Trung tâm Tin học - 20 năm xây dựng và phát triển

24/12/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

  Trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, Trung tâm Tin học (TTTH) đã từng bước khẳng định được vị trí và vai trò của mình trong hoạt động của KTNN. Phát huy những thành quả đã đạt được, mỗi công chức, viên chức, người lao động của TTTH xác định nỗ lực, đoàn kết, thống nhất, phát huy vai trò tiên phong, sáng tạo, quyết tâm phát triển đơn vị vững mạnh và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; đưa công nghệ thông tin (CNTT) ứng dụng đồng bộ, toàn diện và hiệu quả vào mọi mặt hoạt động của KTNN.

Tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Trung tâm Tin học

Đến nay, TTTH đã tổ chức xây dựng 30 phần mềm, trong đó 6 phần mềm xây dựng mới và hoàn thành, đưa vào sử dụng 24 phần mềm phục vụ công tác quản lý điều hành và hỗ trợ hoạt động kiểm toán, bao gồm: 3 cổng và trang thông tin, 11 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; 8 phần mềm phục vụ quản lý điều hành và 2 phần mềm hỗ trợ quản trị, vận hành phần mềm.
  
TTTH được Thủ tướng Chính phủ khen thưởng năm 2010; Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen có nhiều thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua giai đoạn 2015-2020, Bằng khen có nhiều thành tích trong 20 năm xây dựng và phát triển đơn vị 2002-2022; đạt danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc” các năm 2004, 2005, 2009, 2010, 2019. TTTH cũng đã có 2 Tập thể cấp Phòng được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 3 lượt cá nhân được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3; nhiều tập thể, cá nhân được Tổng Kiểm toán nhà nước tặng Bằng khen...
  
Công nghệ thông tin trở thành một trong ba trụ cột của phát triển Kiểm toán nhà nước

Xác định rõ vai trò là đơn vị chuyên trách CNTT, TTTH đã luôn chủ động tham mưu, tổ chức xây dựng, trình Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành các đề án, kế hoạch, chiến lược phát triển CNTT của KTNN phù hợp cho từng giai đoạn và định hướng của Chính phủ. Đặc biệt, trước bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 phát triển mạnh mẽ, TTTH đã tham mưu cho lãnh đạo KTNN xây dựng và ban hành “Chiến lược phát triển và Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó CNTT được xác định là một trong ba trụ cột quan trọng trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Đây là chiến lược quan trọng nhằm định hướng cho việc phát triển, ứng dụng CNTT của KTNN trong giai đoạn tới, giúp cho KTNN thực hiện chuyển đổi số nhằm thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ.

Cùng với tổ chức xây dựng kế hoạch, chiến lược, TTTH đóng vai trò chủ đạo trong việc đề xuất các nội dung đầu tư và tổ chức thực hiện các hoạt động CNTT của Ngành, từng bước đáp ứng yêu cầu hoạt động kiểm toán, đồng thời phù hợp với định hướng phát triển CNTT của Đảng, Chính phủ. Riêng năm 2021, TTTH đã triển khai 11 ứng dụng hỗ trợ hoạt động kiểm toán nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm soát, quản lý hoạt động kiểm toán và tác nghiệp kiểm toán của kiểm toán viên; kịp thời theo dõi tiến độ, tổng hợp kết quả kiểm toán và theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán của toàn Ngành; xây dựng các công cụ hỗ trợ kiểm toán viên thực hiện kỹ thuật kiểm toán các lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, DN và tài chính ngân hàng… Đặc biệt, năm 2021, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN về việc thí điểm kiểm toán từ xa, TTTH đã thực hiện kết nối, trao đổi dữ liệu với Tập đoàn VNPT để triển khai kiểm toán từ xa đối với đơn vị này vào năm 2022.

Ngoài ra, từ năm 2017 đến năm 2021, đơn vị đã thực hiện số hóa hồ sơ của hơn 750 cuộc kiểm toán với khoảng 10 triệu trang tài liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu về hồ sơ kiểm toán điện tử để phục vụ quản lý, lưu trữ và khai thác hồ sơ kiểm toán, từng bước hình thành dữ liệu lớn của KTNN. Từ năm 2020, TTTH cũng đã xây dựng Cổng trao đổi thông tin, dữ liệu điện tử đa chiều giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán, giúp các đơn vị được kiểm toán thuận lợi khi cung cấp dữ liệu điện tử. Đồng thời, giúp KTNN trao đổi với các đơn vị về hoạt động, kết quả kiểm toán trên môi trường mạng, như: Tiếp nhận, gửi ý kiến phản hồi về khiếu nại kiểm toán, tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán...

Với mục tiêu hạ tầng CNTT cần phải được xây dựng phù hợp với thực tiễn hoạt động của KTNN trong từng thời kỳ, TTTH đã chủ động tham mưu xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT đáp ứng yêu cầu hoạt động của Ngành. Đến nay, hạ tầng kỹ thuật CNTT của KTNN được triển khai theo mô hình quản lý tập trung với 2 Trung tâm dữ liệu hiện đại, đồng bộ, nhiều công nghệ mới, số lượng các thiết bị tăng khoảng gần 10 lần so với năm 2016.

Cùng với hệ thống mạng, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đã được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng gồm 16 điểm cầu, kết nối 13 KTNN khu vực với KTNN T.Ư, phục vụ hiệu quả hơn 100 cuộc họp, hội nghị trực tuyến hằng năm. Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 buộc phải giãn cách xã hội, TTTH đã đảm bảo hoạt động ổn định cho các cuộc họp trực tuyến của Ngành và các đơn vị trực thuộc. Đặc biệt, trong hai năm 2020-2021, TTTH đã đảm bảo kỹ thuật cho việc tổ chức các cuộc họp trong khuôn khổ Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á lần thứ 14 (Đại hội ASOSAI 14) do KTNN Việt Nam làm Chủ tịch nhiệm kỳ 2018-2021 và phối hợp tổ chức thành công Đại hội ASOSAI 15.

Trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, tất cả các cơ quan, tổ chức đều phải đối mặt với rủi ro an ninh mạng và tăng cường an toàn thông tin. Vì vậy, TTTH luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật cho hệ thống thông tin của KTNN. TTTH phối hợp với Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai các giải pháp về an toàn thông tin phục vụ công tác soạn thảo, lưu giữ, truyền đưa tài liệu thuộc danh mục tài liệu bí mật nhà nước, tài liệu quan trọng trên máy tính và phương tiện thông tin, viễn thông. Đơn vị cũng chủ động xây dựng hồ sơ cấp độ an toàn thông tin và tổ chức thực hiện kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin theo quy định; giám sát, rò quét, vá lỗ hổng bảo mật; xử lý kịp thời, ngăn chặn sự phá hoại của virus, tấn công mạng từ bên ngoài; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giám sát thông tin, mã độc với Hệ thống giám sát an toàn thông tin quốc gia.

Bên cạnh nhiệm vụ phát triển hệ thống thông tin và phần mềm ứng dụng, năm 2015, TTTH được Tổng Kiểm toán nhà nước bổ sung chức năng triển khai hoạt động kiểm toán CNTT. Trong hai năm 2016-2017, mặc dù nhân lực rất hạn chế nhưng TTTH đã tham gia hỗ trợ một số cuộc kiểm toán ngân sách địa phương và các đoàn kiểm toán ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV; phối hợp với KTNN chuyên ngành VII thực hiện cuộc kiểm toán CNTT đầu tiên về kiểm toán Hệ thống CNTT liên quan đến việc lập báo cáo tài chính năm 2015 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam... Từ năm 2017 đến nay, TTTH đều đặn cử cán bộ tham gia hỗ trợ chuyên môn cho các đoàn kiểm toán thuộc các KTNN chuyên ngành Ia, Ib, II, VI, Thanh tra KTNN…
 
Phát huy vai trò tiên phong để đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin


Hướng tới mục tiêu “công nghệ đóng vai trò then chốt, thiết lập, định hướng cho quá trình xây dựng, hình thành các hệ thống nền tảng quản trị thông minh, góp phần đưa KTNN tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số và thích ứng linh hoạt với sự thay đổi của quá trình chuyển đổi số trong tương lai; tạo nền tảng cho quá trình chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang phương pháp kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số…” theo Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và Chiến lược phát triển Kiến trúc tổng thể CNTT của KTNN giai đoạn 2019-2025, tầm nhìn đến năm 2030, TTTH xác định các nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn tới như sau:

Một là, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị, phát triển đội ngũ nhân lực đảm bảo đủ về số lượng, có kiến thức, chuyên môn phù hợp đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chuyển đổi số và triển khai các ứng dụng CNTT của KTNN trong giai đoạn mới.

Hai là, xây dựng hạ tầng kỹ thuật, nền tảng kết nối và chia sẻ dữ liệu đảm bảo tính sẵn sàng cao của hệ thống; từng bước nâng cấp, chuyển đổi sang nền tảng điện toán đám mây nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu áp dụng các công nghệ số vào hoạt động của KTNN.

Ba là, xây dựng hạ tầng dữ liệu với trọng tâm là hệ thống định danh, xác thực điện tử và cơ sở dữ liệu dùng chung phục vụ trao đổi, tích hợp dữ liệu; thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán. Xây dựng Hệ thống thông tin quản lý đối tượng kiểm toán và các cơ sở dữ liệu tập trung từ nhiều nguồn dữ liệu khác nhau phục vụ cho việc phân tích dữ liệu lớn hỗ trợ hoạt động kiểm toán.

Bốn là, phát triển các phần mềm ứng dụng, trọng tâm là hướng đến cung cấp công cụ báo cáo thống kê và phân tích, dự báo phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và kiểm toán dựa trên dữ liệu lớn; hỗ trợ phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong xây dựng kế hoạch và thực hiện kiểm toán. Phát triển ứng dụng hỗ trợ tự động hóa và các hệ trợ giúp tư vấn, quyết định cho kiểm toán viên trong tác nghiệp và thực hiện nhiệm vụ kiểm toán chuyên biệt.

Năm là, triển khai các giải pháp đảm bảo an ninh, an toàn thông tin cho hệ thống CNTT của KTNN, bảo vệ dữ liệu trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật về an toàn thông tin, an ninh mạng, phù hợp với đặc thù của KTNN và Chiến lược phát triển CNTT của KTNN.

Sáu là, tiếp tục phát huy vai trò đơn vị chuyên trách về CNTT của KTNN, TTTH phối hợp với các đơn vị trong Ngành tham mưu xây dựng các chương trình, kế hoạch CNTT; chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ, các biểu mẫu, phương pháp kiểm toán; xây dựng các tiêu chí kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu ứng dụng CNTT vào hoạt động kiểm toán của Ngành; xây dựng các cơ chế, chính sách, văn bản dưới luật để đảm bảo môi trường pháp lý cho việc kết nối, chia sẻ, truy cập, khai thác dữ liệu điện tử; xây dựng các quy chế quản lý, khai thác và sử dụng các ứng dụng CNTT của KTNN đảm bảo hệ thống CNTT của KTNN hoạt động hiệu quả, an toàn và ổn định.

Bảy là, phát triển, đào tạo nguồn nhân lực CNTT, trong đó phát triển đội ngũ chuyên trách CNTT có đủ năng lực chuyên môn để quản lý và tổ chức vận hành hệ thống CNTT của KTNN. Tăng cường đào tạo chuyên sâu và cập nhật công nghệ mới, đào tạo “kỹ sư phân tích dữ liệu”. Đối với đội ngũ kiểm toán viên, công chức của KTNN, TTTH xây dựng chương trình đào tạo kỹ năng làm chủ công nghệ, xử lý, phân tích dữ liệu thông qua việc áp dụng các phần mềm, công nghệ số trong tác nghiệp kiểm toán; nâng cao kỹ năng tiếp cận, khai thác dữ liệu điện tử và sự hiểu biết về các hệ thống thông tin của đơn vị được kiểm toán. Chú trọng đào tạo kỹ năng đảm bảo an toàn bảo mật thông tin trên môi trường mạng khi thực hiện kiểm toán và khai thác hạ tầng công nghệ trong công việc hằng ngày./.

Phạm Thị Thu Hà – Giám đốc Trung tâm Tin học KTNN
(Báo Kiểm toán số 51/2021)

 
 
 
 
 

Xem thêm »