Để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, giải pháp quan trọng và quyết định thuộc về công tác quản lý, giám sát hoạt động kiểm toán. Theo đó, đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động kiểm toán là yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát để tăng cường hiệu quả quản lý hoạt động kiểm toán là yêu cầu cấp thiết được đặt ra
Chú trọng kiểm tra, thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán
3 năm gần đây, hoạt động kiểm tra đối với các đơn vị trực thuộc KTNN được thực hiện như sau: Kiểm soát thông qua các báo cáo định kỳ (tổ chức, nhân sự, tài chính, đào tạo...); kiểm tra theo kế hoạch; kiểm tra quyết toán (thực hiện hằng năm); kiểm tra công tác tổ chức - cán bộ (bình quân 2 năm/1 lần); kiểm tra thực hiện văn bản. Tại các đơn vị trực thuộc, hoạt động kiểm tra, giám sát được thực hiện thường xuyên khi có yêu cầu.
Cùng với kiểm tra, hoạt động thanh tra của KTNN được thực hiện dưới 2 hình thức: Thanh tra theo kế hoạch đã được phê duyệt và thanh tra đột xuất khi phát hiện cơ quan, tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng hoặc do Tổng Kiểm toán Nhà nước yêu cầu. Qua thanh tra, Thanh tra KTNN kiến nghị đơn vị và thủ trưởng đơn vị tổ chức rút kinh nghiệm để khắc phục những hạn chế; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, soát xét chất lượng kiểm toán; nghiên cứu, rà soát các phát hiện thanh tra để bổ sung, điều chỉnh kịp thời, đầy đủ và phù hợp vào biên bản kiểm toán và báo cáo kiểm toán (BCKT)…
Bên cạnh đó, KTNN cũng luôn coi trọng và nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT). Số cuộc kiểm soát trực tiếp và kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành BCKT tương đối ổn định. Số cuộc kiểm soát đột xuất và kiểm soát việc tổ chức KSCLKT của kiểm toán trưởng có xu hướng gia tăng; trong đó, hình thức kiểm soát đột xuất tăng mạnh, bình quân năm sau tăng 50% so với năm trước đó (giai đoạn 2016-2018). Công tác KSCLKT đã từng bước tác động tích cực đến hoạt động kiểm toán; giảm được những thiếu sót, bất cập trong hồ sơ kiểm toán, kế hoạch kiểm toán chính thức, BCKT; việc thu thập, lưu trữ bằng chứng kiểm toán; thực hiện mục tiêu, nội dung của các cuộc kiểm toán; chất lượng kiểm toán ngày càng cao, kỷ luật, kỷ cương được giữ vững.
Tuy vậy, thực tiễn công tác thanh tra, kiểm tra, KSCLKT thời gian qua cũng đã đặt ra một số vấn đề cần được KTNN nghiên cứu, khắc phục, hoàn thiện như: đồng bộ cơ cấu tổ chức bộ máy của KTNN; việc phân định chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị tham mưu trong công tác thanh tra, KSCLKT; phạm vi hoạt động thanh tra của KTNN; xác định và phân cấp rõ nhiệm vụ thanh tra giữa 2 cấp quản lý; nâng cao chất lượng nhân sự thực hiện công tác thanh tra, KSCLKT; phương pháp thanh tra, KSCLKT; cơ chế phối hợp giữa các đơn vị tham mưu trong công tác thanh tra, kiểm tra, KSCLKT; hiệu quả phối hợp giữa nội kiểm và ngoại kiểm...
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin
Để giải quyết được các vấn đề trên, KTNN cần đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, KSCLKT trên cơ sở thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Đối với công tác thanh tra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật KTNN để quy định về hoạt động thanh tra, kiểm tra, chế tài xử lý hành vi vi phạm pháp luật KTNN; hoàn thiện Quy trình thanh tra. Đồng thời, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các đơn vị chuyên trách làm công tác thanh tra, KSCLKT; nâng cao năng lực đội ngũ công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra, KSCLKT. Tổ chức đơn vị đầu mối thanh tra, kiểm tra, KSCLKT tại các KTNN chuyên ngành, khu vực theo hướng: Các KTNN chuyên ngành, khu vực thành lập Phòng Tổng hợp và KSCLKT trên cơ sở Phòng Tổng hợp hiện nay; các đơn vị trực thuộc KTNN không thành lập bộ phận thanh tra, kiểm tra chuyên trách song phải tổ chức bộ phận bán chuyên trách nằm trong Phòng Tổng hợp hoặc Văn phòng đơn vị để thực hiện chức năng thanh tra, kiểm tra trong phạm vi được phân cấp.
Đối với công tác kiểm tra, xây dựng các quy định về hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ và tạo lập kênh thông tin quản lý theo hệ thống dọc; nâng cao trách nhiệm và tăng cường tự kiểm tra của thủ trưởng các đơn vị trực thuộc trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị. Việc kiểm tra của cấp KTNN tại đơn vị trực thuộc được tiến hành theo định kỳ hoặc theo chuyên đề để phục vụ cho hoạt động đánh giá chuyên sâu về quản lý hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất. Hằng năm, khi xây dựng Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện văn bản của KTNN, Vụ Pháp chế cần phối hợp với Thanh tra KTNN, Vụ Chế độ và KSCLKT để lựa chọn các đơn vị kiểm tra trực tiếp, tránh chồng chéo về đối tượng và thời gian kiểm tra với hoạt động thanh tra, KSCLKT.
Đối với công tác KSCLKT, hoàn thiện các quy định của KTNN về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của kiểm toán trưởng, phó kiểm toán trưởng, Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn kiểm toán, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của trưởng đoàn, tổ trưởng kiểm toán và kiểm toán viên nhà nước; cụ thể hóa quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận, từng công chức, viên chức, tăng cường trách nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị và các tổ chức trực thuộc cơ quan KTNN trong hoạt động KSCLKT. Hoàn thiện Quy chế KSCLKT theo hướng xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao giá trị pháp lý, tạo cơ sở cho việc tăng cường KSCLKT và đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên nhà nước. Nội dung Quy chế KSCLKT cần quy định rõ các nguyên tắc, hình thức, nội dung, phương pháp, trình tự KSCLKT; trách nhiệm các chủ thể kiểm soát...
Ngoài ra, KTNN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và công nghệ cao vào hoạt động thanh tra, kiểm tra, KSCLKT để nâng cao chất lượng, hiệu quả của các công tác này./.
Ths. Dương Quang Chính – Chánh Thanh tra, Thanh tra KTNN;
Ths. Nguyễn Thanh Hà- Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ia
(Báo Kiểm toán số 45/2021)