Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

23/05/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 23/5/2022, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020. Báo cáo thống nhất đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020. Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020 và những kiến nghị cần chấn chỉnh, khắc phục.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020

Kiểm toán nhà nước đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 do Chính phủ trình

Trình bày Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, năm 2020 là năm cuối của kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, dự toán NSNN năm 2020 được thực hiện trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu, thiên tai, bão lũ xảy ra nghiêm trọng ở miền Trung, Tây Nguyên, … tác động lớn đến toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu, chi NSNN, ngoài dự báo khi Chính phủ trình và Quốc hội quyết nghị kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán NSNN năm 2020.      
                                 
Song với sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc, doanh nghiệp, người dân đồng hành ủng hộ đã góp phần hạn chế những tác động gây sốc, tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế và thu chi NSNN năm 2020. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 2,91%, giảm so với kế hoạch 6,8% nhưng vẫn thuộc nhóm các nước tăng trưởng dương. Thu NSNN xấp xỉ dự toán, riêng thu nội địa vượt dự toán. Chi NSNN cơ bản đảm bảo thực hiện theo dự toán.
 
Quang cảnh phiên họp

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh nêu rõ, qua kiểm toán Báo cáo quyết toán NSNN năm 2020 và tổng hợp kết quả kiểm toán chủ yếu của các cuộc kiểm toán tổ chức trong năm 2021 cho thấy nổi lên một số vấn đề cần tiếp tục phải chấn chỉnh, khắc phục trong những năm tới.

Theo đó, dự toán thu tiền sử dụng đất chưa sát với khả năng nguồn thu, các địa phương lập dự toán chỉ bằng 72% so với ước thực hiện năm 2019. Mặc dù Trung ương đã giao dự toán cao hơn số địa phương lập 18,3%, song thực hiện thu sử dụng đất năm 2020 vẫn vượt dự toán 80,4%, việc thu vượt dự toán lớn đã diễn ra nhiều năm. Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán cho thấy còn trường hợp giao kế hoạch vốn chậm, điều chỉnh nhiều lần, điều chỉnh sau ngày 15/11/2020 chưa phù hợp quy định; chưa bố trí đủ, không bố trí kế hoạch vốn để thanh toán cho một số dự án đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020 trở về trước 7.170 tỷ đồng.

Một số Bộ, cơ quan Trung ương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án thuộc danh mục dự án dự kiến sử dụng dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, nhưng sau đó không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn. Một số địa phương phân bổ nguồn vốn dự phòng chung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho 53 dự án khởi công mới trong khi chưa ưu tiên cho các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 71/2018/QH14.

Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh chỉ ra rằng, tại một số Bộ, cơ quan Trung ương giao và phân bổ chưa đầy đủ cơ sở, căn cứ; không phân bổ hết dự toán theo quy định; giao dự toán kinh phí thường xuyên, không thường xuyên chưa đảm bảo đúng quy định. 19/45 địa phương được kiểm toán bố trí dự phòng ngân sách tại cấp tỉnh hoặc cấp huyện chưa đảm bảo tỷ lệ quy định; 02/45 địa phương được kiểm toán giao dự toán chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp khoa học công nghệ thấp hơn dự toán Trung ương giao.

Đánh giá về công tác chấp hành ngân sách, KTNN tiếp tục chỉ ra một số tồn tại, bất cập đã diễn ra nhiều năm nhưng chưa được khắc phục hiệu quả.

Thu NSNN năm 2020 có một số khoản thu chính từ hoạt động sản xuất kinh doanh chiếm khoảng 52,5% tổng thu nội địa, nhưng đều hụt thu so với dự toán giao, khoản thu hồi vốn tại các DNNN chỉ đạt 37,1% so với dự toán giao đầu năm. Lý giải việc hụt thu, theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, nguyên nhân khách quan là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách miễn, giảm thuế của Nhà nước. Bên cạnh đó, việc hạch toán và kê khai thiếu doanh thu, xác định sai chi phí, tính thiếu thuế cũng như các khoản thu khác được KTNN phát hiện qua kiểm toán, đối chiếu, từ đó đã kiến nghị tăng thu NSNN 8.802,6 tỷ đồng.

Đối với chi đầu tư phát triển, qua kiểm toán cho thấy, một số Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân chi đầu tư từ nguồn vốn ngoài nước thấp. Ngoài ra, số vốn vay nước ngoài đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán vào NSNN của 5 Bộ, cơ quan Trung ương và 36 địa phương là 4.486 tỷ đồng, trong đó số giải ngân từ năm 2016 trở về trước 3.584,4 tỷ đồng, số giải ngân giai đoạn 2017-2019 là 901,6 tỷ đồng, Chính phủ chưa kịp thời báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét phương án bổ sung kế hoạch vốn làm cơ sở hạch toán, quyết toán theo quy định.

Bên cạnh đó, còn trường hợp dư nợ đọng xây dựng của những dự án thực hiện trước năm 2015 nhưng năm 2021 mới bố trí một phần để thanh toán; một số địa phương có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn và phát sinh nợ xây dựng cơ bản trong năm 2021.

Trong chi thường xuyên cũng cho thấy, một số khoản chi sự nghiệp từ ngân sách Trung ương có tỷ lệ thực hiện thấp như: Chi bảo vệ môi trường 47,4%; chi văn hoá thông tin 61,5%; chi thể dục thể thao 75,2%; chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề 81,9%. Trong đó, chi bảo vệ môi trường trong những năm gần đây liên tục đạt tỷ lệ rất thấp (dưới 50%).

Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh, tổng chi chuyển nguồn tăng 8,6% so với năm 2019, trong đó ngân sách Trung ương (NSTW) giảm 13,4%, nhưng ngân sách địa phương (NSĐP) tăng 18,3%. Một số Bộ, cơ quan Trung ương còn chuyển nguồn kinh phí không còn nhiệm vụ chi qua nhiều năm; 26/45 địa phương được kiểm toán chi chuyển nguồn cao hơn năm trước. Một số khoản kinh phí viện trợ đã được các Bộ, cơ quan Trung ương thực nhận trong năm 2020 song chưa được trình bổ sung dự toán chi kịp thời…

Cũng theo Báo cáo kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, bội chi NSNN năm 2020 là 216.405,59 tỷ đồng, bằng 3,44% GDP thực hiện, bằng tỷ lệ bội chi theo dự toán đầu năm và thấp hơn so với mức 5,41% GDP theo Nghị quyết số 128/2020/QH14; trong đó bội chi NSTW quyết toán 213.088,59 tỷ đồng, giảm 4.711,4 tỷ đồng so với dự toán, bội chi NSĐP quyết toán 3.316,99 tỷ đồng, giảm 13.683 tỷ đồng so với dự toán.
 
Dư nợ công đến 31/12/2020 là 3.520.601,39 tỷ đồng, tăng 6,02% so với năm 2019, bằng 55,94% so với GDP (dưới mức trần 65% GDP). Như vậy, nợ công bình quân đầu người là 35,1 triệu đồng/người và có xu hướng tăng qua các năm, năm 2018 là 31,69 triệu đồng/người; năm 2019 là 33,62 triệu đồng/người.

Báo cáo những nội dung cụ thể về quyết toán NSNN năm 2020, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh đề nghị Quốc hội xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020 do Chính phủ trình.

Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đối với niên độ ngân sách năm 2019, Tổng Kiểm toán nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, đến 31/12/2021 số xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN được thực hiện là 14.677,08 tỷ đồng, đạt 80%; xử lý khác được thực hiện 28.648,13 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 66,1%; 44/205 văn bản đã được Chính phủ, các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương thực hiện hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung theo kiến nghị của KTNN; 52/98 Báo cáo kiểm toán có kiến nghị kiểm điểm đã được các đơn vị thực hiện.

Trong năm 2021, các đơn vị được kiểm toán cũng tiếp tục thực hiện thêm các kiến nghị đối với niên độ NSNN năm 2018 trở về trước 9.359,98 tỷ đồng. Số kiến nghị tăng thu, giảm chi NSNN chưa thực hiện đến 31/12/2021 còn 28.933,2 tỷ đồng.

Số văn bản KTNN kiến nghị trong giai đoạn 2016-2019 đã được các cơ quan chức năng thực hiện lũy kế đến 31/12/2021 là 237/667 văn bản, tăng thêm 111 văn bản so với báo cáo tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán hàng năm.

Trên cơ sở kiểm toán quyết toán NSNN năm 2020, KTNN đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán; rà soát để hủy bỏ hoặc thay thế, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới 198 văn bản không phù hợp với quy định pháp luật hoặc chưa phù hợp với thực tiễn; kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các khuyết điểm và sai phạm đã nêu trong báo cáo kiểm toán của từng cuộc kiểm toán thực hiện trong năm 2021.

Cùng với đó, KTNN đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính tổ chức rà soát, kiểm tra, xác định nguyên nhân, trách nhiệm và báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý kịp thời theo quy định đối với một số địa phương giao dự toán từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020 cho các dự án chưa đảm bảo quy định; số vốn ngoài nước đã giải ngân cho đầu tư xây dựng cơ bản từ năm 2019 trở về trước chưa hạch toán, quyết toán vào NSNN và số vốn viện trợ không hoàn lại đã thực nhận nhưng chưa được bố trí dự toán qua các năm. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế trong việc tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ giao dự toán từ nguồn dự phòng NSTW năm 2020 tại Quyết định số 118/QĐ-TTg chưa hoàn toàn phù hợp quy định về thẩm quyền cơ quan chủ trì tham mưu…

Ngoài ra, KTNN cũng kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo một số Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương kiểm điểm, chấn chỉnh đối với những hạn chế như: Phân bổ chi tiết kế hoạch vốn vượt mức vốn được duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn; chưa phù hợp đối tượng quy định; không được Thủ tướng Chính phủ giao bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn; giao kế hoạch vốn chậm và điều chỉnh kế hoạch vốn nhiều lần…/.

Phương Ngọc

Xem thêm »