KTNN khu vực I: Tiếp tục có những kiến nghị nhằm “bịt lỗ hổng” về cơ chế, chính sách không còn phù hợp, tránh thất thoát, lãng phí

23/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đây là yêu cầu của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh tại Hội nghị Tổng kết công tác năm 2021 và triển khai chương trình công tác năm 2022 của Kiểm toán nhà nước (KTNN) khu vực I vừa được tổ chức vào ngày 22/12/2021 tại Hà Nội.

Cùng tham dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc và toàn thể lãnh đạo, công chức, kiểm toán viên KTNN khu vực I.

Tại Hội nghị, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Huỳnh Hữu Thọ cho biết: Trong năm 2021, dưới tác động của đại dịch COVID-19, tập thể lãnh đạo, công chức và người lao động của KTNN khu vực I tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất và luôn nỗ lực, tập trung mọi nguồn lực vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi kế hoạch công tác.

Năm 2021, KTNN khu vực I được Tổng Kiểm toán nhà nước giao nhiệm vụ kiểm toán 11 cuộc kiểm toán, thực hiện theo kế hoạch được duyệt gồm 10 cuộc kiểm toán (07 cuộc giao đầu năm 2021, 03 cuộc giao bổ sung cuối năm); 01 cuộc kiểm toán được điều chỉnh giảm không thực hiện do ảnh hưởng của dịch Covid 19 và chuẩn bị ý kiến về dự toán ngân sách năm 2021 của một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương theo sự phân công của Tổng Kiểm toán nhà nước. Ngay từ đầu năm, căn cứ vào Chỉ thị của Ban Thường vụ Đảng ủy KTNN về “Lãnh đạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị trọng tâm năm 2021”, Đảng ủy và lãnh đạo KTNN khu vực I đã quyết tâm chỉ đạo đơn vị phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó chú trọng đổi mới tổ chức hoạt động kiểm toán; phát huy tính sáng tạo, chủ động, đổi mới trên cơ sở phát huy kinh nghiệm của các năm trước và phòng chống dịch COVID-19.

Trong điều kiện khó khăn, thực hiện kiểm toán tại nhiều địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19, cấp ủy, lãnh đạo KTNN khu vực I đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Ban cán sự, Đảng ủy, Lãnh đạo KTNN, chủ động, linh hoạt có những giải pháp kịp thời vừa đảm bảo an toàn, vừa hoàn thành nhiệm vụ theo kế hoạch.

Nhiều Đoàn, Tổ kiểm toán tập trung nghiên cứu văn bản pháp luật liên quan đến nội dung kiểm toán, nghiên cứu kỹ KHKT của Đoàn, Tổ kiểm toán trong thời gian tạm dừng do giãn cách xã hội; lập các dự thảo BBKT, chuẩn bị nội dung lập BCKT vào các ngày nghỉ tại địa phương... nên đến thời điểm báo cáo, các Đoàn kiểm toán cũng đã hoàn thành đúng tiến độ và có nhiều điểm nổi bật.

Đến nay, KTNN khu vực I đã kết thúc 7/10 cuộc kiểm toán theo kế hoạch được giao, trong đó hoàn thành 100% các cuộc kiểm toán giao đầu năm và đang triển khai kiểm toán 03 cuộc kiểm toán bổ sung cuối năm 2021, đảm bảo tiến độ thời gian theo Phương án tổ chức kiểm toán năm 2021 được duyệt, đã hoàn thiện và phát hành các BCKT đúng thời hạn kiểm toán theo kế hoạch tổng quát được phê duyệt.

Bên cạnh đó đơn vị có nhiều kiến nghị quan trọng trong công tác quản lý tài chính công, tài sản công đối với các địa phương, đơn vị được phân giao kiểm toán như: Kiến nghị Bộ Tài chính xem xét báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết dứt điểm đối với việc thuê đất làm hệ thống đường dây truyền tải điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam; kiến nghị Cục Thuế tỉnh Hà Nam thanh tra toàn diện việc nộp thuế TNDN đối với các doanh nghiệp áp dụng ưu đãi thuế từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn (trong đó có sản xuất xi – măng); kiến nghị về việc rà soát quy hoạch để đảm bảo quy mô dân số phù hợp với các quy hoạch phân khu, phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; kiến nghị rà soát lại việc xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung khi điều chỉnh quy hoạch …; kiến nghị HĐND TP Hà Nội khi ban hành tỉ lệ điều tiết trong giai đoạn 2022-2025 cần điều chỉnh tỉ lệ hợp lý đối với nguồn thu tiền sử dụng đất để sử dụng hiệu quả nguồn thu; kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ xem xét sửa đổi NĐ 163/2016 để phù hợp với Luật NSNN và luật Đầu tư công; kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉnh sửa để đảm bảo thống nhất giữa NĐ 151/2017/NĐ-CP và QĐ 56/2014/QĐ-TTg liên quan đến thu tiền thuê đất đối với đất dùng cho các đoàn ngoại giao thuê…

Bên cạnh đó, KTNN khu vực I cũng thường xuyên rà soát, đôn đốc các đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán nên kết quả thực hiện kiến nghị được cập nhật thường xuyên và đạt kết quả tốt. Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của các đoàn kiểm toán năm 2020 là 94,5% (13.818.268trđ/14.622.680trđ), là năm tỉ lệ thực hiện cao nhất từ trước tới nay.

Đặc biệt, phát huy những mặt mạnh trong những năm qua, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các mặt công tác: Tổ chức, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng và tập huấn, phổ biến pháp luật; phối hợp công tác với các đơn vị trong Ngành; nghiên cứu khoa học và đào tạo; thông tin, truyền thông; thanh tra, kiểm soát chất lượng kiểm toán; công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán…

Trên cơ sở những kết quả đạt được và thẳng thắn chỉ ra những mặt còn tồn tại, KTNN khu vực I cũng xác định bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2022. Đặc biệt, tập trung tối đa nguồn lực hoàn thành 100% kế hoạch kiểm toán năm 2022 với việc thực hiện10 cuộc kiểm toán trong năm và các nhiệm vụ được Tổng Kiểm toán nhà nước giao đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng.

Đồng thời, nâng cao ý thức trách nhiệm, siết chặt kỷ cương trong mọi hoạt động nhất là hoạt động kiểm toán; giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của hoạt động kiểm toán tới thực thi công vụ của địa phương, đơn vị được kiểm toán. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán; đẩy mạnh ứng dụng CNTT nhằm rút ngắn thời gian kiểm toán, chú trọng việc kiến nghị kiểm toán nhất là kiến nghị về xử lý tài chính đảm bảo sát thực và khả thi; gia tăng hiệu lực của các kết luận và kiến nghị kiểm toán; tiếp tục phát hành báo cáo kiểm toán NSĐP kịp thời phục vụ HĐND các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán…
 
Phó Tổng KTNN Đặng Thế Vính phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Để thực hiện được các mục tiêu trên, năm 2022, KTNN khu vực I, xác định 8 nhóm giải pháp, trong đó giải pháp hàng đầu là bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Ban cán sự, Đảng uỷ Kiểm toán nhà nước và chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động công vụ và nâng cao chất lượng kiểm toán; phổ biến, tập huấn và tổ chức nghiên cứu có chất lượng về định hướng, mục tiêu kiểm toán năm 2022 và các hướng dẫn kiểm toán được KTNN ban hành.

Bên cạnh đó, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị xác định việc nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành của từng cấp quản lý; gắn trách nhiệm của Kiểm toán trưởng, Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán với kết quả nhiệm vụ được giao với từng lĩnh vực, từng cuộc kiểm toán cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Ngoài ra, tăng cường giáo dục, bồi dưỡng cho công chức, Kiểm toán viên, nâng cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp đối với toàn thể đội ngũ Kiểm toán viên; xây dựng khối đại đoàn kết trong đơn vị và mối quan hệ phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành cũng được KTNN khu vực I quan tâm chú trọng…

Đánh giá cao những nỗ lực của KTNN khu vực I trong thời gian qua và thống nhất với các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch trong năm 2022, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh đề nghị:

KTNN khu vực I cần bám sát kế hoạch hoạt động và Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) và các kế hoạch, Chỉ thị, chương trình hành động của Ban cán sự Đảng trong xây dựng kế hoạch hoạt động của đơn vị trong năm 2022 và những năm tiếp theo bảo đảm tính toàn diện và đạt hiệu quả cao.

Bên cạnh những kết quả nổi bật về kiến nghị xử lý tài chính, KTNN khu vực I, cần tăng cường đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả để đưa ra nhiều kiến nghị về cơ chế, chính sách, tiếp tục có những kiến nghị nhằm “bịt lỗ hổng” về cơ chế, chính sách không còn phù hợp, tránh thất thoát, lãng phí. “Đây mới chính là những kết quả mang lại giá trị gia tăng cho hoạt động kiểm toán của KTNN” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh nhấn mạnh.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu cấp ủy, lãnh đạo KTNN khu vực I tiếp tục tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm toán viên để mỗi công chức, Kiểm toán viên theo kịp trình độ phát triển của xã hội; coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đề cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử; xây dựng hình ảnh Kiểm toán viên nhà nước “Công minh chình trực, Nghệ tinh tâm sáng”.

Bên cạnh đó, KTNN khu vực I cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với đơn vị được kiểm toán, các địa phương trong chỉ đạo, quản lý điều hành ngân sách, nhằm chống thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản công; tăng cường hơn nữa công tác phối hợp trong Ngành, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, trao đổi thông tin, hạn chế tối đa sự ảnh hưởng đến các hoạt động thường xuyên của các đơn vị được kiểm toán.

Phát biểu đáp từ, trân trọng những ý kiến phát biểu của đại diện lãnh đạo các đơn vị và ý kiến chỉ đạo của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Đặng Thế Vinh, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực I Vũ Khánh Toàn khẳng định, đơn vị sẽ quyết tâm, phát huy nội lực, sự ủng hộ của các đơn vị, sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo KTNN để hoàn thành nhiệm vụ trong năm 2022./.

Phương Vân

Xem thêm »