(sav.gov.vn) – Chiều 22/12/2021, Tại trụ sở Kiểm toán nhà nước 116 Nguyễn Chánh, Cầu Giấy, Hà Nội, Hội đồng Khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ "Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán nhà nước đáp ứng xu thế phát triển giai đoạn 2020 – 2030” do ThS. Lê Tùng Lâm làm chủ nhiệm Đề tài; ThS. Trần Văn Hảo đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Tiến sĩ Hà Thị Mỹ Dung làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/nghiem%20thu%20trang_20211224144835.jpg)
Ban Chủ nhiệm đề tài cho biết, với địa vị pháp lý được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013 “KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”, KTNN đã có bước phát triển quan trọng về quy mô, chất lượng, hiệu quả và tác động của hoạt động KTNN đối với nền tài chính quốc gia, từng bước xứng đáng với sự tin tưởng và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và nhân dân, góp phần thực hiện yêu cầu đảm bảo một nền tài chính công minh bạch, lành mạnh, bền vững phù hợp với xu thế tất yếu khi nền Kinh tế xã hội càng phát triển.
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 xác định: “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”. KTNN hoạt động trên tôn chỉ: “Công minh, chính trực, nghệ tinh, tâm sáng”, để đạt được điều đó, nguồn nhân lực KTNN nói chung, đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước nói riêng phải không ngừng nâng cao cả chất và lượng. “Nguồn nhân lực” là 1 trong 3 trụ cột phát triển quan trọng xác định trong Chiến lược phát triển KTNN đến 2030: “Phát triển đội ngũ công chức, KTVNN đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới”.
Xuất phát từ thực tế trên, việc nghiên cứu đề tài khoa học
“Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN đáp ứng xu thế phát triển giai đoạn 2020-2030” là một yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
Mục tiêu của đề tài nhằm làm rõ cơ sở lý luận về chất lượng nguồn nhân lực KTNN nói chung và chất lượng KTVNN nói riêng; đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực KTNN nói chung và chất lượng KTVNN nói riêng; nghiên cứu và tham khảo kinh nghiệm về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới; đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN đáp ứng xu thế phát triển giai đoạn 2020-2030.
Đề tài nghiên cứu dựa trên phương pháp tổng hợp, phân tích để hệ thống hóa lý luận và những vấn đề thực tiễn về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KTNN/ KTVNN; phương pháp đánh giá tài liệu, quan sát, kiểm chứng để nghiên cứu, tổng kết thực trạng, làm rõ, nổi bật thực trạng các vấn đề nghiên cứu, xác định rõ nguyên nhân làm cơ sở đề xuất những định hướng và giải pháp.
Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1: “Khái quát về chất lượng nguồn nhân lực của KTNN»; Chương 2: "Thực trạng chất lượng nguồn nhân lực của KTNN Việt Nam»; Chương 3: “Định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN giai đoạn 2020-2030".
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đã đóng góp nhiều ý kiến về nội dung, kết cấu, ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn của đề tài nghiên cứu, giúp Ban đề tài chỉnh sửa để nâng cao chất lượng của đề tài. Các ý kiến cho rằng, đề tài có tính mới và mang tính thời sự cao, bởi hiện nay, chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào của KTNN nghiên cứu về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Do vậy, đề tài có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết, là cơ sở để KTNN triển khai thực hiện có hiệu quả Chiến lược Phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030. Đề tài cơ bản đã làm rõ cơ sở lý luận, thực trạng về chất lượng nguồn nhân lực KTNN; đã tìm hiểu kinh nghiệm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của một số cơ quan kiểm toán tối cao để phân tích những ưu điểm và hạn chế về chất lượng nguồn nhân lực của KTNN Việt Nam; Nội dung và kết cấu của đề tài tương đối phù hợp, có sự logic; văn phong mạch lạc, dễ hiểu; các tác giả đã sử dụng phương pháp nghiên cứu phù hợp.
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao đề tài “Giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán nhà nước đáp ứng xu thế phát triển giai đoạn 2020 – 2030”; đề tài có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn, kết cấu hợp lý. Tuy nhiên, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu lưu ý Ban đề tài cần bám sát vào chiến lược phát triển của KTNN để nghiên cứu, bổ sung, đề ra những giải pháp thực hiện, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sao cho phù hợp với xu hướng phát triển của KTNN trong thời gian tới.
Đề tài được Hội đồng xếp loại “Khá”, đạt 85 điểm./.
Đinh Trang