Chính phủ cần đánh giá kỹ lưỡng hơn về kinh tế vĩ mô, nguy cơ bùng phát dịch COVID-19
Thảo luận tại Tổ, các đại biểu đều bày tỏ tán thành với Báo cáo bổ sung kết quả kết thực hiện phát triển KT-XH năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 của Chính phủ; Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Các đại biểu ghi nhận những kết quả nổi bật về KT-XH Chính phủ đạt được trong năm 2021 khi vừa tổ chức phòng, chống dịch COVID-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội theo tinh thần Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. 7/12 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch năm 2021, một số chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt cao hơn so với số đã báo cáo Quốc hội như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 1,84%; bội chi ngân sách nhà nước là 3,41% GDP; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 22,6%; xuất siêu đạt 4 tỷ USD là những con số biết nói và đáng trân trọng, khẳng định sự nỗ lực, cố gắng rất lớn của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, đặc biệt là sự ủng hộ, chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân.
Tuy nhiên, theo một số ý kiến của các địa biểu, năm 2021 có 05 chỉ tiêu KT-XH quan trọng không đạt mục tiêu; công tác phòng, chống dịch có lúc, có nơi còn bị động; thu NSNN vượt dự toán nhưng chưa bền vững, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng nợ xấu… Các đại biểu cho rằng cần quan tâm, đánh giá kỹ lưỡng về kinh tế vĩ mô; nguy cơ bùng phát dịch COVID-19; việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, trong đó có Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội; tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn, chi phí đầu vào tăng; Chính phủ làm rõ hơn tác động của đứt gãy chuỗi cung ứng đối với hoạt động kinh tế trong nước, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp, đồng thời đề xuất các giải pháp trước mắt cũng như lâu dài cho những chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động tiêu cực của chuỗi cung ứng.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (tỉnh Bình Phước) nêu ý kiến, giữa Tờ trình của Chính phủ với Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Kinh tế chưa có sự thống nhất về các chỉ tiêu, do đó đề nghị Chính phủ cần rà soát, bổ sung các chỉ tiêu sao cho thống nhất với cơ quan thẩm tra. Đề nghị Chính phủ quan tâm đến sự biến động của giá cả thị trường, tình trạng tăng vật tư nguyên liệu là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân, đặc biệt là nông dân. Đồng thời có những chính sách quan tâm hỗ trợ, đặc biệt trong thời điểm thực hiện phục hồi phát triển kinh tế-xã hội sau đại dịch COVID-19.
Theo Đại biểu Nguyễn Huy Thái (tỉnh Bạc Liêu), hiện Chính phủ mới đề nghị bổ sung dự toán cho các dự án đã có trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn mà chưa hoàn thiện để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Trong khi đó, Danh mục các dự án sử dụng nguồn vốn của Chương trình phục hồi phát triển kinh tế còn chậm, làm giảm đi hiệu quả và mất ý nghĩa của Chương trình. Do đó đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét trách nhiệm của những Bộ, cơ quan Trung ương liên quan trong việc thực hiện Chương trình để chính sách của Nhà nước đi vào cuộc sống theo đúng kế hoạch và hỗ trợ tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Ninh Bình), Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ đến thời điểm hiện nay chưa phân bổ được cũng làm giảm hiệu quả sử dụng vốn. Trong khi đó, việc chậm triển khai và phân bổ vốn cho 03 Chương trình mục tiêu quốc gia đang gây lãng phí lớn về nguồn lực NSNN và ảnh hưởng đến khả năng giải ngân vốn đầu tư công năm 2022. Cụ thể, ở đây là Chương trình mục tiêu quốc gia cho đồng bào dân tộc thiểu số được phê duyệt từ tháng 6/2020 nhưng đến tháng 10/2021 mới có quyết định, đến cuối năm 2021 mới có tiêu chí nên phải chuyển nguồn sang năm sau. “Các nguồn vốn từ ngân sách Trung ương thường tháng 7 - 8 hàng năm bắt đầu phân bổ, thậm chí đến tháng 9 – 10, sau đó HĐND cấp tỉnh phải họp gấp nếu không sẽ không phân bổ kịp. Tình trạng này cũng lặp lại ở các dự án cấp bách, dù nói là cấp bách, nhưng ở nhiều địa phương có khi 2 tháng, 2 năm vẫn chưa xong các thủ tục, nên không còn tính cấp bách” - đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đưa ví dụ.
Phần lớn các đại biểu Quốc hội đề ngh, Chính phủ giải quyết dứt điểm các tồn tại đã được nêu ra tại các kỳ giám sát của các cơ quan của Quốc hội về tình trạng nợ văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành. Chỉ đạo rà soát ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, NSNN, đầu tư công, quản lý và sử dụng tài sản công, cổ phần hóa, quản lý hoạt động thương mại điện tử, đấu thầu, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, khoáng sản, tài nguyên nước, rừng... theo tiến độ Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hiện Kết luận và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, cũng như đòi hỏi của thực tế. Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về định mức, tiêu chuẩn, đơn giá còn thiếu, chưa phù hợp với thực tiễn, nhất là các định mức, đơn giá, tiêu chuẩn kỹ thuật trong các lĩnh vực xây dựng, giao thông, y tế, giáo dục…
Về vấn đề giải giải ngân vốn đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang) đề nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo, nghiên cứu đưa ra giải pháp đột phá, tháo gỡ vướng mắc trong thủ tục triển khai, tạo chuyển biến tích cực và thực chất trong vấn đề này, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục kinh tế; cần có giải pháp cụ thể để khắc phục vấn đề phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa chặt chẽ và hiệu quả trong công tác tổ chức thực hiện, triển khai, để những chính sách sớm đem đến hiệu quả thiết thực trong đời sống.
Tổ 12 thảo luận
Cũng tại phiên thảo luận tại Tổ, các đại biểu đã cho ý kiến về phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2020. Theo đó trong năm 2020, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt để cắt giảm chi thường xuyên. Nhờ đó, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, trong quản lý chi tiêu thường xuyên tại một số Bộ, ngành, địa phương vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội quan trọng chưa triển khai kịp thời trong năm; chi chuyển nguồn, hủy bỏ dự toán chi thường xuyên còn lớn... Các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế này.
Chính phủ cần có đánh giá, làm rõ các tồn tại, hạn chế đối với công tác lập dự toán thu tiền sử dụng đất hàng năm không sát, dẫn đến vượt thu lớn, nên xây dựng, cân đối không đầy đủ các khoản vượt thu này, dẫn đến bị động trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư trung hạn và hằng năm, không phát huy được hết hiệu quả đầu tư từ nguồn thu này.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (Thành phố Hải Phòng) cho biết, một trong những vấn đề trọng tâm cần giải quyết trước mắt là thúc đẩy tiến độ việc giải ngân vốn đầu tư công. Gói kích thích kinh tế đã tập trung đầu tư cho các lĩnh vực hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế… nhưng đến nay tiến độ giải ngân, phân bổ còn chậm, không đáp ứng được yêu cầu. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công đã gây ảnh hưởng tới tốc độ phục hồi của nền kinh tế, gây khó khăn cho nhiều lĩnh vực, đặc biệt là làm thiếu thốn thuốc và vật tư y tế phục vụ việc phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe người dân; gây ảnh hưởng đến công tác giáo dục, đào tạo. Cho rằng đây là vấn đề trầm kha, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm và còn để lại những hậu quả nặng nề, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần phải tìm giải pháp mới, đột phá để giải quyết những vấn đề đã cũ.
Cần phát động toàn dân tham gia thực hành tiết kiệm, chống lãng phí
Thảo luận tại Tổ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, một số đại biểu Quốc hội nêu rõ, qua tiếp xúc cử tri đã nhận được nhiều ý kiến đề nghị Đảng, Nhà nước quan tâm, nghiên cứu để phát động toàn dân tham gia công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đưa công tác này có tầm quan trọng ngang với công cuộc phòng, chống tham nhũng đang được quyết liệt thực hiện. Dù Báo cáo của Chính phủ nêu đã rà soát, ban hành định mức, tiêu chuẩn, tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, cần đánh giá đúng mức về sự phù hợp các chế độ, định mức, tiêu chuẩn này lấy đó làm thước đo đánh giá việc thực hiện tiết kiệm sau khi chế độ, định mức, tiêu chuẩn được ban hành. Nếu chỉ thực hiện đúng định mức tiêu chuẩn, thì chưa đạt được mục tiêu thực hành tiết kiệm.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (tỉnh Bắc Ninh), Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm chống lãng phí của Chính phủ chỉ nêu các chỉ số định mức, tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng, cần bổ sung thêm định mức, tiêu chuẩn, số liệu trong các lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn… để giúp công tác điều hành, chỉ đạo và các cơ quan thực hiện được tốt hơn, nâng cao hiệu quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Cần có cơ chế phân chia lại hiệu quả được tiết kiệm đối với cá nhân, tổ chức đã thực hành tiết kiệm. Do Luật hiện hành mới quy định vấn đề bảo vệ, tuyên truyền, biểu dương người phát hiện lãng phí, cần có thêm quy định khuyến khích ở mức độ cao hơn, có thể khen thưởng cho những người phát hiện sự việc lãng phí. Để khuyến khích tiết kiệm trong các cơ quan tổ chức, cần có cơ chế, phân chia lại những hiệu quả được tiết kiệm, cần có khuyến khích về mặt lợi ích cho các đối tượng thực hành tiết kiệm.
Đối với vấn đề tinh giản biên chế, các đại biểu cũng cho rằng để công tác này đạt được hiệu quả, cần có sự chủ động, tích cực từ phía các địa phương. Theo đó, không nên áp cứng các chỉ tiêu về số lượng biên chế một cách máy móc, mà mỗi địa phương tùy theo tình hình thực tế, các điểm đặc thù của địa phương để thực hiện tinh giản biên chế cho phù hợp, đảm bảo tinh gọn bộ máy gắn liền với nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động.
Sẽ không có Luật riêng nào về xử lý nợ xấu
Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng tại phiên thảo luận Tổ, các đại biểu Quốc hội khẳng định, xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã mang lại những lại chuyển biến rất tích cực, góp phần duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới mức 2%, từng bước bảo đảm quyền của chủ nợ trong xử lý nợ xấu, thể hiện tính đúng đắn về định hướng, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đối với công tác xử lý nợ xấu của hệ thống tín dụng; tác động tích cực đến quá trình cơ cấu lại, phát triển của hệ thống tín dụng.
Các đại đồng tình với báo cáo của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng và hoạt động ngân hàng với những kết quả nổi bật. Các công cụ của chính sách tiền tệ được điều hành chủ động, linh hoạt và đồng bộ; có sự phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa để điều tiết những thanh khoản làm ổn thị trường tiền tệ. Ngoài ra còn có sự kiểm soát theo đúng mục tiêu và cung ứng nguồn vốn cho phục hồi và phát triển kinh tế.
Nhiều đại biểu đề nghị nên kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023, vì việc dừng áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, tạo hệ lụy tiêu cực đối với nền kinh tế vĩ mô.
Tổ 16 thảo luận
Một số ý kiến đại biểu cho rằng, tình hình xử lý nợ xấu còn chậm, trong đó có nguyên nhân do quy trình xét xử ở Tòa án. Hiện, báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ chưa nêu ra lý do vướng mắc đến từ các cơ quan tố tụng, dù có thừa nhận, việc giải quyết xét xử nợ xấu theo quy trình rút gọn trên Tòa án rất ít.
Theo đại biểu Mai Khanh (tỉnh Ninh Bình) đề nghị, Báo cáo của Chính phủ cần làm rõ thu hồi nợ xấu tăng gấp đôi chủ yếu do tác động nào từ Nghị quyết 42? Về việc kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, đề nghị Chính phủ nên tập trung nghiên cứu sửa đổi tổng thể các pháp Luật liên quan, đặc biệt là đưa các quy định của Nghị quyết 42 vào quá trình sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, nhất là quy định về thủ tục hành chính, sự tham gia của các cơ quan trong hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Đại biểu Phạm Hùng Thắng (tỉnh Hà Nam) cũng đồng tình kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu đến hết ngày 31/12/2023. Bởi theo lũy kế từ 25/8/2017 đến ngày 31/12/2021, toàn hệ thống tín dụng đã xử lý được 308,2 nghìn tỷ đồng, đạt trung bình 5,67 nghìn tỷ đồng/1 tháng, cao hơn khoảng 2 nghìn tỷ đồng/1 tháng so với thời điểm trước khi Nghị quyết 42/2017/QH14 có hiệu lực thi hành. Kết quả đó đã góp phần không nhỏ, tạo nên chuyển biến tích cực đối với công tác cơ cấu lại tổ chức tín dụng, tạo niềm tin của người dân, toàn xã hội đối hệ thống tín dụng.
Đại biểu Nguyễn Việt Hà (tỉnh Tuyên Quang) cũng đề nghị kéo dài thời gian thực hiện Nghị quyết 42, bởi việc thực hiện Nghị quyết 42 đã nâng cao nhận thức của khách hàng trong việc đi vay, trả nợ, có ý thức hợp tác hơn với tổ chức tín dụng trong việc trả nợ; tăng cường sự phối hợp của các cơ quan liên quan trong việc thu hồi nợ. Số nợ xấu cần xử lý theo Nghị quyết 42 theo Báo cáo của Chính phủ còn hơn 400 nghìn tỷ, trong khi đó, khách hàng, doanh nghiệp người dân vẫn gặp khó khăn do dịch Covid – 19 để lại, cần có thời gian để phục hồi; các ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng đang thực hiện giải pháp cơ cấu lại thời hạn trả nợ, nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, đồng nghĩa nợ xấu sẽ tăng trong thời gian tới. Nếu dừng lại việc áp dụng Nghị quyết 42 trong khi chưa Luật hóa, sẽ làm mất đi công cụ cho các tổ chức tín dụng thu hồi nợ xấu, tạo áp lực, thách thức lớn đối với tổ chức tín dụng, ngân hàng nhà nước, tạo hệ lụy tiêu cực đối với kinh tế vĩ mô.
Thảo luận tại Tổ về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu quan điểm, về nguyên tắc, chính sách thí điểm chỉ áp dụng trong một khoảng thời gian, do đó Chính phủ phải nghiên cứu, khẩn trương đề xuất định hướng để hoàn thiện khung khổ pháp lý cho xử lý nợ xấu. Do đó, không nên đặt vấn đề xây dựng một Luật về xử lý nợ xấu, mà cần hoàn thiện quy định của Luật Các tổ chức tín dụng, trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 42, xác định nội dung nào kế thừa, đưa vào Luật. "Sẽ không có Luật riêng nào về xử lý nợ xấu, cũng không có khung nào nữa vì khung theo các cơ chế theo Nghị quyết 42 đã là cao nhất. Nhất trí kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 đến hết năm 2023, nhưng cần pháp điển hoá các quy định về xử lý nợ xấu, sửa đổi trong Luật Các tổ chức tín dụng mới là giải pháp căn cơ" – Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh./.
Khánh Vy