(sav.gov.vn) - Tập trung đổi mới phương pháp kiểm toán, kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu; đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) vào hoạt động kiểm toán để giảm thời gian và nâng cao chất lượng hiệu quả kiểm toán; quyết tâm hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước là những nhiệm vụ trọng tâm được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VII đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2022 được tổ chức vào chiều 14/12/2021 tại Hà Nội. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/2021/Thang%2012/mrs%20dzung%20cn%20vii_20211215154537.jpg)
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc KTNN cùng toàn thể công chức và người lao động KTNN chuyên ngành VII.
Theo Báo cáo Tổng kết công tác năm 2021 và Chương trình công tác năm 2022 do Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Hà Văn Hưng trình bày, năm 2021, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng với phương châm hành động "Đoàn kết, năng động, sáng tạo, siết chặt kỷ luật, kỷ cương và tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT”, KTNN chuyên ngành đã chủ động tập trung chỉ đạo quyết liệt để thực hiện nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao và đạt được những kết quả quan trọng.
KTNN chuyên ngành VII đã hoàn thành 12/12 cuộc kiểm toán được giao, trong đó có 9 cuộc kiểm toán đã được phát hành với kiến nghị xử lý tài chính trên 76 tỷ đồng, 3 cuộc kiểm toán đang tổng hợp dự thảo báo cáo kiểm toán để trình xét duyệt; kiến nghị các cơ quan có liên quan xem xét, nghiên cứu và sửa đổi bổ sung đối với 2 Nghị định; 4 Thông tư hướng dẫn và 20 quy định, quy chế quản lý nội bộ của đơn vị được kiểm toán.
Đặc biệt, KTNN chuyên ngành VII đã tham mưu Ban Cán sự Đảng, Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến một cách chất lượng, có chiều sâu và kịp thời đối với nhiều vấn đề trọng yếu trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng, được Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm như việc xử lý các ngân hàng yếu kém, ngân hàng mua bắt buộc 0 đồng, việc tái cơ cấu và xử lý nợ các tổ chức tín dụng, các cơ chế quản lý tài chính, tín dụng ... trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Đơn vị cũng đã chủ trì và tham mưu cho Tổng Kiểm toán nhà nước tham gia ý kiến về nhiều văn bản, dự thảo các Nghị định, Thông tư của Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đảm bảo chất lượng và kịp thời.
Việc tổ chức thực hiện và kết quả kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán. Trong năm 2021, đơn vị đã thực hiện 5/5 cuộc kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán và đã phát hành 4/5 báo cáo kiểm tra thực hiện kiến nghị. Tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính đạt 95%, trong đó: Kiến nghị tăng nộp vào NSNN đạt 100%, kiến nghị xử lý khác đạt 67,9%.
Với đặc thù là đơn vị duy nhất trong Ngành được giao chức năng kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), thời gian qua, KTNN chuyên ngành VII đã phát huy tối đa năng lực, trình độ của các Kiểm toán viên về kiểm toán CNTT trong tất cả các khâu của hoạt động kiểm toán. Điển hình, đơn vị đã đi đầu trong toàn Ngành về ứng dụng CNTT trong công tác lập kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán đem lại hiệu quả cao, có tính đột phá. Tất cả các Đoàn kiểm toán năm 2021 đều ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.
Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Hà Văn Hưng trình bày báo cáo tại Hội nghị
Trong năm, KTNN chuyên ngành VII đã thực hiện: Cuộc kiểm toán hệ thống CNTT liên quan đến báo cáo tài chính (BCTC) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam lồng ghép với cuộc kiểm toán BCTC của NHNN; Chủ trì cuộc kiểm toán dự án CNTT Hợp phần 1- Hệ thống thông tin hỗ trợ kiểm toán của KTNN; Cử Kiểm toán viên phòng CNTT tham gia phối hợp kiểm tra CNTT với Thanh tra Chính phủ. Kết quả đạt được trong hoạt động kiểm toán có một số kết quả tiêu biểu gắn với các phát hiện mới mang tính hệ thống liên quan đến CNTT và số liệu tài chính.
Các mặt công tác khác của đơn vị như: Tổ chức, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ; hợp tác quốc tế; nghiên cứu khoa học… đạt nhiều kết quả tích cực.
Về Chương trình công tác năm 2022, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Hà Văn Hưng cho biết: Năm 2022, KTNN chuyên ngành VII được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ chủ trì 11 cuộc kiểm toán và tham gia cuộc kiểm toán chuyên đề “Việc huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ”. Đối với cuộc kiểm toán chuyên đề này, KTNN chuyên ngành VII sẽ thực hiện kiểm toán tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Để thực hiện thành công Kế hoạch công tác năm, KTNN chuyên ngành VII thực hiện đồng bộ các giải pháp: Xây dựng phương án tổ chức kiểm toán; triển khai việc tổ chức thu thập tài liệu, nghiên cứu, phân tích, đánh giá để xác định nội dung, mục tiêu của các cuộc kiểm toán trong năm; tổ chức nghiên cứu, tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm toán viên; thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng và tiến độ công tác lập, phát hành BCKT; đổi mới công tác quản lý, điều hành hoạt động của các Đoàn kiểm toán phù hợp với tính chất và quy mô từng cuộc kiểm toán…
Quang cảnh Hội nghị
Chúc mừng những kết quả KTNN chuyên ngành VII đã đạt được trong năm công tác 2021, các đại biểu dự Hội nghị thống nhất cho rằng đây là năm mà các đơn vị thực hiện nhiệm vụ kiểm toán nói chung và KTNN chuyên ngành VII nói riêng đã nỗ lực vượt qua khó khăn của đại dịch để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đánh giá cao công tác phối hợp của KTNN chuyên ngành VII với các đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đại diện lãnh đạo các đơn vị mong rằng thời gian tới công tác phối hợp sẽ tiếp tục được phát huy góp phần giúp các đơn vị hoàn thành nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung ghi nhận những nỗ lực của KTNN chuyên ngành VII để hoàn thành tất cả các mặt công tác của năm 2021. Trong đó, đáng chú ý là kết quả kiến nghị xử lý tài chính; kiến nghị các cơ quan có liên quan sửa đổi, hủy bỏ những văn bản, chính sách không phù hợp; công tác kiểm tra thực hiện kiến nghị kiểm toán; việc phối hợp công tác với các đơn vị trong và ngoài Ngành … đều đạt kết quả cao. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đánh giá cao đơn vị trong việc tham mưu Lãnh đạo KTNN về việc ký kết Quy chế phối hợp giữa KTNN với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đặc biệt, trong thời gian dịch bệnh có những diễn biến phức tạp, đơn vị cũng thực hiện tốt cuộc kiểm toán Ngân hàng Phát triển được Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính… đánh giá cao.
Cơ bản đồng tình với Chương trình công tác năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh đơn vị cần lưu ý thêm một số nội dung:
Đơn vị cần quán triệt và bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết, công điện của Ban Cán sự đảng, Ban Thường vụ Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước; nhiệm vụ, kế hoạch kiểm toán năm 2022 của KTNN.
Tăng cường đào tạo kỹ năng tổng hợp và xây dựng kế hoạch kiểm toán; thống nhất mục tiêu và nội dung kế hoạch kiểm toán năm 2022. Đặc biệt, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị trong xây dựng kế hoạch, đào tạo nội bộ, cần chú trọng phương pháp cầm tay chỉ việc, tự đào tạo lẫn nhau, tạo môi trường tốt nhất để mỗi công chức, Kiểm toán viên phát huy năng lực sở trường của mình.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch kiểm toán năm, các Đoàn, Tổ kiểm toán cần xác định rõ mục tiêu, nội dung chính để thực hiện tốt nhất cuộc kiểm toán. Bên cạnh đó, đơn vị cần tập trung nâng cao việc xét duyệt báo cáo kiểm toán; chú trọng kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán; phối hợp, đề xuất các giải pháp sử dụng và xây dựng các phần mềm kiểm toán của Ngành. Đơn vị cũng lưu ý các phương án dự phòng cho dịch bệnh để tránh bị động trong triển khai kiểm toán.
Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường phát biểu tại Hội nghị
Trân trọng cảm ơn ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị và chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, Kiểm toán trưởng Vũ Văn Cường cho biết, đơn vị xin tiếp thu cũng như nỗ lực, phấn đấu để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác năm 2022./.
Phương Vân