“Xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương”

07/01/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Đây là tên Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2020 vừa được Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) nghiệm thu ngày 7/1/2022, tại Hà Nội. TS Vũ Văn Họa, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.

Đề tài do Ths. Nguyễn Khắc Chí, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII và TS. Cù Hoàng Diệu, Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II làm chủ nhiệm.
 
Theo Ban Đề tài, một trong những nhiệm vụ quan trọng của KTNN khi kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương là thực hiện kiểm toán nợ chính quyền địa phương, trên cơ sở đó ngăn ngừa được các rủi ro phát sinh, đề ra các biện pháp quản lý nợ chính quyền địa phương một cách tốt hơn.
 
Ban Đề tài cho rằng, trong thời gian qua KTNN đã thực hiện cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý nợ công năm 2017 và cuộc kiểm toán chuyên đề công tác quản lý và sử dụng nguồn vốn vay ODA năm 2018 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Kết quả cuộc kiểm toán đã chỉ ra một số tồn tại, hạn chế, sai sót trong công tác này. Các kiến nghị của KTNN đang được Bộ, ngành thực hiện và ngày càng hoàn thiện tốt hơn. Tuy nhiên, trên thực tế, KTNN chưa thực hiện một cuộc kiểm toán độc lập đối với các khoản nợ chính quyền địa phương. Các cuộc kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) tại các địa phương cũng có đề cập đến các khoản vay, nợ chính quyền theo những quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công nhưng mới ở những nội dung cơ bản.
 
Bên cạnh đó, Theo quy định của Luật Quản lý nợ công có hiệu lực thi hành từ năm 2018, nợ chính quyền địa phương nằm trong nhóm nợ công; việc quản lý nợ của chính quyền địa phương thời gian qua, đặc biệt từ khi có Luật NSNN năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017), mặc dù đã bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng hơn, nhưng chưa phân định rõ ràng trách nhiệm của cơ quan giúp UBND cấp tỉnh trong việc thực hiện các nhiệm vụ vay, trách nhiệm trong việc bố trí các nguồn lực tài chính của địa phương để hoàn trả các khoản nợ theo đúng cam kết với các cơ quan và tổ chức cho vay trong và ngoài nước, đặc biệt là các khoản vay lại của chính quyền địa phương từ nguồn vay ngoài nước của Chính phủ.
 
Xuất từ yêu cầu thực tiễn, cần phải thực hiện kiểm soát chặt chẽ việc vay nợ của chính quyền địa phương cấp tỉnh phải bảo đảm theo quy định của Luật NSNN, Luật Quản lý nợ công và các quy định khác của Nhà nước; từ đó góp phần kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công, bảo đảm an toàn, bền vững nợ và an ninh tài chính quốc gia; góp phần thúc đẩy nền kinh tế phát triển bền vững; đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế công khai, minh bạch các khoản vay và trả nợ các khoản vay; tăng cường, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong quản lý nợ của chính quyền địa phương.

Vì vậy, trong thời gian tới, KTNN cần tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng của công tác kiểm toán nợ công và tập trung vào loại hình kiểm toán hoạt động. Thực tế đó đòi hỏi phải nghiên cứu một cách toàn diện cả về lý luận và thực tiễn nhằm hoàn thiện nội dung, trình tự và phương thức tổ chức kiểm toán nợ chính quyền địa phương để phục vụ cho việc thực hiện nhiệm vụ của KTNN.
 
Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương 1. Lý luận cơ bản về nợ chính quyền địa phương và kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương; Chương 2. Thực trạng kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương ở Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế; Chương 3. Xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương tại Việt Nam.
 

 Các thành viên Hội đồng nghiệm thu đánh giá việc nghiên cứu Đề tài là yêu cầu rất cấp thiết, có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong hoạt động kiểm toán. Đề tài đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về nợ chính quyền địa phương và sự cần thiết kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương. Đồng thời, Đề tài đã phân tích thực trạng kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương ở Việt Nam. Các nhận định, đánh giá được Ban đề tài đưa ra sát thực và khách quan.
 
Một thành công khác của Đề tài là đưa ra các định hướng hoàn thiện tổ chức kiểm toán nợ chính quyền địa phương. Trên cơ sở kiến thức lý luận, thực trạng kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương, đề tài đã xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương trên các giác độ: Mục tiêu, nội dung, tiêu chí, trình tự và phương thức tổ chức kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương của KTNN.
 
Với mong muốn Đề tài hoàn thiện hơn, các thành viên Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài cần có đánh giá về hiệu quả của nợ chính quyền địa phương; hiệu quả của nợ chính quyền địa phương tại một số địa phương được kiểm toán; sự phù hợp vay nợ chính quyền địa phương với nguồn lực ngân sách và nhu cầu vay tại thời điểm vay; tính hợp lý về thời hạn và mức lãi;...
 
Thay mặt Hội đồng nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Vũ Văn Họa ghi nhận thái độ, trách nhiệm của Ban Đề tài trong quá trình nghiên cứu và hoàn thiện Đề tài đúng tiến độ. Đề tài là một công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn, công phu, kết cấu hợp lý, logic, nội dung cơ bản phù hợp với mục tiêu, phạm vi nghiên cứu.
 
Để hoàn thiện Đề tài, trên cơ sở đồng tình với những ý kiến của các thành viên Hội đồng, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban Đề tài nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện. Trong đó, tập trung làm rõ hơn nội dung về nợ chính quyền địa phương; đánh giá rõ thực trạng kết quả kiểm toán nợ công nói chung, nợ chính quyền địa phương qua các Báo cáo kiểm toán. Tập trung xây dựng đề cương kiểm toán hoạt động nợ chính quyền địa phương, trong đó làm rõ:  Mục tiêu, nội dung gắn với đầu mối kiểm toán, với các quy định của Nhà nước về hồ sơ mẫu biểu, tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể của nội dung nghiên cứu. Bên cạnh đó, cần gắn một số tiêu chí liên quan đến kiểm toán hoạt động, đánh giá về sự cần thiết và hiệu quả các khoản vay...
 
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu xếp loại Khá./.
 
Phương Ngọc
 

Xem thêm »