Cần khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

02/06/2022
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, chiều 02/6/2022, tại Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại hội trường về phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp

Tại phiên thảo luận đã có 24 đại biểu Quốc hội phát biểu. Nội dung thảo luận phong phú, thẳng thắn, sâu sắc, thể hiện tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đối với các vấn đề trọng tâm của việc phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2020 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021.

Đa số ý kiến đại biểu tán thành với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Báo cáo kết quả kiểm toán Ngân sách nhà nước của Kiểm toán nhà nước (KTNN). Các đại biểu cho rằng, các báo cáo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đã đánh giá khá toàn diện, có số liệu, dẫn chứng, lập luận phản biện tốt, đã nêu được các tồn tại, một số nguyên nhân và các giải pháp khắc phục.

Về quyết toán NSNN năm 2020, các đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2020 của Chính phủ. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát, nền kinh tế đối mặt nhiều thách thức, dưới sự sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 đạt kết quả tích cực. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện tốt.

Tuy nhiên, thu ngân sách Trung ương không đạt dự toán, kỷ luật kỷ cương tài chính có tiến bộ nhưng chưa nghiêm, quản lý chi tiêu ngân sách còn tồn tại hạn chế chưa được khắc phục triệt để. ĐBQH đề nghị Chính phủ cần có giải pháp nâng cao chất lượng quản lý điều hành ngân sách, quản lý chặt chẽ các khoản chuyển nguồn, tạm ứng sử dụng, kết dư ngân sách… 

Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, các đại biểu cho rằng, mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, đặc biệt là tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, nhưng với quyết tâm cao, sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021 đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần huy động thêm nguồn lực từ NSNN, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân để phục vụ công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an sinh xã hội trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức.

Có nhiều ý kiến ĐBQH cho rằng công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí còn nhiều tồn tại, hạn chế xảy ra ở hầu hết các cấp, các ngành, các lĩnh vực dẫn đến thất thoát, lãng phí nguồn lực Nhà nước. Thể hiện ở việc ban hành văn bản hướng dẫn Luật còn chậm, tình trạng ách tắc, sai phạm trong việc mua sắm trang thiết bị y tế, đấu thầu mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công, giải ngân chậm, nguồn vốn ODA chưa được khắc phục, tiến độ thực hiện và khả năng hoàn thành kế hoạch một số dự án trọng điểm. Việc triển khai thực hiện các công trình quan trọng quốc gia còn xảy ra tình trạng chậm trễ, gây lãng phí nguồn lực.

Các ĐBQH đề nghị Chính phủ cần làm rõ kết quả tiết kiệm, sử dụng nguồn tiết kiệm, đánh giá rõ hơn về sắp xếp bộ máy, về chất lượng, về nguyên nhân chủ quan, chỉ rõ nơi nào ai làm tốt, nơi nào ai làm chưa tốt hoặc vi phạm pháp luật, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, ĐBQH đề nghị rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật, cụ thể hóa quan điểm của Đảng về khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm bằng các chính sách cụ thể, tập trung khắc phục các tồn tại, bất cập đã được nêu ra trong báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các cơ quan thẩm tra.
 

Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà (đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) cho rằng, thất thoát, lãng phí vẫn còn diễn ra trong tất cả các ngành, lĩnh vực; kỷ luật, kỷ cương, quản lý, sử dụng tài chính, quản lý NSNN không nghiêm dẫn đến còn nhiều thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng các nguồn vốn này.

Cụ thể, Báo cáo kiểm toán, quyết toán NSNN năm 2020 và Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán của KTNN được tổng hợp từ 234 báo cáo kiểm toán và từ 177 kiểm toán đối với niên độ NSNN năm 2020 cho thấy: Có rất nhiều tồn tại, hạn chế, vi phạm trong công tác lập, chấp hành dự toán, quyết toán NSNN, nhiều sai phạm, vi phạm kéo dài nhiều năm và nhiều trường hợp các cấp có thẩm quyền phê chuẩn các nội dung không đúng quy định cũng gây thất thoát, lãng phí.

Để khắc phục các tồn tại, hạn chế này, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị KTNN cần đôn đốc sát sao việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, xử lý triệt để các khoản thu, chi NSNN không đúng quy định để các Bộ, ngành, địa phương kịp thời điều chỉnh các khoản sai phạm, vi phạm, giảm thất thu, lãng phí nguồn lực.

Đề cập đến thực trạng trong mấy năm gần đây, số chi chuyển nguồn năm sau tăng cao hơn năm trước, quy mô ngày càng lớn, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị Chính phủ, KTNN cần tiếp tục rà soát toàn bộ số chuyển nguồn này, trong đó kịp thời thu hồi các khoản chuyển nguồn tạm ứng không đúng quy định. "Bên cạnh đó, việc xử lý các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với các trường hợp vi phạm kéo dài 2-3 năm, thậm chí nhiều năm sau khi đã kết thúc niên độ NSNN và quyết toán NSNN chưa được xử lý dứt điểm cũng gây thất thu, lãng phí nguồn lực, cần có giải pháp khắc phục..." - đại biểu đề nghị.

Để công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hiệu quả hơn trong thời gian tới, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội) cho rằng, cần nhận diện lãng phí là kẻ thù, đồng thời phải đánh giá toàn diện cả tình hình thực hành tiết kiệm và chống lãng phí theo mức độ, diễn biến, cơ cấu và tính chất.

Cùng quan điểm, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý (Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh) đề nghị cần quán triệt sâu sắc, hiệu quả hơn nữa để việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ăn sâu vào ý thức, trở thành suy nghĩ thường trực trong mỗi việc làm hằng ngày của đảng viên, cán bộ, công chức, nhất là người đứng đầu. Trong đó, cần phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân, phải tạo cơ chế thuận lợi hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp nhân dân tham gia giám sát hiệu quả.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu, giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan soạn thảo hoàn thiện Nghị quyết gửi xin ý kiến các ĐBQH./.

M. Thúy

Xem thêm »