mục tiêu theo lộ trình Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN xác định, hằng năm, tăng số lượng các Bộ, cơ quan T.Ư được kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách. Cụ thể là phấn đấu kiểm toán 55% số đầu mối Bộ, cơ quan T.Ư năm 2022 (tương ứng tối thiểu 23/41 Bộ, cơ quan T.Ư), 65% vào năm 2023 và 75% trong năm 2024. Đồng thời, chuyển dần các cuộc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công hằng năm của các Bộ đa ngành sang các cuộc kiểm toán chuyên đề gắn với chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của các Bộ.

Với các địa phương, KTNN sẽ duy trì ổn định số lượng tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư được kiểm toán quyết toán NSĐP (khoảng 52/63 địa phương, tương ứng 83%). Trong đó, mỗi KTNN khu vực lựa chọn bình quân 2 địa phương/năm để tổ chức thực hiện các cuộc kiểm toán NSĐP toàn diện như hiện nay, đồng thời lựa chọn số địa phương còn lại để kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động.

Theo đó, KTNN sẽ từng bước chuyển dần các cuộc kiểm toán NSĐP sang kiểm toán báo cáo quyết toán NSĐP, kiểm toán chuyên đề gắn với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại địa phương, tập trung đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạt động giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của HĐND các cấp. Đối với các cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động, môi trường, CNTT, KTNN phấn đấu sẽ tăng lên đạt tỷ lệ 21% tổng số cuộc kiểm toán năm 2022 (tương ứng 39/181 cuộc), 24% vào năm 2023 và 27% vào năm 2024.
 
Lựa chọn đúng và trúng chủ đề kiểm toán cho kế hoạch trung hạn

Chỉ đạo, định hướng các chủ đề kiểm toán để xây dựng KHKT trung hạn 2022-2024, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, cần lựa chọn các chủ đề kiểm toán gắn với các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, phục vụ việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn…

Gợi mở những chủ đề kiểm toán cần chú trọng, Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh, cần lựa chọn kiểm toán việc cơ cấu lại NSNN, khu vực công, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Do đó, cần quan tâm kiểm toán việc thực hiện các chính sách thuế; hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế và các khoản thu khác thuộc NSNN (phí, lệ phí; tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước…) theo quy định của Luật Quản lý thuế, Luật NSNN.

Song song với đó, cần lựa chọn kiểm toán việc thực hiện các chính sách gắn với chủ trương cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên; hiệu quả phân bổ, quản lý, sử dụng nguồn lực tài chính NSNN, huy động các nguồn lực xã hội. Đơn cử như kiểm toán việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập trong các lĩnh vực; hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí NSNN ưu tiên đầu tư cho một số lĩnh vực sự nghiệp như giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, môi trường… Một chủ đề kiểm toán quan trọng nữa là việc thực hiện tỷ lệ điều tiết ngân sách các cấp trong thời kỳ ổn định; nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ NSNN giai đoạn 2021-2025; các cơ chế quản lý tài chính, ngân sách đặc thù một số địa phương; Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.

Các đơn vị cũng cần lưu ý lựa chọn chủ đề kiểm toán việc thực hiện Luật Đấu thầu, mua sắm hàng hóa tập trung tại các Bộ, cơ quan T.Ư và địa phương; việc thực hiện quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng NSNN; việc quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách như: Quỹ Bảo hiểm y tế, Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Phát triển DN nhỏ và vừa; một số quỹ tại địa phương như: Quỹ Đầu tư phát triển, Quỹ Phát triển đất…

Bên cạnh chủ đề kiểm toán công tác quản lý nợ công; hiệu quả sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài...; cần lựa chọn kiểm toán 3 chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các chương trình phù hợp với thời kỳ kiểm toán theo KHKT trung hạn 2022-2024, tập trung đánh giá việc triển khai và thực hiện mục tiêu của các chương trình này.

Liên quan đến lĩnh vực kiểm toán các dự án đầu tư, các chủ đề kiểm toán được Tổng Kiểm toán nhà nước gợi ý lựa chọn là các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025. Đáng chú ý như Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Biên Hòa - Vũng Tàu; một số công trình trọng điểm, giao thông liên vùng ở phía Bắc, nhất là ở vùng Tây Bắc; Dự án đầu tư giai đoạn 1 Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Dự án đầu tư, mở rộng các cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng và các khu kinh tế, đô thị lớn ven biển cả nước; hệ thống cảng biển quốc gia, cảng cửa ngõ quốc tế tại các vùng kinh tế trọng điểm; hạ tầng các khu kinh tế ven biển…

Đối với lĩnh vực DN và các tổ chức tài chính - ngân hàng, cần lựa chọn chủ đề kiểm toán Đề án cơ cấu lại DNNN giai đoạn 2021-2025, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước; việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu; việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi.

Ngoài ra, có một số chủ đề kiểm toán cần được quan tâm khác liên quan đến đất đai, môi trường, tài nguyên khoáng sản… Trong đó có các chủ đề về việc quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường quốc doanh; việc quản lý, xử lý môi trường làng nghề; công tác cấp phép, quy hoạch, quản lý đối với tài nguyên khoáng sản…/.
 
Hồng Thoan
(Báo Kiểm toán số 27/2021)

 
 
 

Xem thêm »