Ông Phạm Minh Chính - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026

26/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) –Sáng 26/7/2021, tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, ngay sau Lễ tuyên thệ nhậm chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đọc tờ trình đề cử nhân sự để Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026. Theo đó, Chủ tịch nước giới thiệu ông Phạm Minh Chính - người được bầu giữ chức Thủ tướng nhiệm kỳ 2016-2021 từ tháng 4/2021 để Quốc hội bầu làm Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tuyên thệ nhậm chức

Chiều ngày 26/7/2021, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành bầu Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
 
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử.Theo kết quả biểu quyết, có 484/484 đại biểu Quốc hội, chiếm 96,99% tổng số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng hình thức bỏ phiếu kín.Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bằng hệ thống biểu quyết điện tử,kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 479/479 đại biểu Quốc hội, chiếm 95,99% tổng số đại biểu Quốc hộitham gia biểu quyết tán thành. Với 100% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2016-2021, Đại biểu Quốc hội khóa XV, chính thức được bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026.
 
14h35 cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tuyên thệ nhậm chức. Đứng trước cờ Tổ quốc, trước sự chứng kiến của Quốc hội và các vị Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt tay trái lên bản Hiến pháp, tay phải giơ cao, ông tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi - Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam; nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".

Điều hành lễ tuyên thệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói: "Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam xin ghi nhận lời tuyên thệ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính", đồng thời gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và tặng hoa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Phát biểu sau buổi lễ tuyên thệ nhậm chức, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói: “Tôi xin trân trọng cảm ơn Quốc hội đã tín nhiệm bầu tôi giữ chức vụ Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Tôi nhận thức rằng, đây là vinh dự lớn lao, đồng thời cũng là trách nhiệm hết sức nặng nề trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, trước đồng bào cử tri cả nước”.

Thủ tướng Chính phủ bày tỏ lòng biết ơn vô hạn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới; xin tri ân các bậc lãnh đạo tiền bối, các đồng chí lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh; đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đã làm nên những kỳ tích cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc qua các thời kỳ, để đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. “Tôi xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, sâu sát của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự hỗ trợ, giúp đỡ của Thủ tướng Chính phủ, thành viên Chính phủ tiền nhiệm; chân thành cảm ơn sự đồng hành, giúp đỡ, chia sẻ của các vị đại biểu Quốc hội, của đồng bào chiến sỹ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài; của các nước bạn bè, tổ chức quốc tế đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thời gian qua” – Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh.
 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu sau khi nhận chức

Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những kinh nghiệm quý báu, bài học hay của Chính phủ qua các thời kỳ; xây dựng Chính phủ và chính quyền các cấp đoàn kết, liêm chính; kỷ luật, kỷ cương; tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; năng động, đổi mới sáng tạo; thấm nhuần phương châm đặt lợi ích Quốc gia, Dân tộc lên trên hết, trước hết;dân là gốc và xuất phát từ quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân. Chủ động, tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược, 12 nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và các Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra, trong đó, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm sau:

Nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu hiện nay của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ là tập trung trí tuệ, nguồn lực, các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, nhất là chiến lược vắcxin; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, tinh thần đại đoàn kết dân tộc; kêu gọi sự chung sức, đồng lòng, nâng cao ý thức chấp hành và tinh thần tương thân tương ái,thương người như thể thương thân của Nhân dân để chống dịch thành công; đồng thời, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; tiếp tục xây dựng, đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong điều kiện khó khăn hiện nay.

Đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ then chốt là xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên trong Chính phủ và chính quyền các cấp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Có biện pháp cụ thể để cải cách mạnh mẽ nền hành chính quốc gia, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nhà nước và quản lý xã hội; khuyến khích, tạo môi trường thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp cống hiến, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với nâng cao năng lực cấp dưới; đồng thời tăng cường phối hợp, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực. Phát huy tính chủ động, năng động sáng tạo ở các cấp;xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Có kế hoạch, biện pháp cụ thể để kiên quyết, kiên trì thúc đẩy đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, quan liêu, nhũng nhiễu, hách dịch, xa dân; xa rời mục tiêu, lý tưởng của Đảng.

Tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Trước hết, chủ động phát hiện, tháo gỡ theo thẩm quyền những “rào cản”, “điểm nghẽn” về thể chế, cơ chế, chính sách làm trì trệ các hoạt động của nền kinh tế. Cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trong mọi điều kiện trên cơ sở phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, nội lực là cơ bản, quyết định, tranh thủ ngoại lực là quan trọng, cần thiết; bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh kinh tế, an ninh tài chính tiền tệ. Huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển; đẩy mạnh hợp tác công - tư, sử dụng nguồn lực Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt các nguồn lực ngoài Nhà nước, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước, Nhân dân và doanh nghiệp. Tích cực hơn nữa cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, minh bạch, công bằng, bình đẳng cho các thành phần kinh tế, chủ thể sản xuất kinh doanh và người dân. Tập trung rà soát và đề xuất phương án xử lý kịp thời, hiệu quả những tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, công trình thua lỗ kéo dài; tích cực khắc phục những hạn chế, bất cập và nâng cao chất lượng, hiệu quả đầu tư công.

Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế nông nghiệp, bảo vệ tài nguyên, môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu. Tạo đột phá trong phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ hiện đại nhưng có trọng tâm, trọng điểm; phân bổ nguồn lực, giải quyết hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng phát triển động lực với những vùng còn nhiều khó khăn thách thức, vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo. Xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Phát triển mạnh mẽ giáo dục đào tạo, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; xây dựng và hiện thực hóa chương trình chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm tạo động lực phát triển mới.

Đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội hài hòa với phát triển kinh tế. Phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy truyền thống, lịch sử hào hùng; xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; xác định đây là những nguồn lực quan trọng cho phát triển đất nước. Lấy con người là trung tâm, chủ thể, vừa là mục tiêu cao nhất, vừa là động lực quan trọng nhất của sự phát triển. Tuyệt đối không “hy sinh” tiến bộ, công bằng xã hội, giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Chú trọng chăm lo, nâng cao phúc lợi xã hội,an sinh xã hội, giảm nghèo thực chất, bền vững. Phát huy ưu thế dân số vàng và chủ động thích ứng với xu thế già hoá dân số của đất nước ta.

Tiếp tục củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là an ninh con người. Cụ thể hóa thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Kiên trì giải quyết các tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ, biển đảo bằng biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới.

Kết thúc bài phát biểu nhậm chức, Thủ tướng Chính phủ khẳng định: “Chính phủ và cá nhân tôi nguyện cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà Hiến pháp, pháp luật quy định, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Đồng thời, luôn chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV tin tưởng và mong muốn sẽ luôn nhận được sự giám sát, hỗ trợ và ủng hộ tích cực của cả hệ thống chính trị, của Quốc hội, Chủ tịch nước, các cơ quan Tư pháp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các cơ quan thông tấn báo chí; đồng bào trong và ngoài nước để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoàn thành trọng trách cao cả mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng và giao phó”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sinh ngày 10/12/1958, quê quán ở Thanh Hóa; là Tiến sỹ Luật học, Phó Giáo sư ngành Khoa học An ninh; trình độ lý luận chính trị: Cao cấp. Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII, XIII; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, XIII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Trưởng ban Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Tiểu ban bảo vệ chính trị nội bộ Trung ương khóa XII; Thủ tướng Chính phủ (từ tháng 4/2021); đại biểu Quốc hội khóa XIV, XV; Chủ tịch Nhóm nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản của Quốc hội khóa XIV./.

Khánh Vy
 

Xem thêm »