Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm từ năm 2021-2025

14/10/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 13/10/2021, tiếp tục phiên họp thứ 4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), UBTVQH đã cho ý kiến về “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm từ năm 2021-2025”. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Quang cảnh phiên họp

Đến năm 2030, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ đã trình bày Báo cáo “Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025”. Mục tiêu của Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, gắn với mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, liên kết vùng, liên tỉnh; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn, thống nhất, đồng bộ giữa các địa phương, tạo động lực phát triển mọi mặt. Quy hoạch cần phải giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nhất là nhu cầu đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số và định hướng cho việc mở rộng không gian sử dụng đất thông qua việc khai hoang, lấn biển.

Theo Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, Quy hoạch tiếp cận nguyên tắc bền vững, mọi nhu cầu sử dụng đất để phát triển kinh tế - xã hội dựa trên sự cân bằng và khả năng cung ứng của hệ sinh thái đất đai; bảo vệ, phục hồi đất đai bị suy thoái; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu và được phân kỳ để khai thác, sử dụng hợp lý, bền vững, tiết kiệm, hiệu quả.

Tầm nhìn đến năm 2045, mỗi vùng sẽ được khai thác tiềm năng sử dụng đất tùy vào lợi thế. Cụ thể:

Vùng trung du và miền núi phía Bắc: tập trung khai thác lợi thế về tài nguyên rừng, khoáng sản, kinh tế vùng biên, tiềm năng phát triển du lịch, dịch vụ đi đôi với bảo vệ, khôi phục rừng.

Vùng Đồng bằng sông Hồng: tập trung phát triển công nghiệp và dịch vụ hiện đại, các trung tâm đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh đô thị hóa gắn với phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.

Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung: khai thác và phát triển lợi thế về phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, kinh tế biển và cơ sở hạ tầng đi kèm; đẩy mạnh phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; bảo vệ và phát triển rừng.

Vùng Tây Nguyên: nâng cao hiệu quả diện tích cây công nghiệp đi đôi với phát triển công nghiệp chế biến; củng cố, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái rừng; phát triển năng lượng tái tạo, hệ thống đô thị của vùng, cơ sở hạ tầng giao thông.

Vùng Đông Nam Bộ: nâng cao khả năng kết nối hạ tầng vùng và liên vùng, hình thành trung tâm tài chính mang tầm quốc tế. Phát triển nông nghiệp hàng hóa, sinh thái; bảo vệ nghiêm ngặt rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ ven biển, rừng ngập mặn.

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long: tập trung sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, quy mô lớn; các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp; sử dụng đất linh hoạt thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ sinh thái rừng ngập mặn.
 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà báo cáo trước UBTVQH
 
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 đặt chỉ tiêu đất nông nghiệp 27,73 triệu ha, giảm 251.220ha so với năm 2020, nhiều diện tích chuyển sang đất phi nông nghiệp.Diện tích đất phi nông nghiệp 4,90 triệu ha, tăng 965.370ha so với năm 2020. Trong đó, xây dựng 45 khu kinh tế, 6 khu công nghệ cao; đất đô thị tăng lên 2,95 triệu ha, đáp ứng yêu cầu tỉ lệ đô thị hóa đạt 50%. “Để thực hiện Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, hoàn thiện quy định chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quản lý sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả...” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Đối với Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) được tính toán, phân kỳ trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm; kế hoạch đầu tư công trung hạn; các kịch bản tăng trưởng kinh tế có tính đến độ trễ do tác động của đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu; kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời kỳ trước; nhu cầu sử dụng đất của các Bộ, ngành, lĩnh vực và các địa phương, các định hướng ưu tiên về đầu tư công.

Theo đó, Quy hoạch sẽ bố trí quỹ đất đáp ứng yêu cầu phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ đảm bảo kết nối không gian phát triển liên ngành, liên vùng, các hành lang kinh tế và các vùng động lực phát triển của quốc gia; giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa; đảm bảo độ che phủ rừng ổn định ở mức 42 - 43%.
 
Hạn chế chuyển đổi đất lúa thành khu công nghiệp

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế Quốc hội lưu ý quy hoạch tổng thể quốc gia là cơ sở để lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia nhưng hiện nay "chưa được phê duyệt", Ủy ban đề nghị Chính phủ cần rà soát Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) cấp quốc gia với các quy hoạch có liên quan, đảm bảo sự thống nhất, hạn chế tối đa những chồng chéo, mâu thuẫn. “Đất nông nghiệp để trồng lúa là loại đất đặc biệt, trong khi đất khu công nghiệp thời gian tới sẽ được chuyển đổi từ đất lúa tương đối lớn (48.400ha). Khi đã chuyển đổi sang đất khu công nghiệp thì không thể khôi phục diện tích đất lúa đó, do đó cần rà soát kỹ lưỡng, hạn chế việc sử dụng đất lúa để làm các khu công nghiệp" - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh yêu cầu.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ cân nhắc quan điểm phát triển quỹ đất theo hướng lấn biển trong bối cảnh diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu, nước biển dâng và thiên tai. Bên cạnh đó cần đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội, chi phí và lợi ích, tác động môi trường, quy định tiêu chí và xác định vị trí cụ thể để đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội đi đôi với bảo vệ môi trường.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra trước UBTVQH

Về tờ trình của Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép UBND cấp tỉnh thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện các dự án mà không phải trình Thủ tướng, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tán thành với chủ trương tiếp tục phân cấp cho các địa phương, nhưng theo quan điểm của Ủy ban, đề xuất này là một thay đổi chính sách lớn, cần được tổng kết, đánh giá kỹ lưỡng, bởi nếu không có nguyên tắc quản lý sẽ có nguy cơ bị lạm dụng chính sách. "Trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo tổng kết thi hành để sửa đổi Luật đất đai thì chưa nên đặt vấn đề này trong dự thảo Nghị quyết về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Trường hợp cần thiết, Chính phủ trình Quốc hội xem xét khi tiến hành sửa đổi Luật đất đai", ông Thanh nói. 

Tại phiên họp, đa số thành viên UBTVQH cơ bản thống nhất quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu của Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) của Chính phủ và đề nghị Chính phủ thống nhất mốc thời gian là năm 2050. UBTVQH lưu ý, quy hoạch sử dụng đất phải đi trước một bước, làm cơ sở cho quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh. Do đó, vừa phải cụ thể để triển khai thực hiện được ngay nhưng cũng phải bao quát, có tầm nhìn để tạo không gian phát triển. Đồng thời, phải rà soát, trao đổi thông tin thống nhất với các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế tối đa mâu thuẫn, chồng chéo với quy hoạch ngành, vùng, quy hoạch có liên quan và phù hợp với yêu cầu phát triển của từng vùng, từng ngành, từng địa phương.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đất đai là tài nguyên đặc biệt của quốc gia, là nguồn lực to lớn và quan trọng bậc nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, liên quan đến việc phân bổ dân cư, lao động, phát triển đô thị, kết cấu hạ tầng, môi trường, quốc phòng và an ninh; liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, việc quản lý, sử dụng đất không thể chỉ tính cho hiện tại mà còn phải tính cho cả tương lai; đồng thời, đất đai phải được phân bổ hợp lý với tầm nhìn dài hạn không chỉ 5 năm hay 10 năm mà còn phải xa hơn nữa trong tiến trình phát triển của đất nước. Quy hoạch sử dụng đất quốc gia phải đi trước một bước, làm cơ sở để xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nói chung, quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác, quy hoạch vùng và địa phương, tạo tính liên kết vùng, liên kết tỉnh, bảo đảm được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, bền vững các nguồn lực.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian tới, Quốc hội sẽ chú trọng công tác giám sát đất đai để tránh lãng phí, thất thoát, đồng thời đưa ra những quyết sách để nguồn lực đất đai được sự dụng một cách hiệu quả nhất.

Theo dự kiến nội dung Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ trình bày Tờ trình Quy hoạch sử dụng đất quốc gia để xin ý kiến các Đại biểu Quốc hội trước khi thông qua vào ngày 13/11/2021.

Khánh Vy
 

Xem thêm »