(sav.gov.vn) - Chiều 28/12/2021, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN), Hà Nội, Hội đồng Khoa học KTNN đã tổ chức nghiệm thụ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2020 “Xây dựng quy trình xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán”.
![](/noidung/tintuc/PublishingImages/2021/Thang%2012/de%20tai_20211229114021.jpg)
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu Doãn Anh Thơ phát biểu
Đề tài do TS. Vũ Thanh Hải, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Ths. Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành Ib đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán nhà nước, Luật Phòng, chống tham nhũng và các Luật có liên quan trong hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý để KTNN thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật, cần phải có những nghiên cứu để quy định cụ thể các biện pháp xác minh, làm rõ và xử lý, kiến nghị xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán.
Hội đồng nghiệm thu
Những yêu cầu này xuất phát từ hệ thống pháp luật hiện hành và hoạt động thực tiễn của KTNN. Cụ thể, Luật Phòng, chống tham nhũng đề cao vai trò và quy định rõ trách nhiệm của KTNN trong phòng, chống tham nhũng thông qua việc thực hiện chức năng kiểm toán. Luật cũng quy định cụ thể, rõ ràng về trách nhiệm của KTN trong phòng, chống tham nhũng. Theo đó, KTNN được xác định là một trong những cơ quan trực tiếp có trách nhiệm phát hiện và phối hợp xử lý tham nhũng. Thông qua kiểm toán, KTNN đã có nhiều phát hiện, kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân và chuyển cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Tại Điều 62 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định về trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động kiểm toán: Trong quá trình kiểm toán, nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì Tổng Kiểm toán nhà nước chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc và xử lý theo quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng.
Bên cạnh đó, tại khoản 4 Điều 1 của Luật sửa sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước quy định: “Ban hành Quy trình kiểm toán các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng để quy định trình tự, thủ tục tiến hành kiểm toán việc xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng, việc công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng”.
Ngoài ra, xuất phát từ thực tiễn cho thấy trong quá trình thực hiện kiểm toán, khi nghi ngờ một nội dung nào đó có dấu hiệu vi phạm thì cần phải được kiểm tra, xác minh, làm rõ. Trong trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, KTNN chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật. Đồng thời, để có cơ sở hướng dẫn chi tiết về trình tự thực hiện, các biện pháp tổ chức xác minh, tránh lạm dụng việc xác minh khi được giao nhiệm vụ, Tổng Kiểm toán nhà nước cần ban hành quy trình, biện pháp nhằm kiểm tra, xác minh hiệu quả và quản lý KTV Nhà nước trong việc thực hiện xác minh.
Xuất phát từ những cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, Ban Chủ nhiệm đề tài cho rằng hiện chưa có một công trình khoa học nào thực hiện hiện nghiên cứu riêng biệt về việc xây dựng quy định quy định về nội dung trình tự thủ tục xác minh để làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Việc nghiên cứu Đề tài khoa học “Xây dựng quy trình xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán” nhằm nhận diện thực trạng phát hiện các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán của KTNN từ khi thành lập đến năm 2020, trong đó tập trung đánh giá thực trạng áp dụng công tác pháp luật kiểm toán để làm rõ các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Ban đề tài cũng đề xuất xây dựng Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1. Tổng quan về xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhung; Chương 2. Thực trạng việc xác minh làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; Chương 3. Xây dựng Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên Hội đồng đánh giá Đề tài đã được nghiên cứu công phu, nghiêm túc, khoa học. Việc nghiên cứu Đề tài thực sự cần thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn, là nguồn tài liệu tham khảo để xây dựng Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong hoạt động kiểm toán, có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, tài liệu giảng dạy, đào tạo của KTNN. Đặc biệt khi Quy trình được ban hành sẽ làm tài liệu hướng dẫn kiểm toán trực tiếp cho các Kiểm toán viên, Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán; là cơ sở để các vụ chức năng thực hiện công tác tham mưu và kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Để đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài xem xét luận giải rõ hơn việc thiết kế nội dung tổng quan của đề tài; làm rõ về lý luận và thực trạng một số nội dung về phương pháp kiểm toán ảnh hưởng như thế nào đến việc xác minh vụ việc tham nhũng; cần phải có những thay đổi gì để KTNN làm tốt việc xác minh vụ việc có dấu hiệu tham nhũng…
Kết luận buổi nghiệm thu, Chủ tịch Hội đồng Doãn Anh Thơ đánh giá: Ban Chủ nhiệm đề tài đã rất công phu, trách nhiệm, đầu tư thời gian nghiên cứu. Đề tài có tính ứng dụng cao, có giá trị tham khảo quan trọng cho việc hoàn thiện hệ thống quy trình kiểm toán, đặc biệt là quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng trong hoạt động kiểm toán mà KTNN đang xây dựng. Quy trình được ban hành sẽ là cẩm nang hướng dẫn cho các Kiểm toán viên nhà nước trong quá trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán. Chủ tịch Hội đồng đề nghị Ban Chủ nhiệm tiếp thu tối đa các ý kiến góp ý để chỉnh sửa, hoàn thiện Đề tài.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Xuất sắc./.
Phương Ngọc